Khi chồng không chịu lớn

Ngày đầu gặp anh, chị đã cảm giác có cái gì chơi vơi như mái tóc điệu đà của anh. Tuy nhiên, như người ta từng nói tình yêu là mù quáng, chị vẫn nhận lời yêu anh rồi cùng nhau đi đăng ký kết hôn, làm đám cưới…

Anh sinh ra trong gia đình không thật sự giàu có nhưng nổi tiếng. Bố anh là nhà viết kịch, nhà thơ nổi tiếng. Mẹ anh là hoa khôi và là nghệ sĩ dương cầm cũng thành danh. Anh em nhà anh đều là những người tài năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Anh thừa hưởng vẻ đẹp của mẹ nhưng chỉ có tài… tán gái, còn hầu như không biết làm điều gì, ngoài việc lạng lách xe máy (hồi hầu như chưa có xe ô tô tư nhân) khá điệu nghệ.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thay vì giống như các anh chị đều đi học các trường đại học hàng đầu, trong và ngoài nước, anh lại phải đi xuất khẩu lao động, làm công việc đơn giản như hái trái cây. Về nước, anh tăng thêm độ chải chuốt học từ nước ngoài cộng với vẻ đào hoa của trai Hà Nội vốn có. Cùng với giọng nói trầm ấm, ánh mắt lơ đãng, lại thêm tiền rủng rỉnh…, anh hầu như gặp cô gái nào là tán đổ cô đó. Trong buổi chiều Hà Nội vào thu, trời se lạnh, anh gặp chị tại một hiệu sách. Chị đang cầm tập thơ say sưa đọc. Anh nhìn chị thấy xốn xang trong lòng vì vẻ đẹp thuần hậu, nhất là đôi mắt trong veo. Bất ngờ thay, tập thơ là tác phẩm nổi tiếng của bố anh. Anh không bỏ lỡ dịp may, đến chào cô gái và tự giới thiệu mình chính là con ruột của nhà thơ có tập thơ mà chị đang cầm trên tay.
Anh và chị nhanh chóng làm quen và cũng chỉ 3 tháng sau, được sự đồng ý của hai gia đình, họ làm đám cưới.
Lấy anh, về ở chung, chị mới nhận ra, anh chỉ có dòng máu của nhà thơ nổi tiếng đó, còn lại không giống thứ gì về tài năng, tính cách. Nhà thơ lao động nghệ thuật nghiêm túc, cần mẫn, lại là nhà quản lý. Còn chồng chị suốt ngày chỉ lo chải chuốt, anh mặc thật đẹp rồi dạo phố, la cà quán bar, quán cà phê.
Lúc đầu kinh tế gia đình chị cũng không đến nỗi khó khăn vì chị có công việc đi dạy, mẹ chồng cũng hỗ trợ thêm; riêng nhà đã được chia hẳn một tầng khá rộng. Thế nhưng, khi đứa con đầu lòng sinh ra, nhiều việc cần chi tiêu hơn; bố mẹ chồng cũng về hưu nên không còn thu nhập cao như trước, gia đình chị bắt đầu bộc lộ những khó khăn. Chị thỉnh thoảng cũng tâm sự với chồng về cảnh nhà túng thiếu. Thế nhưng thay vì tìm kế sinh nhai, ngay sau khi ăn cơm trưa xong là anh ăn mặc đẹp, xịt nước hoa, dắt xe dạo phố đến tối mịt mới về. Mẹ chồng cũng thấy không ổn, lo lắng cho chị, nhắc nhở con trai nhưng anh vẫn tính nào, tật nấy. Được cái anh không cáu bẳn, nhắc thì nhe răng ra cười.
Đến lúc này chị mới nhận rõ chồng mình là người vô trách nhiệm trong cuộc sống gia đình, anh như đứa trẻ không bao giờ chịu lớn, lúc nhỏ được mẹ bảo bọc, lớn bám váy vợ.
Một hôm, trong bữa ăn, khi con nhỏ đã ngủ, chị nói thẳng với chồng: “Sức em có hạn, không thể ăn bám bố mẹ mãi được. Anh phải giúp em. Nếu anh không đi làm kiếm tiền thì cũng ở nhà trông con, làm nội trợ giúp em. Nếu tình hình này còn diễn ra, e gia đình mình tan vỡ”.
Anh im lặng không nói gì, lần đầu tiên chị thấy ánh mắt anh có vẻ buồn. Hôm sau, chị thấy anh trở về nhà sớm hơn thường lệ. Gặp chị, anh nói: “Hôm nay anh gặp bạn bè hồi còn đi làm nước ngoài với nhau. Anh đã được nhận vào nhà hàng của bạn làm”.
Chị mừng hết cỡ nhưng không hỏi anh làm gì trong nhà hàng, sợ anh nổi tính sĩ diện rồi bỏ việc. Anh nói: “Anh lông bông quen đã nhiều năm. Hồi nhỏ được mẹ bao bọc kỹ quá, lo từ miếng ăn, giấc ngủ, quần áo… Kể cả việc sáng sớm đi giày mẹ cũng giúp cho anh, bà cẩn thận chọn tất, mang giày vào chân cho anh dù anh đã học cấp 3, nay là phổ thông trung học. Vì vậy…”. Anh cũng tự cho chị biết, anh sẽ vào phụ bếp, đó là việc anh khá yêu thích từ nhỏ. Bạn anh cho anh nhận lương và sẽ ưu tiên cho anh góp vốn khi anh có điều kiện.
Thật may mắn, mấy tháng sau anh như một con người khác, anh cắt ngắn mái tóc, ăn mặc chỉn chu nhưng không chải chuốt, điệu đà. Tháng đầu tiên, anh đưa cho vợ tiền lương tháng của mình, chị cảm thấy khóe mắt mình rưng rưng “Ơn trời, anh đã trưởng thành, không còn trẻ con nữa. Gia đình nhỏ của mình đã ấm êm rồi”.

Thanh Hoa

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/gia-dinh-khi-chong-khong-chiu-lon-410519.html