Khi chính quyền thực sự vì dân...

Tại phiên tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân định kỳ tháng 4-2021 của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, hai công dân Phạm Thị Minh, Đậu Thị Chính ở thôn Trung Vũ, xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) kiến nghị những vấn đề liên quan đến sự cố ô nhiễm môi trường biển (ÔNMTB).

Sau phiên tiếp dân, thực hiện chỉ đạo từ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý. Đến nay, đã cơ bản xử lý xong tồn đọng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Nỗi lòng người dân biển

Lần theo nội dung kiến nghị của hai bà Phạm Thị Minh, Đậu Thị Chính, chúng tôi tìm về xã Cảnh Dương. Cũng như các xã biển khác, người dân Cảnh Dương ngoài bám biển đánh bắt thủy sản còn có thêm nghề phụ là chế biến các sản phẩm mắm, ruốc từ biển.

Sau sự cố ÔNMTB xảy ra tại 4 tỉnh miền Trung năm 2016, các thôn Trung Vũ, Liên Trung, Đông Tỉnh có 10 cơ sở chế biến mắm, ruốc bị ảnh hưởng. Quá trình thống kê, kiểm đếm, xử lý sản phẩm hải sản tồn đọng của các ngành chức năng ghi nhận tổng trọng lượng ruốc của 10 cơ sở trên là 4.950kg.

Cụ thể: tại thôn Trung Vũ, cơ sở bà Cao Thị Hoa 500kg; Phạm Thị Minh 700kg; Đồng Thị Bình 600kg; Phạm Thị Hạnh 600kg; Nguyễn Thị Hà 700kg; Đồng Thị Miên 300kg; Bùi Thị Đồng 300kg; Đậu Thị Chính 500kg; Ngô Thị Hoa (thôn Liên Trung) 300kg và Nguyễn Huệ (thôn Đông Tỉnh) 450kg.

Theo kết quả lấy mẫu kiểm tra của Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, nay là phòng Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp-PTNT), số ruốc của 10 cơ sở trên không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cấm xuất bán ra thị trường và phải tiêu hủy tránh ảnh hưởng đến môi trường.

Tuân thủ sự chỉ đạo từ các cấp chính quyền và các ngành chức năng, chủ sở hữu 10 cơ sở sản xuất cam kết không bán sản phẩm ruốc, bảo quản tại gia… chờ tiêu hủy.

Bà Đồng Thị Bình, đại diện cho 10 cơ sở sản xuất mắm, ruốc ở xã Cảnh Dương từng gửi đơn phản ánh, kiến nghị lên các cơ quan chức năng liên quan đến 4.950kg ruốc bị ảnh hưởng do sự cố ÔNMTB chia sẻ: “Từ tháng 6-2016, khi có kết luận mẫu ruốc của chúng tôi không an toàn, 10 hộ gia đình tiến hành bảo quản tại gia bằng cách cho vào chum, vại và khằng kín lại chờ hướng dẫn tiêu hủy.

Chúng tôi chưa bàn đến chuyện hỗ trợ, đền bù, chỉ mong UBND xã Cảnh Dương, các cơ quan chức năng chỉ cho cách tiêu hủy như thế nào, tiêu hủy ở đâu để tránh ảnh hưởng đến môi trường, tuy nhiên, chờ mãi vẫn chưa thấy câu trả lời. Trong lúc đó, số ruốc tồn đọng để lâu bốc mùi rất khó chịu, ảnh hưởng đến môi trường sống từng gia đình và khu dân cư”.

Bà Phạm Thị Minh cho biết thêm: “Thời gian chờ đợi lâu… ruốc tồn đọng càng ngày càng bốc mùi nặng, 10 hộ gia đình bức xúc quá nên đầu năm 2020 thuê xe chở lên trụ sở UBND xã Cảnh Dương “nhờ” chính quyền tiêu hủy dùm. Biết hành động như vậy là ảnh hưởng đến tình hình trật tự trị an, nhưng nhờ thế mà số lượng ruốc tồn đọng đã được UBND xã Cảnh Dương “giúp” tiêu hủy một phần. Trong tổng số 4.950kg ruốc cần tiêu hủy có hơn 3.808kg được xử lý, còn tồn đọng lại 1.042kg”.

Số ruốc tồn đọng đến trước tháng 5-2021 gồm 1.042kg tại các gia đình Phạm Thị Minh 487kg; Đậu Thị Chính 93kg; Đồng Thị Bình 278kg và Nguyễn Thị Hà 184kg.

Bà Đồng Thị Bình (người ngoài cùng bên phải) và một số hộ dân thôn Trung Vũ đã có thể thở phào vì đã tiêu hủy được số mắm ruốc tồn đọng

Bà Đồng Thị Bình (người ngoài cùng bên phải) và một số hộ dân thôn Trung Vũ đã có thể thở phào vì đã tiêu hủy được số mắm ruốc tồn đọng

Xử lý dứt điểm sản phẩm ruốc tồn đọng

Trong kiến nghị trình bày với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, công dân Phạm Thị Minh và Đậu Thị Chính nêu 2 vấn đề: Tiếp tục tiêu hủy sản phẩm ruốc bị ảnh hưởng do sự cố ÔNMTB; thay đổi tỷ lệ hỗ trợ thiệt hại đối với sản phẩm ruốc bị ảnh hưởng là 30% trên số lượng sản phẩm tồn kho thay vì áp dụng hỗ trợ 30% trên số lượng sản phẩm xác định không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Sau khi có sự chỉ đạo từ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, ngày 26-4-2021, Văn phòng UBND tỉnh ban hành Công văn số 1393/VPUBND-NC truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh, giao Sở TN-MT và Sở Nông nghiệp-PTNT kiểm tra, giải quyết.

Ngày 7-5-2021, việc tiêu hủy 1.042kg ruốc tồn đọng được triển khai. Các hộ gia đình Phạm Thị Minh, Đậu Thị Chính, Đồng Thị Bình và Nguyễn Thị Hà bàn giao số lượng ruốc tồn đọng cho Ban quản lý các công trình công cộng huyện Quảng Trạch. Sau đó số lượng ruốc tồn đọng này được vận chuyển đến bãi rác xã Quảng Tiến tiêu hủy an toàn theo quy định.

Trở lại với nội dung đền bù, hỗ trợ đối với số lượng ruốc tồn đọng do sự cố ÔNMTB tại 10 cơ sở sản xuất mắm, ruốc xã Cảnh Dương. Căn cứ vào Công văn số 1826/TTg-NN, ngày 29-11-2017 của Thủ tướng Chính phủ, UBND huyện Quảng Trạch, xã Cảnh Dương tiến hành hỗ trợ 30% trên tổng số lượng 4.950kg ruốc không bảo đảm an toàn thực phẩm với số tiền 75 triệu đồng. Các hộ dân đã ký nhận tiền, như: bà Đồng Thị Bình nhận 9 triệu đồng; Đồng Thị Miên nhận 4,5 triệu đồng; Đậu Thị Chính nhận 7,5 triệu đồng, Bùi Thị Đồng nhận 4,5 triệu đồng; Phạm Thị Hạnh nhận 9 triệu đồng…

Bà Đồng Thị Bình, đại diện cho 10 hộ sản xuất mắm ruốc xã Cảnh Dương chia sẻ: “Cho đến thời điểm này, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm vì số lượng ruốc tồn đọng đã tiêu hủy hết. Riêng kiến nghị xin xem xét hỗ trợ, bồi thường thiệt hại thêm, đề nghị các ngành chức năng nên căn cứ vào số lượng sản phẩm tồn kho của 10 gia đình để giải quyết hợp tình, hợp lý hơn, giúp chúng tôi có thêm kinh phí đầu tư, phục hồi lại sản xuất”.

Nhóm PV.Bạn đọc

Nguồn Quảng Bình: http://www.baoquangbinh.vn/chinh-tri/202106/khi-chinh-quyen-thuc-su-vi-dan-2190117/