Khi chiến sĩ công an… làm thơ

Ai đó đã nói vui rằng, ở Việt Nam ra ngõ là gặp… nhà thơ. Cũng bởi phẩm chất thi sĩ có trong mỗi người Việt Nam nên vừa qua, Công an tỉnh đã tổ chức một cuộc thi thú vị: thi sáng tác thơ với chủ đề Mùa xuân chiến sĩ trong lực lượng cán bộ, chiến sĩ.

Một số tác phẩm tham gia cuộc thi sáng tác thơ Mùa xuân chiến sĩ được trưng bày tại Thư viện Công an tỉnh

Một số tác phẩm tham gia cuộc thi sáng tác thơ Mùa xuân chiến sĩ được trưng bày tại Thư viện Công an tỉnh

Sau thời gian phát động, Ban tổ chức bất ngờ khi toàn ngành Công an Đồng Nai hưởng ứng rất khí thế, nhiệt tình, với 211 bài. Hầu như đơn vị nào cũng có “thí sinh” tham gia.

Cách thể hiện cũng “mỗi người một vẻ”, có mặt đủ các thể loại thơ cổ kim: lục bát, tự do, năm chữ, thất ngôn bát cú, đường luật… Từ 160 bài vào vòng chung khảo, bạn đọc nhận ra bên trong vẻ nghiêm trang, có phần hơi “khô khan”, thế giới tinh thần của các cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân hết sức phong phú, tinh tế và không kém phần sôi nổi.

Dễ nhận thấy là thơ của lực lượng giữ gìn an ninh Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống của nhân dân nên tất cả các bài đều có tính tư tưởng cao, thể hiện rõ lý tưởng, khát vọng, lẽ sống của người chiến sĩ công an sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh vì đất nước: “Vì anh là công an/ Nên không sợ nguy nan/ Cũng không sợ gian khổ/ Ý chí cũng hiên ngang/ Vì anh là công an/ Lễ phép với dân làng/ Luôn trung thành với Đảng/ Xả thân lúc nguy nan” (Vì anh là công an, tác giả Đinh Thị Hồng Thúy - PC 04).

Có thể nói, cuộc thi thơ Mùa xuân chiến sĩ là một hoạt động văn hóa tinh thần rất đáng biểu dương, góp phần bồi đắp tình cảm gắn kết, thấu hiểu lẫn nhau giữa người chiến sĩ công an nhân dân với cộng đồng.

Có bài thơ hình thành từ một gương sáng trong ngành, lời lẽ rất chân phương nhưng câu thơ mang sức nặng ám ảnh: “Độ đôi mươi anh bước vào đời lính/ Cơ động trẻ để phục vụ nhân dân/ Rồi một hôm anh chiến đấu quên mình/ Giữa một đoàn toàn quái xế trước mặt/ Anh ra hiệu mà chúng chẳng cần biết/ Sẵn sàng lao bất chấp mọi hiểm nguy/ Anh ngã xuống nhưng chẳng hay biết gì/ Rồi tỉnh dậy một bên chân đã mất” (Tự hào người lính trẻ, tác giả Tạ Thanh Tùng - PC05).

Do đặc thù nghề nghiệp, các chiến sĩ công an không dễ bộc lộ mình, vì vậy đây là dịp để họ giãi bày mong mỏi được xã hội thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ: “Có một nghề được gọi “nghề lương cao/ Trong mắt nhiều thanh niên, đó là “nghề mơ ước”/ Nhưng em biết không? Đó là nghề báo trước/ Của những nhọc nhằn mà ít người hiểu cho” (Nghề lương cao, tác giả Ngọc Thanh - Công an H.Tân Phú) ).

Nếu không có cuộc thi thơ, mấy ai có dịp nghe người chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn trải lòng, làm lay động trái tim người đọc: “Lính cứu hỏa phải đối mặt gian khó/ Nơi đám cháy thường bùng phát rất to/ Cũng có lúc lòng đầy những đắn đo/ Nhưng tình yêu nghề rủi ro nào cản bước” (Lính cứu hỏa, tác giả Phạm Mạnh Hùng - PA03).

Có khá nhiều bài thơ là lời nhỏ to chan chứa tình yêu thương của các nữ chiến sĩ công an với “nửa kia” của mình: “Em về trong một sớm mai/ Hoàn thành chuyên án ai ai cũng mừng/ Mùa xuân vừa tới ngập ngừng/ Bên anh như thể chưa từng cách xa” (Trọn màu áo xanh, tác giả Lê Thị Hoài Thương - PV01). Đọc thơ của các chị, thấy ấm lòng vì người nữ công an trong sắc phục ngành có phần nghiêm trang dù nặng gánh hai vai việc nhà, việc nước vẫn giữ cho mình nét đằm thắm, dịu dàng và đầy nữ tính: “Tạm xa anh em đi trực hôm nay/ Xa các con ở nhà đừng ngóng mẹ/ Mẹ đang đi vì nụ cười con trẻ/ Vì bình yên giấc ngủ của xóm làng... Khoác lên mình màu quân phục công an/ Em chấp nhận một hành trang gian khó…/ Cha mẹ già ít thời gian thăm hỏi/ Anh đừng buồn mà tội nghiệp em nha” (Tâm sự người nữ công an nhân dân, tác giả Đinh Thị Ngọc - PC11).

Và đáp lại tình cảm của các chị là tấm lòng của người chồng gửi về cho người vợ trẻ trước ngưỡng cửa mùa xuân: “Tin chiến thắng từ Đồng Nai vang tới/ Làm nức lòng bao tầng lớp nhân dân/ Em vui sướng vỡ òa khi biết đó/ Có một phần thầm lặng chiến công anh” (Vui trọn mùa xuân, tác giả Phạm Thế Hùng - PC01).

Ngoài tình cảm lứa đôi, tình mẫu tử cũng được các chiến sĩ công an thể hiện trong thơ hết sức cảm động, chân thực. Đây là hình ảnh chú công an giao thông qua cái nhìn của một em bé vô cùng gần gụi, dễ thương: “Mọi người đi quanh chú/ Như một vòng tuần hoàn/ Bạn đồng hành: chiếc gậy/ Vẽ những đường dọc ngang” (Cháu vui xuân gặp chú cảnh sát giao thông, tác giả Phạm Thị Ngọc Hân - PX01).

Và đây là nỗi day dứt của người mẹ trẻ khi phải trả lời đứa con ngây thơ về sự vắng mặt của người cha đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ: “Nói gì với con trẻ/ Khi bố sẽ không về/ Bố đã mãi đi xa/ Không bao giờ trở lại/ Đêm qua ở lán trại/ Tạm bên cánh rừng già/ Cùng bạn bè đồng đội/ Tóm gọn bọn ác gian” (Sao bố không về, tác giả Huỳnh Thị Vân - PC11).

Vì là cuộc thi mang chủ đề Mùa xuân chiến sĩ nên thời gian tổ chức khá ngắn, các chiến sĩ công an hầu hết chưa có kỹ năng sáng tác, chưa rành những việc “bếp núc” của người làm thơ. Nhưng bên cạnh những bài “hô khẩu hiệu” có những bài thể hiện rõ tứ thơ, có tư duy hình tượng, dồi dào cảm xúc, ngôn từ dung dị, giàu hình ảnh. Kết thúc cuộc thi, giải nhất tập thể đã được trao cho Trại tạm giam (Công an tỉnh), giải nhì thuộc về Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) và giải ba thuộc về Công an H.Tân Phú cùng 25 giải được trao cho cá nhân.

Hoàng Ngọc Điệp

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202105/khi-chien-si-cong-an-lam-tho-3058001/