Khi cha mẹ phải 'lấy ảo bảo vệ thực'

Một số ứng dụng giám sát thậm chí có thể thu thập thông tin về hành vi của người được theo dõi, như thói quen lái xe…

Nhiều người đang tìm đến ứng dụng để giám sát người thương yêu của mình.

Tại Mỹ, thông tin dồn dập trong thời gian qua về các vụ nổ sung ở trường học, trường hợp người mất tích và hành vi bạo lực ngẫu nhiên có thể khiến mọi người cảm thấy như thể mối đe dọa từ sự hỗn loạn đang lớn hơn bao giờ hết. Điều này có thể giúp giải thích lý do một số bậc cha mẹ cảm thấy cần phải kiểm tra sự an toàn của con cái mọi lúc mọi nơi.

Giữ an toàn thời công nghệ cao

Công ty công nghệ Three Square Market (Mỹ) vừa giới thiệu một giải pháp được cho là hiệu quả - phần mềm ứng dụng mới có tên là “Mom I Am Ok” (tạm dịch: “Mẹ ơi, con vẫn ổn”). Được thiết kế cho các thành viên gia đình, phần mềm này cho phép người sử dụng thiết lập tính năng kiểm tra con cái hoặc người thân với sự đồng ý của họ. Khi đó, thông tin được gửi đến điện thoại với nội dung hỏi xem chủ thiết bị có an toàn hay không. Nếu người nhận không trả lời “có” sau khi điện thoại nhận được thông báo, ứng dụng có thể xác định những nơi họ từng có mặt và cung cấp dữ liệu đó cho người thân hoặc nhân viên thực thi pháp luật.

Ứng dụng Mom I Am Ok dựa hoàn toàn vào tính năng GPS (nhận tín hiệu từ hệ thống định vị toàn cầu) trong điện thoại thông minh của người sử dụng. Sử dụng tính năng tạo ranh giới ảo cho một khu vực trong thế giới thực (geofencing, tạm dịch “hàng rào địa lý”), chương trình cũng có thể gửi các thông tin cảnh báo các bậc cha mẹ khi con cái họ rời khỏi một khu vực cụ thể nào đó. Theo ông Patrick McMullan, Chủ tịch Three Square Market, tính năng này có thể hữu ích nếu một thiếu niên lái xe rời khỏi địa phương. Tuy nhiên, nếu điện thoại không ở trên người chủ của nó, việc giám sát không còn hiệu quả nữa.

Ông McMullan cho biết thêm ứng dụng mới của công ty hầu như không khác gì phiên bản chương trình được bán cho lực lượng thực thi pháp luật, cho phép họ theo dõi chuyển động của những người đang được tạm tha mà không cần dựa vào vòng đeo mắt cá chân. “Tôi có bốn con gái. Tôi muốn biết con gái mình ở đâu nếu có điều gì đó xảy ra với chúng”, ông nói về ý tưởng sử dụng công nghệ để giữ an toàn cho mọi người.

Nhân viên công ty Three Square Market được cấy chip để thay thế mật khẩu, thẻ nhân viên và thậm chí là thẻ tín dụng.

Phản tác dụng?

Chương trình ứng dụng Mom I Am Ok, với phí sử dụng theo tháng khoảng 9 đô la, là cái tên mới nhất trong danh sách các ứng dụng dành cho những ai muốn giám sát người thương yêu của mình. Hàng chục triệu người đang sử dụng các ứng dụng tương tự, trong đó có nhiều chương trình hứa hẹn giúp họ theo dõi vị trí của con cái theo thời gian thực cũng như các lần di chuyển gần đây của chúng - phạm vi thời gian có khi lên đến 48 giờ. Không dừng lại ở đó, một số ứng dụng giám sát thậm chí có thể thu thập thông tin về hành vi của người được theo dõi. Chẳng hạn như ứng dụng Family Tracker có tính năng theo dõi thói quen lái xe của các thành viên trong gia đình, cung cấp các bản báo cáo với dữ liệu hiển thị những trường hợp đạp thắng gấp, nhắn tin và tốc độ tối đa vào cuối mỗi chuyến đi.

Các chuyên gia đánh giá các ứng dụng này có thể hữu ích cho cảnh sát đang tìm kiếm một đứa trẻ mất tích nhưng lo ngại chúng cũng có thể bị nhà chức trách lạm dụng trong nỗ lực tìm kiếm bằng chứng liên quan đến một vụ án hình sự. Bà Maria Haberfeld, giáo sư khoa học cảnh sát tại Trường Công lý Tội phạm John Jay ở thành phố New York (Mỹ), nhận định cảnh sát khắp thế giới đang ở giữa một cuộc cách mạng công nghệ và sự xung đột tiềm tàng có thể nảy sinh nếu chính quyền sử dụng loại ứng dụng này để thu thập bằng chứng về những vụ việc, như một thiếu niên bị nghi tham gia hoạt động bất hợp pháp và đang mất tích.

Cấy chip tiên tiến vào người

Có trụ sở tại bang Wisconsin, Three Square Market không phải là cái tên quá xa lạ trong lĩnh vực công nghệ. Vào năm ngoái, công ty này từng là tâm điểm chú ý, và tranh cãi, khi cho cấy chip vào cơ thể nhân viên. Cụ thể, con chip nhỏ cỡ hạt gạo này sau khi được cấy vào bàn tay nhân viên cho phép họ mở cửa, đăng nhập vào máy tính, mua bánh từ máy bán hàng tự động tại trụ sở công ty chỉ bằng cách vẫy tay.

Nói cách khác, con chip sử dụng công nghệ nhận dạng bằng tần số radio (RFID) được sử dụng thay thế mật khẩu, thẻ nhân viên và thậm chí là thẻ tín dụng. Tính cho đến giờ, đã có 92/196 nhân viên công ty tình nguyện được cấy chip - một quá trình chỉ mất vài giây. Những người nói không với công nghệ bày tỏ nỗi lo về tác động lâu dài đối với sức khỏe của việc cấy chip.

Đằng sau sự bùng nổ của loại ứng dụng này là thông điệp u ám về một thế giới đang ngày càng nguy hiểm. “Khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi biết mọi ngôi nhà và con đường trong phạm vi vài ki-lô-mét. Giờ đây, người ta hầu như không biết gì về hàng xóm của mình. Mức độ tin tưởng với các cộng đồng đã bị xói mòn… Thế giới đang tìm kiếm các giải pháp. Chúng ta có những công cụ khác nhau nhằm ngăn bọn trẻ lên mạng. Nếu tôi không muốn con mình đến một nơi nào đó trong thị trấn hoặc nhà của ai đó, tại sao lại không sử dụng hàng rào địa lý để bảo vệ chúng trong cuộc sống thực?”, ông McMullin cho biết.

Tuy nhiên, bà Lisa Damour, một nhà tâm lý học, lại không đồng ý với sự nhận định rằng thế giới ngày càng không an toàn. Theo bà, bất chấp việc tội phạm bạo lực sụt giảm ở Mỹ, các cuộc khảo sát cho thấy nhiều người trưởng thành hiện cảm thấy kém an toàn hơn so với cách đây một thập kỷ. Đồng thời, các chuyên gia sức khỏe tâm thần ghi nhận sự gia tăng đột biến của những phụ huynh và trẻ em có cảm giác lo lắng trong những năm gần đây.

Khi được hỏi về ứng dụng Mom I Am Ok, bà Damour nghĩ rằng có “cơ may rất cao” rằng công nghệ được thiết kế để giảm sự lo lắng thực ra lại làm tăng cảm giác bất an ở cha mẹ và con cái. Giải pháp của bà là bảo đảm các thanh thiếu niên sẵn sàng đi đầu trong việc duy trì sự an toàn của chính mình khi họ ngày càng trở nên tự lập. Điều đó không có nghĩa là những người trẻ tuổi nên bị chia cắt hoàn toàn khỏi người lớn. “Chính bọn trẻ là người giữ bản thân an toàn. Các bậc cha mẹ nên vui vẻ khi nhận cuộc gọi và tin nhắn từ con cái thiếu niên của họ và hành động như một hệ thống dự phòng”, vị chuyên gia này khuyên.

The Washington Post, CNBC

Minh Phương

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279951/khi-cha-me-phai-lay-ao-bao-ve-thuc-.html