Khí cầu K chống tàu ngầm của Hải quân Mỹ

Tháng Giêng năm 1942, chiến tranh rung chuyển châu Âu đã lan đến mạn duyên hải phía Đông của Hoa Kỳ. Mặc dù Hoa Kỳ khi đó đã trải qua cuộc Đại chiến thế giới lần thứ II (ĐCTGII) tại 'sân khấu' Thái Bình Dương bằng cuộc tấn công Trân Châu Cảng, nhưng sự bắt đầu cuộc chiến ở Đại Tây Dương đã thu hút sự quan tâm của nhiều tướng lĩnh quân đội.

Giữa tháng Giêng năm 1942, hải quân Đức chính thức khởi động chiến dịch Paukenschlag, một chiến dịch với sự tham gia của 5 tàu ngầm (thường được gọi là hạm đội tàu U) để đánh chìm các tàu thương nhân chở theo các nguồn cung chiến tranh sống còn cho quân Đồng Minh ở Anh, Liên Xô và Bắc Phi. Chỉ trong vòng vài tháng ngắn ngủi, hạm đội tàu U đã nhấn chìm 20 thương thuyền chở theo hàng ngàn tấn vật liệu chiến tranh.

Đội tàu K của Hải quân Mỹ

Hạm đội tàu U chỉ quay lại cảng sau khi chúng “chơi” hết ngư lôi. Để triệt hạ mối đe dọa mới cho an ninh hàng hải, hải quân Mỹ đã tung ra loại vũ khí mới dùng cho chiến tranh chống tàu ngầm: khí cầu lớp K.

Khi Hoa Kỳ bước chân vào ĐCTGII, họ mới chỉ có 6 khí cầu lớp K dùng cho việc săn tàu U. 4 khí cầu lớp K đã hoàn thiện (giờ đây gọi tắt là Tàu K) có trong kho vũ khí của hải quân Mỹ đã được trưng dụng ngay lập tức sau khi hạm đội tàu U thực hiện các cuộc tấn công vào tháng Giêng năm 1942.

Tàu K bắt giữ tàu ngầm U-858 và đưa nó đến Lewes (tiểu bang Delaware). Ảnh nguồn: National Archives and Records Administration.

Tàu K bắt giữ tàu ngầm U-858 và đưa nó đến Lewes (tiểu bang Delaware). Ảnh nguồn: National Archives and Records Administration.

Tàu lớp K-3 được phái đi tuần duyên ở ngoài khơi Long Island (New York) một thời gian ngắn sau khi một tàu chở dầu Mỹ bị đánh đắm trên biển vào đêm 14 tháng 1 năm 1942. Tàu K-3 tuần tra khu vực, tìm kiếm các vệt dầu loang cùng những dấu hiệu của tàu ngầm. Khi phi hành đoàn tàu K-3 đang lùng tìm trên biển, họ nghe tin từ một máy bay ở gần đó nói rằng những người sống sót của tàu chở dầu đã được tìm thấy.

Xác định được địa điểm người sống sót, tàu K-3 hạ thấp độ cao và thả thức ăn xuống cho họ, tàu tiếp tục quần thảo trong vùng biển cho đến khi có tàu mặt nước tìm tới cứu hộ. Suốt thời gian chiến tranh, hạm đội tàu K đã phục vụ cho các hoạt động tìm kiếm – cứu hộ thành công. Chúng thường mang theo đồ tiếp tế, dụng cụ y tế và xuồng cứu sinh có thể hạ xuống để cứu lấy thủy thủ đoàn từ các tàu đắm hoặc máy bay bị chìm.

Cứu các nạn nhân sống sót là khâu vất vả nhất đối với hạm đội tàu K, nhưng các nỗ lực giải cứu đều thành công nhờ có sự hỗ trợ trực tiếp của máy bay và các tàu mặt nước khác. Tốc độ bay chậm, thời gian bay dài, tầm nhìn hoàn hảo cho phép các phi hành đoàn có thể thực hiện kịp thời các chiến dịch tìm kiếm – cứu hộ, thì những con tàu này còn khá linh hoạt trong nghệ thuật chiến tranh chống tàu ngầm.

Bảo vệ đội tàu chống tàu U

Không chỉ được thiết kế để tìm kiếm nạn nhân sống sót từ các tàu đắm do tàu U của Đức bắn hạ, hạm đội tàu này còn giúp hộ tống các tàu hàng bằng cách giúp xác định vị trí các tàu ngầm và tấn công chúng khi thời cơ đến.

Phi hành đoàn của tàu K-28 phát hiện một tàu lạ trong lúc tuần tra. Ảnh nguồn: National Air and Space Museum Archives, Smithsonian Institution.

Do khả năng bay lượn tại các cao độ và tốc độ thấp, tàu K có thể dễ dàng bay theo các đoàn tàu, và vì trên tàu có nhiều ô cửa sổ nên đã giúp tạo điều kiện cho các thành viên phi hành đoàn khả năng giám sát mọi thứ từ kính tiềm vọng cho đến các vệt dầu loang trên mặt biển. Chúng cũng hoạt động tiếp liệu cho các máy bay khác trong các điều kiện trời mù sương hoặc mây thấp, cho phép chúng thực hiện các sứ mạng chiến tranh chống tàu ngầm mà các loại máy bay khác không thể làm được.

Mỗi tàu K chở theo 10 phi hành đoàn và có thể hoạt động liên tục suốt 26 tiếng ở tốc độ hành trình, cho phép họ liên tục tuần tra các tuyến hải hành vận chuyển, và chờ tàu U trồi lên mặt nước.

Trên tàu K được trang bị nhiều thiết bị đặc biệt cho phép chúng tìm kiếm tàu U ngay cả khi những con tàu ngầm này nằm xa tầm nhìn bên dưới mặt biển. Mỗi phi hành đoàn sẽ bao gồm 2 nhân viên vô tuyến, những người chịu trách nhiệm cho hoạt động phát vô tuyến liên lạc tầm xa cho phép tàu K cảnh báo đội thương thuyền, tàu mặt nước và máy bay tấn công về sự hiện diện của tàu U. Các tàu K cũng vận hành radar để phát hiện tàu ngầm nổi lên vào ban đêm cùng các điều kiện tầm nhìn thấp.

Tuy nhiên một trong những thiết bị quan trọng trên tàu K được biết đến dưới cái tên Máy phát hiện dị thường từ tính (MAD). Thiết bị MAD có thể phát hiện các biến dạng trong từ trường trái đất được gây ra bởi một vật thể kim loại lớn. Tàu U có tầm hoạt động 122m, điều đó khiến cho tàu K bay thấp lại là một hoạt động lý tưởng. Nhưng MAD cũng không hoàn hảo và không thể phân biệt các biến dạng từ tính gây ra bởi những mảnh vụn bao gồm cả xác tàu đắm.

Để khắc phục nhược điểm này, các tàu K thường sử dụng phao sonar khi kết hợp dùng MAD, phao sẽ được thả trên không để tạo ra các tương tác sonar. Một khi định vị được chỗ có tàu ngầm, tàu K sẽ gọi cho các tàu mặt nước và máy bay mặt đất để tấn công nó. Sự kết hợp các thiết bị đa dạng này đã chắp thêm cánh cho tàu K săn lùng hiệu quả tàu ngầm và bảo vệ các đội thương thuyền.

Ngoài ra, tàu K cũng có thể khởi động các cuộc tấn công: chúng thường chở theo vật liệu nổ, nhất là những hệ thống vũ khí mới và tân tiến nhất. Tàu K có thể mang theo 4 loại vũ khí khác nhau, từ các loại bom sâu Mk47 350 pound, đạn sâu Mk 17, hoặc lựu đạn / ngư lôi âm thanh Mk 24.

Hai loại vũ khí trong số này có thể đặt trong khoang bom, 2 loại khác có thể đặt trên xe kiểm soát ở bên ngoài. Tàu K cũng trang bị một súng máy cỡ nòng 50 đặt ngay trong một tháp pháo nằm ngay phía trước cỗ xe điều khiển và có tầm chuyển động rộng.

Nếu tàu K tìm thấy chính xác bằng chứng về tàu ngầm trong khu vực, nó sẽ thả thuốc nổ làm hỏng tàu ngầm, hay chí ít làm cho tàu ngầm phải nổi lên cho đến khi quân cứu viện tìm tới. Khả năng của tàu K là tạo ra những cuộc tấn công này cho phép nó bảo vệ các tàu hàng. Đó là một công việc hết sức nguy hiểm, và một trong những cuộc tấn công tương tự đã bắn hạ một tàu K bởi hỏa lực địch.

Định mệnh của tàu K-74

Suốt trong thời ĐCTGII, chỉ duy nhất 1 tàu K xui xẻo bị đánh chìm bởi hỏa lực của địch. Đó là một đêm của ngày 18 tháng 7 năm 1943, tàu K-74 đang trong sứ mạng bảo vệ các tàu hàng dọc theo eo biển Florida.

10 thành viên phi hành đoàn trên mỗi tàu K cùng thực hiện các nhiệm vụ tuần tra, tìm kiếm và cứu hộ. Ảnh nguồn: National Archives and Records Administration.

Các phi hành đoàn đã nhận liên lạc trên radar tàu K-74 và bắt đầu tìm kiếm khu vực của tàu U. Họ nhanh chóng tìm thấy chiếc U-134 bị lộ bóng dưới ánh trăng. Mặc dù vẫn còn cách đoàn tàu hàng 20 hải lý, nhưng phi công chỉ huy là Trung úy Nelson G. Grills đã xác định rằng tàu ngầm là một mối đe dọa.

Họ lái K-74 vào vị trí để thực hiện cuộc tấn công bằng loại đạn sâu có trên tàu trước khi tàu U-134 khai hỏa bằng súng máy và súng trên boong tàu. Mặc dù dính một số phát đạn nghiêm trọng, nhưng tàu K-74 cũng cố gắng lượn trên tàu U-134 để hạ thấp độ cao.

Tàu K đã bắn 100 viên đạn cỡ nòng 50 vào tàu ngầm, tuy nhiên hỏa lực từ súng máy của tàu ngầm mới gây ra tổn thất nghiêm trọng cho tàu K-74.

Dính hỏa lực của địch, động cơ bên mạn tàu K-74 bốc cháy mặc dù nhanh chóng được dập tắt, và những lỗ thủng trên khí cầu đã khiến con tàu bị hạ thấp độ cao nhanh chóng. Trước nửa khuya, K-74 rơi tõm xuống biển. Phi hành đoàn nhanh chóng thoát ra và trôi gần xác tàu K-74 trong suốt 8 giờ.

Ngay buổi sáng hôm sau, chiếc thủy phi cơ Grumman JRF đã tìm thấy những người sống sót và hạ cánh để cứu họ. Không may là, một phi hành đoàn là Isadore Stessel đã bị cá mập tấn công chỉ một thời gian ngắn trước khi cả nhóm được giải cứu, đây cũng là một trong những cái chết hiếm thấy liên quan đến tàu K trong chiến đấu. Tàu U-134 rời khu vực với các báo cáo về những tổn hại nhỏ được gây ra bởi hỏa lực của tàu K-74.

Tàu U-134 tiếp tục hoạt động cho đến khi bị đánh đắm vào ngày 24 tháng 8 năm 1943 ở ngoài khơi Vigo (Tây Ban Nha). Mặc dù tàu K-74 đã không đánh chìm tàu U trong sứ mạng cuối cùng, nhưng hạm đội tàu K đã hỗ trợ cho một số cuộc tấn công cuối cùng đối với tàu U trong thời chiến.

Hủy diệt U-853 và bắt giữ U-858

Vào ngày 5 tháng 5 năm 1945, chiếc tàu chở than của Mỹ là Black Point đã bị đánh đắm ở ngoài khơi duyên hải Rhode Island. Vài tàu bao gồm khu trục hạm Ericsson, khu trục nhỏ Moberly, và các tàu hộ tống tàu khu trục Atherton và Amick, đã nhanh chóng đến hiện trường bị nạn để săn lùng tàu ngầm U - kẻ chịu trách nhiệm gây ra vụ tấn công. Ngày 6 tháng 5 năm 1945, 2 tàu K-16 và K-58 đã được phái tới hiện trường nhằm tìm kiếm tàu ngầm.

Thành viên của Phi đội không-hải quân Mỹ 24 (ZP-24) đang chuyển viên đạn 325 pound Mk 17 lên tàu K-28. Ảnh nguồn: National Air and Space Museum Archives, Smithsonian Institution.

Khi tiếp cận hiện trường, tàu K-16 đã sử dụng thiết bị MAD và xác định mục tiêu dưới biển. Sau các cuộc tấn công đạn sâu từ tàu mặt nước, K-16 đã thả phao sonar và dò thấy âm thanh ngay bên dưới mặt nước. K-16 liền thả loạt đạn sâu vào vị trí nghi ngờ tàu ngầm U ẩn nấp. Tiếp đó, tàu K-58 sử dụng MAD để đánh dấu các địa điểm tình nghi và thả 2 khối đạn sâu xuống dưới.

Sau vài cuộc tấn công đạn sâu từ các tàu mặt nước, 2 tàu K đã nhìn thấy có nhiều mảnh vỡ trôi nổi trên mặt nước, dấu hiệu của việc hủy diệt chiếc tàu ngầm U đầu tiên trong vùng biển Mỹ. Cuối ĐCTGII là thời điểm mà hạm đội tàu K đã giành được một số công lao ở vùng biển Đại Tây Dương diễn ra một thời gian ngắn trước khi Đại chiến kết thúc.

Lính tuần duyên trên tàu USS Moberly (PF-63) tập trung quanh bảng thông tin về chiến thắng chống tàu ngầm U-853. Ảnh nguồn: National Archives and Records Administration.

Vào ngày 14 tháng 5 năm 1945, thuyền trưởng tàu U-858 đã đầu hàng hải quân Mỹ. Một tàu K đã thực hiện việc hộ tống con tàu ngầm này vào cảng, đánh dấu việc chấm dứt các bổn phận chiến tranh chống tàu ngầm của tàu K trong cuộc chiến ở Đại Tây Dương.

Các lực lượng khí cầu của Hải quân Mỹ bao gồm tàu K đã bay qua Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, hoàn tất 36.000 chuyến bay với tổng cộng 412.000 giờ bay. Đến cuối Đại chiến, 72 thành viên của hạm đội tàu K đã trả giá vinh quang cho công tác bảo vệ các hạm đội thương thuyền, cũng như bảo vệ các huyết mạch hàng hải, sinh mạng của hàng trăm ngàn đàn ông, đàn bà và trẻ em.

Phan Bình (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/khi-cau-k-chong-tau-ngam-cua-hai-quan-my-604628/