Khi cấp ủy, chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp

Những năm gần đây, kinh tế tư nhân luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, thể hiện trong nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là Nghị quyết T.Ư 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh tại bộ phận một cửa, Sở Kế hoaạ̃ch và Đầu tư TP Hà Nội. Ảnh: PHẠM HÙNG

Môi trường đầu tư quốc gia và từng địa phương đang từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, nhiều rào cản vẫn cần được các cấp ủy, chính quyền nhận diện và quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp (DN), nhất là các DN tư nhân.

Rào cản và hệ lụy

Mới đây, tại diễn đàn “Hội thảo khoa học quốc gia về kinh tế Việt Nam 2017 và triển vọng 2018” do Ban Kinh tế T.Ư, Trường đại học Kinh tế quốc dân và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp tổ chức, nhiều tham luận và ý kiến phát biểu chỉ rõ: Rào cản cho sự phát triển của DN vẫn còn khá nặng nề qua việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng còn chồng chéo, trùng lắp, với tần suất cao; một số cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền còn cố tình nhũng nhiễu DN.

Trên phạm vi cả nước, số DN bị thanh tra 8 đến 12 lần/năm không phải cá biệt; ở Đồng Nai, có DN trong một tháng bị thanh tra, kiểm tra tới ba lần. Nhiều địa phương tiếp tục trì hoãn, kéo dài không ít quy định đã lạc hậu, không hợp lý, chưa thật sự tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, gây tốn kém mọi mặt cho DN. Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại nhiều địa phương cho thấy, DN phải dành hơn 10% quỹ thời gian để thực hiện thủ tục hành chính, dẫn đến chi phí không chính thức của DN là 25% trong năm 2015, và vẫn còn tới 18,8% trong năm 2016.

Hơn nữa, yêu cầu “không hình sự hóa quan hệ kinh tế” chưa được hướng dẫn cụ thể, dẫn đến nhiều địa phương lúng túng, hoặc chưa triển khai thật sự... Nghịch lý không hiếm và kéo dài ở một số địa phương là: Một mặt, các cuộc thanh tra, kiểm tra với DN chồng chéo, tần suất cao gây khó cho DN; mặt khác, tình trạng “bảo kê” DN trốn thuế với số tiền hàng chục, hàng trăm tỷ đồng và nạn hàng giả, hàng lậu vẫn mặc nhiên tồn tại... Ở góc độ khác, lãnh đạo Đảng ủy Khối DN của một tỉnh miền trung khi được đại diện một cơ quan Trung ương chất vấn thì còn lúng túng, không nắm được ngay cả số lượng DN, số lượng khu, cụm công nghiệp và ước tính số lượng công nhân hiện có trên địa bàn của tỉnh mình?!

Về tổng thể, như lãnh đạo nhiều địa phương, cơ quan thống nhất nhìn nhận: Chính sự chậm trễ cải cách hành chính và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu ổn định, nhất quán, thông thoáng, minh bạch trong nhiều cơ chế, chính sách và quy định pháp luật; lại bị lạm dụng và bóp méo do lối tư duy nhiệm kỳ và lợi ích cục bộ chi phối; trong khi cơ chế kiểm soát quyền lực và phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều sơ hở, kém hiệu quả… Tất cả đã cộng hưởng và tạo nên nhiều rào cản trong sự phát triển lành mạnh chung của DN.

Thực tế cũng cho thấy, khi cấp ủy và cán bộ lãnh đạo còn quan liêu, xa rời thực tế, thiếu tâm huyết, sẽ khó có sự chủ động chia sẻ, tìm giải pháp gỡ khó khăn, hỗ trợ DN như chủ trương của Trung ương đề ra và yêu cầu đòi hỏi cấp bách của địa phương và DN…

Những chuyển động tích cực

Theo Ban Kinh tế T.Ư, thời gian gần đây, dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy, việc triển khai các chương trình, hành động hỗ trợ DN đang từng bước được tăng cường ở một số bộ, ngành (Bộ Tài chính đang cải cách quyết liệt trong lĩnh vực thuế, hải quan; Bộ Công thương đã ban hành phương án cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh, tháng 9-2017 và mới đây cắt giảm thêm 54 thủ tục hành chính) và ở nhiều địa phương (Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Thái Nguyên, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh).

Khảo sát của Đảng ủy Khối DN tỉnh Quảng Nam cho thấy: Năm 2017, các cơ quan chức năng của tỉnh đã giải quyết kịp thời 72% số kiến nghị, vấn đề nêu ra từ những cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa DN với lãnh đạo địa phương trong khuôn khổ chương trình hành động hỗ trợ DN, mở rộng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang chia sẻ, để đạt hiệu quả như mong muốn, tỉnh cần những giải pháp mới, hành động quyết liệt hơn.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội và nhiều địa phương khác nhiều năm liền được nâng bậc vị trí xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc chia sẻ: Trước tình trạng “ách tắc” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của DN do các hội DN trên địa bàn phản ánh bằng cả văn bản trực tiếp, gián tiếp và qua khảo sát, đánh giá thực tế của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp ủy địa phương đã quán triệt sâu sắc những nội dung trọng tâm trong thực hiện Nghị quyết T.Ư4 (khóa XI) và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị chức năng cùng cấp thực hiện đồng bộ chương trình “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” cho doanh nghiệp, doanh nhân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, gắn với nâng cao nhận thức, quan điểm phục vụ của bộ máy công quyền các cấp. Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên tổ chức các hội nghị gặp mặt, đối thoại với DN và thúc đẩy các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư; hỗ trợ khởi nghiệp và xây dựng thương hiệu; bảo lãnh tín dụng cho DN… Nhờ đó, Thái Nguyên đang vươn lên nằm trong nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về PCI, có sức “hút” các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước.

Tại TP Hồ Chí Minh, mới đây Thành ủy và UBND thành phố đã tiến hành phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ cho các ban, sở, ngành, UBND quận, huyện thực hiện các nhiệm vụ của mình, bảo đảm các cơ quan, đơn vị, địa phương có đầy đủ điều kiện, nguồn lực thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phù hợp quy định của pháp luật; giảm khâu trung gian không cần thiết, phục vụ tốt hơn người dân, DN.

Quảng Trị hiện có hơn 3.000 DN, chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, hiệu quả kinh doanh thấp. Một số DN hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn kéo dài. Nhằm tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, Thường vụ Tỉnh ủy xác định khâu đột phá năm 2018 là “Năm Doanh nghiệp” để tập trung lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ DN phát triển; xây dựng tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong DN vững mạnh, phát huy vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo các DN phát triển.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng cho biết: Thường vụ Tỉnh ủy đề ra yêu cầu lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng chủ động tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, các ngành về những chủ trương, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ DN. Trong năm 2018, tỉnh sẽ ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù gắn liền các chương trình đồng hành, hỗ trợ DN phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Xác định phương châm hành động “Coi vướng mắc của DN là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, từ đó tập trung cùng tháo gỡ”, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tạo “đòn bẩy” phát triển kinh tế - xã hội, ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa 21 này, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung các giải pháp nâng cao chỉ số PCI của tỉnh. Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền và cả các tổ chức hiệp hội, hội DN và cộng đồng DN chung tay vì môi trường kinh doanh thông thoáng, tập trung cải thiện những chỉ số thành phần còn hạn chế của năm trước, nhất là chỉ số tiếp cận đất đai, giúp DN có thêm nhiều cơ hội đầu tư.

Năm 2017, tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư, thỏa thuận nghiên cứu đầu tư cho 32 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt gần 16 tỷ USD, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực thế mạnh cần thu hút của tỉnh, có khả năng đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh. Tỉnh ủy đã xác định việc phát huy những thành công và tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư là nhiệm vụ và bài học kinh nghiệm quý trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống trong những năm tiếp theo…

Thực tế đang và sẽ tiếp tục đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền các địa phương thật sự chủ động, tích cực vào cuộc, đồng hành cùng DN, nhất là trong cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh cho DN; kiên quyết khắc phục tình trạng cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, chồng chéo của bộ máy quản lý, tình trạng vô cảm, đối đầu hoặc cản trở, thiếu trách nhiệm phục vụ của một bộ phận cán bộ trong bộ máy công quyền. Hơn nữa, không chỉ quán triệt, chỉ đạo chung, mà từng cấp ủy, chính quyền phải đặt ra yêu cầu cho các cơ quan quản lý thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong các kế hoạch chung và có lộ trình, bước đi phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm; có phân công rõ người, rõ việc và rõ thời gian thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết thực tiễn để kịp thời bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Quá trình xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, trách nhiệm, phục vụ nhân dân và đồng hành cùng DN phải bắt đầu từ xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao. Chỉnh đốn Đảng phải gắn liền với chỉnh đốn công tác cán bộ, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, thực hiện mục tiêu đổi mới tư duy từ “nền hành chính quản lý” sang “nền hành chính phục vụ”, trực tiếp tham gia vào quá trình đồng hành và hỗ trợ DN đất nước phát triển nhanh, bền vững...

LÊ MẬU LÂM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/36472402-khi-cap-uy-chinh-quyen-dong-hanh-cung-doanh-nghiep.html