Khi cái 'tâm' bị bỏ quên

Mới đây, bồi thẩm đoàn tòa án liên bang ở San Francisco thuộc bang California (Mỹ) đã kết luận thuốc diệt cỏ Roundup-sản phẩm hàng đầu của Công ty hóa chất Monsanto-là tác nhân quan trọng gây ung thư cho một người đàn ông Mỹ sau hàng thập kỷ sử dụng hóa chất này. Đây là thất bại pháp lý thứ hai đối với công ty này chỉ trong vòng một năm qua.

Theo CNN, ông Edwin Hardeman, sống tại hạt Sonoma, bang California, là người đầu tiên kiện thuốc diệt cỏ Roundup lên tòa án liên bang ở San Francisco, với cáo buộc Roundup là nguyên nhân khiến ông mắc ung thư hạch không Hodgkin (NHL). Người đàn ông 70 tuổi khẳng định trước tòa rằng, ông đã sử dụng Roundup để kiểm soát cỏ dại trong vườn nhà trong suốt gần 3 thập kỷ trước khi bị chẩn đoán ung thư vào năm 2015.

Sau quá trình xét xử kéo dài hai tuần, bồi thẩm đoàn đã ra kết luận, theo đó thuốc diệt cỏ Roundup khiến ông Edwin Hardeman mắc ung thư NHL. Hiện phiên tòa đã bước sang giai đoạn hai là xác định trách nhiệm của Monsanto và những thiệt hại có thể xảy ra. Bồi thẩm đoàn sẽ xem xét liệu Monsanto có biết nhưng che giấu về những rủi ro mà thuốc diệt cỏ Roundup gây ra đối với sức khỏe người dùng hay không, cũng như liệu sản phẩm này có cần dán nhãn cảnh báo hay không.

 Ảnh minh họa / Reuters.

Ảnh minh họa / Reuters.

Đây là lần thứ hai trong vòng một năm, Monsanto thất bại pháp lý trước những cáo buộc công ty này "không quan tâm xem liệu sản phẩm của hãng có khiến người dùng bị ung thư hay không, mà chỉ tập trung vào đánh lừa dư luận, tác động đến những cá nhân nêu quan ngại chính đáng về vấn đề này". Trước đó, tháng 8-2018, bồi thẩm đoàn San Francisco yêu cầu Monsanto bồi thường 78,5 triệu USD trong vụ người làm vườn Dewayne Johnson kiện Monsanto không cảnh báo nguy cơ thuốc diệt cỏ Roundup của hãng này có thể gây ung thư. Ông Johnson đã sử dụng loại thuốc trên để chăm sóc vườn trong trường học gần 30 năm qua và ông hiện đang bị ung thư giai đoạn cuối. Tuy nhiên, Monsanto vẫn kháng án và quá trình xét xử đang được tiếp tục.

Trong khi vụ án trên chưa kết thúc, ngày 21-3, Aimee Wagstaff, luật sư của ông Dewayne Johnson, cáo buộc Monsanto đã chi phối giới khoa học trong vấn đề thuốc diệt cỏ Roundup thông qua mối quan hệ mật thiết với các nhà hoạch chính sách, trong đó có Cơ quan Bảo vệ Môi trường vốn không yêu cầu phải dán nhãn cảnh báo nguy cơ ung thư đối với sản phẩm thuốc diệt cỏ. Luật sư Wagstaff cũng tố cáo Monsanto thuê viết các báo cáo khoa học nhằm gây ảnh hưởng tới tiến trình đánh giá của các cơ quan quản lý. Đây là những yếu tố được xem là có lợi cho ông Johnson nhằm buộc Monsanto phải thực hiện bồi thường theo phán quyết của tòa án.

Monsanto là công ty hóa chất của Mỹ, hiện thuộc sở hữu của Công ty dược Bayer của Đức. Tuy nhiên, cái tên Monsanto không có gì xa lạ với nhiều người Việt Nam bởi đây chính là một trong những công ty sản xuất “chất độc da cam” (tên gọi một loại chất diệt cỏ và làm rụng lá cây có liên hệ đến ung thư và những chứng bệnh khác) được quân đội Mỹ sử dụng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, gây ra nhiều hậu quả nặng nề. Theo CNN, Roundup là sản phẩm hàng đầu của Monsanto và chất glyphosate có trong sản phẩm được cho là chất diệt cỏ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Đến thời điểm hiện tại, sự an toàn của glyphosate vẫn là một vấn đề gây tranh cãi. Năm 2015, hóa chất này bị Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế (IARC), thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), liệt vào danh sách những chất có khả năng gây ung thư. Tuy nhiên, tháng 12-2017, Cục Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) khẳng định glyphosate an toàn và nó vẫn đang được phép sử dụng tại Mỹ cùng các quốc gia châu Âu. Trong khi đó, Monsanto khẳng định có các nghiên cứu chứng minh sản phẩm của họ không gây nguy hiểm nếu sử dụng đúng cách.

Thất vọng trước những lời bao biện trên, nhiều người cho rằng, vì lợi nhuận mà Monsanto đã quên cái “tâm” của người làm kinh doanh. Vụ kiện của người làm vườn Dewayne Johnson hay của ông Edwin Hardeman đến nay mới chỉ là bước khởi đầu. Monsanto sẽ còn phải đau đầu khi đối mặt với đơn kiện của 11.200 nạn nhân ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Thế nên, muốn có chữ “tín” trong kinh doanh, trước hết phải xuất phát từ cái tâm và phải đặt tính mạng con người lên trên hết.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/khi-cai-tam-bi-bo-quen-569429