Khi cải lương 'se duyên' web drama

Thời công nghệ số và mạng giải trí trực tuyến đang phát triển, không ít nghệ sĩ đã giới thiệu tác phẩm của mình trên internet. Trong số đó, một số nghệ sĩ cải lương đã có các web drama (phim chiếu mạng) tạo được sức hút, vừa giới thiệu được hình ảnh bản thân, vừa tiếp cận với người xem một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Web drama - hướng đi tất yếu

Có thể nói, trong khi sân khấu truyền thống nói chung và nghệ thuật cải lương nói riêng gặp khó vì văn hóa giải trí ngày một bùng nổ, thì hướng tiếp cận khán giả bằng các trang mạng xã hội, kênh video trực tuyến là tất yếu. Ưu điểm của web drama (còn gọi là phim chiếu trên internet) là dễ tiếp cận mọi tầng lớp khán giả, mọi nơi và mọi thời điểm.

Các nghệ sĩ ngày càng làm nhiều web drama vì đây là hình thức trình chiếu có nhiều ưu điểm rõ rệt. Theo đó, chỉ cần đưa những thước phim lên một trang web đơn giản như youtube và đợi vài phút, video ấy đã được tiếp cận với hàng triệu người. Web drama cũng tiện lợi ở việc các nghệ sĩ giữ nguyên được hình hài “đứa con tinh thần” của mình thay vì bị cắt xén thời gian như các hình thức khác cho phù hợp với tiêu chí của đơn vị phát sóng hoặc bị hoãn phát sóng... Hơn nữa, khi đưa sản phẩm của mình lên web, các nghệ sĩ cũng có nguồn thu nếu có nhiều lượt xem và quảng cáo. Đây cũng chính là một lý do và cũng là động lực để nhiều nghệ sĩ trẻ nước ta làm web drama trong những năm qua.

Gần đây, có nhiều sản phẩm web drama mọc lên như nấm sau mưa trên các trang video trực tuyến ở Việt Nam, đa số các tác phẩm thiên về hài hước, võ hiệp, tâm lý tình cảm dạng ngôn tình có hàng triệu lượt xem như Nam Phi liên hoàn, Thập tam muội, Ai chết giơ tay, Ai nói tui yêu anh, Chàng trai của em... với một số nhóm nổi lên, thu hút hàng triệu lượt view thậm chí đã nhận được nút play vàng của youTube như: FAPtv, Ghiền Mì Gõ, Lala School, DAMtv, BB&BG... Chính vì điều này, nghệ sĩ sân khấu cũng như các đồng nghiệp ở lĩnh vực khác, họ đã tìm hướng đi mới để tác phẩm và hình ảnh của mình tiệm cận với công chúng một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất.

Cải lương không đứng ngoài cuộc

Lê Nguyễn Trường Giang là một nghệ sĩ trẻ, từng đoạt giải quán quân chương trình Sao nối ngôi. Thời gian qua, anh được biết đến nhiều hơn bởi thực hiện dự án web drama cải lương Hồi sử cổ nhân phát trên kênh youtube. Ban đầu, Giang dự định sẽ thực hiện 12 tập nhưng về sau quyết định không giới hạn số tập và chưa có hồi kết.

Lê Nguyễn Trường Giang trong web drama Hồi sử cổ nhân.

Lê Nguyễn Trường Giang trong web drama Hồi sử cổ nhân.

Đặc biệt, trong mùa dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nghệ thuật nước nhà, nhiều sân khấu trên cả nước đóng cửa, hoãn công diễn nên giới nghệ sĩ có thêm thời gian để làm web drama cải lương. Nhiều nghệ sĩ đã vận dụng thế mạnh của web drama để cải lương tiếp cận với công chúng một cách dễ dàng và gần gũi nhất thông qua các tác phẩm Vui xuân không quạu của nghệ sĩ Võ Minh Lâm (hơn 1 triệu lượt xem), Hoàn Châu cách cách, Sông dài, Duyên cô Thắm, Thân chùm gửi của các nghệ sĩ Kim Tử Long, Kim Tiểu Long, Bình Tinh, Hoàng Hải, Cao Mỹ Châu...

Mặc dù đã đem đến cho cải lương truyền thống một cách tiếp cận mới, tuy nhiên các nghệ sĩ thừa nhận, làm web drama cải lương cũng có nhiều khó khăn và thách thức. Trong đó, khó khăn nhãn tiền là thu âm phần nhạc, phần hát và cả phần thoại. Nếu không xử lý tốt khâu này, trong tác phẩm người xem sẽ có cảm giác nghệ sĩ diễn xuất khô cứng trong các dự án web drama. Tuy nhiên, theo nghệ sĩ trẻ Lê Nguyễn Trường Giang, việc chọn hình thức web drama, với những kịch mục ngắn gọn cũng sẽ giúp người xem cải lương không ngán khi bỏ thời gian thưởng thức từ 1 - 2 giờ đồng hồ như ngồi xem tại sân khấu. Mặt khác, khi tác phẩm được phát trên mạng, mọi người có thể xem bất cứ lúc nào.

Quỳnh Hoa

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khi-cai-luong-se-duyen-web-drama-n171992.html