Khi cái ác lộng hành

Cái ác và cái xấu thì thời nào cũng có. Nó là hai mặt của xã hội. Thế nhưng, gần đây chúng ta cảm giác hiện tượng cái ác xuất hiện lấn át, với tính chất, mức độ, hệ quả tác động tiêu cực tới tâm lý xã hội.

Cách đây vài năm, vụ án Lê Văn Luyện giết chết cả nhà chủ tiệm vàng cùng đứa con mới 18 tháng tuổi ở Bắc Giang gây chấn động dư luận cả nước. Tiếp đó, dư luận tiếp tục chứng kiến những vụ thảm sát “lạnh tóc gáy”, với các tính chất, mức độ man rợ, mất nhân tính hơn.

Mới đây, vào đúng 30 Tết, đối tượng Nguyễn Hữu Tình (18 tuổi, quê An Giang) xuất phát từ xích mích nhỏ với chủ nhà, nhưng đã ra tay tàn nhẫn giết cả gia đình ông Mai Xuân Chinh (46 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP HCM) gồm 5 người, trong đó có hai cháu nhỏ. Khi vụ án được đưa ra xét xử vào đầu tháng 7/2018, kẻ thủ ác còn bình thản mỉm cười khi trả lời Hội đồng xét xử rằng hắn chỉ nhớ đâm rất nhiều, không biết bao nhiêu nhát. Nhiều người dự tòa không khỏi bàng hoàng.

Lại đầu tháng 8 Nguyễn Đăng Khoa (31 tuổi, quê Đồng Tháp) đã giết 3 người trong một gia đình tại xã Tam Hiệp (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang)…

Cùng với đó, nhiều năm nay, chúng ta cũng thấy nhan nhản trên báo chí tin tức về những vụ con giết cha, vợ giết chồng hay tình nhân chặt khúc, phân xác người yêu của mình rồi phi tang,…

Từ đây, người ta có cảm giác, dường như cái ác trong xã hội đang nảy nở nhiều hơn. Vậy, nguyên nhân từ đâu? Ở đây, nhìn ở khía cạnh văn hóa, hành vi xã hội, cho thấy mối quan hệ giữa con người và con người đã thay đổi rất nhanh cùng với sự phát triển về kinh tế, nhất là ở các đô thị. Đó là bởi giá trị của đồng tiền trở thành thước đo trong suy nghĩ của không ít người. Khi người ta cảm thấy lao động chân chính khó giàu nhanh, khó kiếm được nhiều tiền thì rất dễ dẫn sinh ra tâm lý tiêu cực để “đi tắt”.

Nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực xã hội đã cảnh báo từ nhiều năm nay về hiện tượng con người ngày càng vô cảm hơn với những người yếu thế trong xã hội.

Trong vụ án về đối tượng Nguyễn Hải Dương, chúng ta thấy ban đầu người này được coi như con rể ở nhà đó, nảy sinh lòng tham, ác độc đã ra tay sát hại cả một gia đình. Hay một số vụ thảm sát xảy ra ở một số địa phương, ban đầu cũng xuất phát từ lòng tham,…

Xã hội chúng ta đang trong giai đoạn chuyển đổi, hội nhập với thế giới, thiết nghĩ, đối với sự nảy nở của cái ác, cần phải được lên án mạnh mẽ hơn nữa và phải được trừng trị thích đáng bởi thiết chế pháp luật đủ răn đe hơn. Đồng thời để nuôi dưỡng cái tốt, ngăn ngừa cái ác, cái xấu thì cần phải tạo ra được động lực nhân văn cho cả xã hội.

Thành Luân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/phap-luat/khi-cai-ac-long-hanh-tintuc413017