Khi các siêu sao giả gái trên màn ảnh rộng: Chẳng dễ gì đâu ai ơi!

Hình tượng nhân vật Bắc Đẩu nữ tính của nghệ sĩ Công Lý trong Táo Quân nhiều năm qua luôn tạo ra nhiều tràng cười 'đầy ẩn ý' và châm biếm nhưng với Táo Quân 2018 thì mọi chuyện dường như đang tạo nên làn sóng tranh cãi dữ dội nhất từ trước tới nay bởi các câu thoại 'đụng chạm' dành cho nhân vật này.

Hãy cùng SAOstar điểm lại 3 lần “nam cải trang nữ” xuất sắc nhất trên màn ảnh rộng để biết được rằng, diễn xuất đã khó, đóng “phản xuyến” thì lại càng khó hơn gấp mấy lần.

1. Trương Quốc Vinh thủ vai Trình Điệp Y trong phim Bá Vương Biệt Cơ (Farewell My Concubine)

Trương Quốc Vinh đã được cả thế giới biết đến với nhân vật kinh diễm có 1 không 2 Trình Điệp Y trong “Bá Vương Biệt Cơ”.

Phim lấy bối cảnh kéo dài tới hơn 50 năm, xoay quanh mối quan hệ giữa hai người đàn ông Trình Điệp Y (Trương Quốc Vinh) và người bạn diễn Đoàn Tiểu Lâu (Trương Phong Nghị).

Trương Quốc Vinh vào vai Trịnh Điệp Y, một nghệ sĩ Kinh kịch chuyên giả gái có tình cảm thầm kín với bạn diễn nam Đoạn Tiểu Lâu trong “Bá Vương Biệt Cơ”.

Trình Điệp Y là con của một gái lầu xanh được mẹ mang tới đoàn kịch vì không thể nuôi giấu được nữa. Ở đó, Trình Điệp Y bắt đầu một cuộc sống luyện tập tới mức tàn bạo cùng với những đứa trẻ mồ côi khác tại đoàn kịch. Điệp Y lớn dần lên, bằng đòn roi của sư phụ và bằng cả sự quan tâm ấm áp của sư huynh Đoàn Tiểu Lâu. Vóc dáng nhỏ bé và gương mặt khả ái nên Điệp Y thường được giao cho những vai nữ trong vở kịch. Để rồi từ đó, Điệp Y và Tiểu Lâu trở thành hai ngôi sao sáng nhất của kinh kịch với vở Bá vương biệt cơ. Điệp Y gắn chặt cuộc đời với sư huynh của mình, sống trong giấc mộng của nàng Ngu Cơ luôn một lòng một dạ chung thủy với Sở Bá Vương, cho đến tận lúc chết.

Dù 15 năm trôi qua nhưng Trương Quốc Vinh vẫn được xem là tượng đài bất hủ của nền điện ảnh thế giới lẫn hoa ngữ

Nhiều người nhận xét rằng, Bá Vương Biệt Cơ được xây dựng nên từ góc nhìn của đạo diễn Trần Khải Ca. Phải chăng chính ông cũng bị ám ảnh bởi sự phản bội, với sự thay đổi quá nhanh của lịch sử và sự tráo trở của lòng người?

Trương Quốc Vinh trong “Bá Vương Biệt Cơ” khiến khán giả ám ảnh khôn nguôi dù có xem anh diễn bao nhiêu lần.

Có thể nói, diễn xuất của Trương Quốc Vinh trong phim Bá Vương biệt Cơcó một không hai. Anh hoàn toàn làm lu mờ tất cả những gì thuộc về bộ phim, khi khán giả xem xong dù choáng ngợp, nhưng sau đó chỉ nhớ đến vai diễn Trình Điệp Y của anh. Từ cái liếc nhìn, sự đam mê được kiềm chế, dáng đứng yểu điệu, bước đi nhỏ ngắn, đến những cử chỉ mềm mại, yêu kiều.Trên màn ảnh từ xưa đến giờ, vẫn chưa có một nam diễn viên nào đóng vai nữ hay như Trương Quốc Vinh. Đến mức tại LHP Cannes 1993, một thành viên trong ban giám khảo đã bỏ phiếu cho anh trong cả hai hạng mục Nam và Nữ diễn viên xuất sắc nhất. Dù anh không đoạt giải, nhưng từ Bá Vương Biệt Cơ, Trương Quốc Vinh đã trở thành một cái tên tầm cỡ được kính trọng trên ảnh đàn quốc tế.

Còn ai có thể đóng vai Trình Điệp Y trong “Bá Vương Biệt Cơ” qua khỏi tượng đài Trương Quốc Vinh nữa đây?

Trương Quốc Vinh được xem là tượng đài của điện ảnh hoa ngữ mà “Bá Vương Biệt Cơ” là tác phẩm để đời

2. Lee Jun Ki thủ vai Gong Gil phim Nhà vua và chàng hề (The King and the Clown)

Lee Jun Ki được xem là người khai xướng ra trào lưu Feminine Masculinity trên màn ảnh Hàn

Nội dung phim kể về hai anh hề chuyên biểu diễn đường phố kiếm sống qua ngày. Một ngày, vở kịch hài hước đã đưa họ vào cung và được đức vua yêu thích giữ lại sống trong cung. Thế rồi mọi thứ dần trở nên bi kịch, khi đức vua đem lòng yêu Gong Gil - một chàng hề đáng thương có vẻ ngoài như thiếu nữ và vẫn thường bị lợi dụng để kiếm tiền từ những lão già biến thái.

Lee Jun Ki tỏa sáng rực rỡ nhờ vai chàng hề tội nghiệp Gong Gil trong siêu phẩm “Nhà vua Và Chàng hề”

Ngoài chủ đề “thế giới không gì khác ngoài một sân khấu”, bộ phim còn đi sâu vào vấn đề vốn gây nhiều tranh cãi trong xã hội: Đồng tính luyến ái. Nhà vua và Chàng hề đã phá vỡ luật bất thành văn về chủ đề tình dục đồng giới trong ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc, qua đó góp phần khuyến khích công chúng chấp nhận những khác biệt trong xã hội. Dù chi phí sản xuất chỉ 4,5 triệu USD và không có ngôi sao nổi tiếng, bộ phim vẫn thu hút được 12 triệu khán giả tới rạp. Đạo diễn Lee Joon Ik cho biết thành công của bộ phim nằm ở sự đa dạng của các nhân vật.

Với vai diễn Gong Gil đầy ấn tượng, nam diễn viên Lee Jun Ki nhanh chóng trở thành một trong những gương mặt ăn khách nhất của điện ảnh Hàn Quốc và là người khởi xướng phong trào Feminine Masculinity (đẹp trai đầy nữ tính), Lee Jun Ki cho rằng: “Không chỉ nữ giới mới có quyền sở hữu một đôi mắt đẹp long lanh và một vẻ ngoài thật chuẩn. Nếu bạn đi theo phong trào này, hãy tự tin mình cực kỳ nam tính ẩn trong một vẻ ngoài quyến rũ của phụ nữ”.

Lee Jun Ki giờ đã là diễn viên thực lực của Hàn Quốc sau những thành công mang tính tiền đề ở “Nhà vua và Chàng hề”.

Lee Jun Ki tiết lộ với Korea Times: “Hóa thân vào một chàng hề đã khó, phải từ bỏ bản thân trong vòng sáu tháng để sống chết cùng nhân vật càng khó hơn gấp bội. Nhân vật Gong Gil là một chàng khờ tội nghiệp. Hắn không thể nào diễn tả được cảm xúc của mình. Trong những phân đoạn thể hiện tình cảm, tôi đã cố gắng khép chặt miệng để khỏi phải phì cười. Điều đó thật sự rất khó!”.

Ngoại hình lẫn cá tính nhân vật Gong Gil của Lee Jun Ki trong “Nhà vua Và Chàng hề” khiến khán giả không thể không liên tưởng đến huyền thoại Trương Quốc Vinh trong “Bá Vương Biệt Cơ”.

Tài diễn xuất của Lee Jun Ki đã được khẳng định. Nhiều người còn cho rằng, những gì mà anh thể hiện trong Nhà vua và Chàng hề gợi nhớ đến ngôi sao điện ảnh Hồng Kông Trương Quốc Vinh năm xưa với vai diễn Trình Điệp Y nổi tiếng trong Bá Vương Biệt Cơ.

3. Eddie Redmayne thủ vai Einar/ Lili trong phim Cô gái Đan Mạch (The Danish Girl)

Để thể hiện tốt nhất con người của Lili Elbe, diễn viên Eddi Redmayne ngày ngày quan sát vợ tô son và luyện tập theo. Trang “FlavorWire” nhận xét là Eddie Redmayne dường như đã đánh mất bản thân mình vì Lili.

Bộ phim khắc họa hành trình dũng cảm từ bỏ thân xác đàn ông để trở thành phụ nữ của “người thật - việc thật” Einar Wegener vào thập niên 1920 -1930. Einar Gerda là cặp vợ chồng đã chung sống hạnh phúc bên nhau 6 năm, cùng theo đuổi đam mê hội họa và chia sẻ nỗi bất hạnh khi mãi không thể đón đứa con đầu đời. Một ngày, người mẫu vẽ của Gerda bỗng dưng vắng mặt. Cô nảy ra ý tưởng nhờ chồng mình - Einar - ướm thử chiếc váy dạ hội và đôi giày khiêu vũ lên người để làm mẫu thay trong khi cô hoàn thiện nốt bức họa. Cuộc nhập vai giả tưởng đó đã dẫn tới một cuộc hoán đổi, phân thân ly kỳ khác. Gerda đã vĩnh viễn mất đi người chồng thương yêu trong một phép thử ngông cuồng.

Eddie Redmayne trong phim “Cô gái Đan Mạch”.

Eddie Redmayne được đề cử Oscar Nam diễn viên chính xuất sắc nhất và Alicia Vikander được đề cử nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất nhờ vai diễn của họ trong “Cô gái Đan Mạch”.

Không thể phủ nhận Cô gái Đan Mạch là bộ phim cổ vũ tinh thần cho cộng đồng LGBT với thông điệp: “Hãy can đảm để trở thành chính bản thân”. Nhưng nếu nhìn tác phẩm từ bi kịch đa nhân cách thì cũng không sai. Mâu thuẫn giữa bản thân và những điều mình mong muốn không phải điều mới mẻ. Và để diễn tả xung đột ấy, Eddie Redmayne là lựa chọn thực sự hoàn hảo. Tuy nhiên, ít ai biết để nhập vai trọn vẹn, nam diễn viên từng giành Oscar phải vượt qua những nỗi sợ hãi, khó khăn, tìm mọi cách để có thể kết nối cảm xúc, tinh thần với nhân vật tồn tại cách đây hơn 100 năm và vượt qua mọi định kiến từ những người xung quanh.

Ngày đầu tiên khi trở thành Lili Elbe, rất nhiều ánh mắt từ các thành viên đoàn làm phim đổ về phía anh: “Thực sự lúc đó tôi cảm thấy rất bối rối. Rất nhiều cô gái chuyển giới tôi từng gặp mô tả cảm giác tương tự và thậm chí họ còn phải đối mặt với nỗi sợ bị bạo hành” - Eddie chia sẻ trên New York Daily News. Nam diễn viên cũng tiết lộ thêm nỗi sợ luôn thường trực trong đầu khi đảm nhiệm vai Lili Elbe là “bản thân không đủ xinh đẹp” giống như những cô gái thực sự khác.

Eddie Redmayne giả gái cực kì xuất sắc trong “Cô gái Đan Mạch”.

Nga Cao

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/khi-cac-sieu-sao-gia-gai-tren-man-anh-rong-chang-de-gi-dau-ai-oi-2268677.html