Mưa bão, lũ lụt: Phòng chống nhiều, sao số người chết vẫn gia tăng?

Đó là câu hỏi đau đớn của người dân, khi năm nào cũng vậy, chỉ cần một cơn mưa lớn là hàng chục tính mạng con người lại bị mưa lũ, đất đá cuốn trôi, chôn lấp. Tại miền núi phía Bắc, năm nào cũng xảy ra những thảm họa thiên tai gây chết người, thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng. Sau trận mưa lũ trong 2 ngày qua cướp đi sinh mạng 30 người dân, một lần nữa, lại vang lên câu hỏi: Chúng ta sai ở đâu? Phải chăng công tác dự báo của chúng ta quá kém?

Lai Châu tan hoang vì lũ. Ảnh: PV

Trả giá cho phá rừng, làm thủy điện ồ ạt

Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 27.6, ông Trịnh Xuân Hòa - Phó Viện trưởng Viện Khoa học địa chất khoáng sản Việt Nam - nhấn mạnh: Thực chất, vấn đề địa chất không thay đổi nhiều, bởi để thay đổi địa chất phải cần đến hàng triệu năm, trừ các khu vực xảy ra các hiện tượng tự nhiên như núi lửa, động đất, sóng thần… Những năm gần đây thời tiết cực đoan, mưa lớn bất thường, trong khi đó miền núi phía Bắc là những vùng có yếu tố địa hình phân cách mạnh, phong hóa dày…, nhiều yếu tố bất lợi bị kích hoạt bởi lượng mưa quá lớn nên các hiện tượng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra mãnh liệt.

Thảm phủ thực vật từ rừng tự nhiên nhiều tầng, nhiều lớp khi có mưa giữ được độ ẩm và không xói lở bề mặt. Nhưng hiện nay rừng của chúng ta bị thu hẹp rất nhiều, việc phủ xanh đất trống đồi trọc bằng các loại cây lâm nghiệp cũng chỉ che phủ được 1 tầng, việc phủ xanh đồi trọc bằng các loại cây nông nghiệp khai thác ngắn ngày không đủ năng lực để giữ được đất ổn định. Bên cạnh đó, các thủy điện nhỏ được xây dựng một cách ồ ạt, thiếu quy hoạch, khi có lũ thì các nhà máy thủy điện này lại không có sự điều tiết một cách tổng thể để giảm tải cho hạ lưu mà chỉ giữ an toàn cho hồ đập, việc xả lũ của các thủy điện đã khiến người dân ở phía dưới bị “lũ chồng lũ”!

PGS TS Đặng Ngọc Dinh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, phát triển cộng đồng thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - cũng cho rằng, mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét… là hệ lụy của việc phá rừng vô tội vạ và việc xây dựng hàng trăm nhà máy thủy điện lớn nhỏ trên các sông, suối. “Cần phải nhìn nhận thực tế là 1 giai đoạn dài ồ ạt làm thủy điện, khi làm thủy điện, chúng ta đã phá rừng để đưa máy móc vào. Rừng bị phá, như đồi trọc không thể giữ được nước nên khi có mưa, nước từ thượng nguồn đổ thẳng xuống gây nên lũ, sạt lở đất” - PGS TS Đặng Ngọc Dinh nhấn mạnh.

Lũ khiến nhiều tuyến đường ở Lai Châu hư hỏng nặng. Ảnh: PV

Cần xây dựng hệ thống cảnh báo sớm

PGS TS Trần Tuấn Anh-Viện trưởng Viện Địa chất - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - cho rằng, trong nhiều năm qua, Bộ KHCN, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, Bộ TNMT đã tiến hành nhiều nghiên cứu trong các chương trình như KC08, Chương trình Tây Nguyên 3,.. phân vùng nguy cơ xảy ra các thiên tai trong đó có trượt lở, lũ quét, lũ ống (hay còn gọi là lũ bùn đá). Các kết quả nghiên cứu đã đưa ra được các bản đồ cảnh báo nguy cơ, thiệt hại do thiên tai ở các tỉ lệ khác nhau, từ 1:500.000 đến 1:50.000, trong đó khoanh định được các vùng nguy cơ cao và rất cao, nguy cơ trung bình, ít có nguy cơ xảy ra các thiên tai.

Các khu vực hiện đang xảy ra các thiên tai trượt lở, lũ quét, lũ ống đều nằm trong các vùng có nguy cơ cao đã được các nghiên cứu chỉ ra. Các kết quả nghiên cứu này đã, đang và sẽ tiếp tục được chuyển giao cho các đơn vị chức năng, các địa phương để phục vụ công tác phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây nên. “Công tác di dời dân ra khỏi nơi nguy hiểm là cần thiết và ta đang thực hiện.Tuy vậy, diện tích các địa điểm mới an toàn và gắn với sinh kế của đồng bào thì có hạn. Do đó, song song với việc di dời, cần lưu ý tới việc tìm biện pháp bảo vệ các khu dân cư đang bị đe dọa song ở mức độ có thể bảo vệ được”-TS Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Công tác cảnh báo, dự báo và phòng tránh các thiên tai nói chung và trượt lở đất, lũ quét và lũ ống nói riêng cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, các cơ quan nghiên cứu khoa học, các địa phương. Các kết quả nghiên cứu cần được các cơ quan quản lý quan tâm sử dụng, tham khảo để đưa ra các giải pháp phòng tránh, giảm thiểu phù hợp, có hiệu quả. Các biện pháp phòng chống thì có rất nhiều, song có thể hướng tới 2 hành động cụ thể có thể hạn chế căn bản và lâu dài các thiệt hại do các thảm họa trượt lở, lũ ống, lũ quét gây nên: Cần sớm có Chương trình tổng thể của Chính phủ về phòng chống sạt lở, lũ ống, lũ quét. Xây dựng Hệ thống cảnh báo sớm lũ ống, lũ quét ở Việt Nam.

“Về vấn đề cảnh báo sớm thiên tai là vấn đề then chốt nhất. Trong lĩnh vực quản lý rủi ro thiên tai, cần thiết phải có 1 hợp phần rất quan trọng, đó là hệ thống cảnh báo sớm. Khác với cách cảnh báo chỉ ra trên các bản đồ, sơ đồ các khu vực nguy hiểm, hệ thống cảnh báo sớm phát đi thông tin về thiên tai đang ở đâu, sắp đến hoặc đang đến gần như thế nào để cộng đồng dân cư kịp ứng phó. Hiện nay ở Việt Nam, chỉ có thiên tai bão và lũ lụt là đã được cảnh báo theo dạng cảnh báo sớm, có nghĩa là bão đang ở đâu, sẽ đi về đâu, mạnh cấp bao nhiêu. Do đặc thù của thiên tai lũ ống, lũ quét thường xẩy ra ở các lưu vực nhỏ, vùng sâu, vùng xa, nên hệ thống cảnh báo sớm lũ ống, lũ quét nhất thiết phải dựa vào lực lượng địa phương, có sự chỉ đạo của các cơ quan trung ương và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu khoa học” - PGS TS Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ông Trịnh Xuân Hòa cũng đưa ra nhận xét: Việc di dân là 1 vấn đề rất lớn đi kèm theo các vấn đề về an sinh xã hội. Di dân về vùng an toàn thì xa nguồn nước, xa nơi canh tác, không có các cơ sở hạ tầng đi kèm thì người dân không thể ổn định cuộc sống. Mặc dù hiện nay, các nhà khoa học đã có các bản đồ cảnh báo, có thể lựa chọn các vùng tương đối an toàn để di dân, nhưng phải đi kèm theo các vấn đề quy hoạch khác nên không thể di dân tổng thể, ồ ạt được và phải có thứ tự ưu tiên tùy theo địa hình, địa chất các vùng nguy cơ. Thực tế hiện nay, một số quốc gia khác vẫn chấp nhận sống chung với sạt lở, nhưng trang bị kiến thức cho người dân ứng phó khi sống ở trong vùng sạt lở.

KHÁNH VŨ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/mua-bao-lu-lut-phong-chong-nhieu-sao-so-nguoi-chet-van-gia-tang-615471.ldo