Khi các nhà văn nổi tiếng phê bình tác phẩm của đồng nghiệp

Các tên tuổi nổi tiếng của giới văn chương như Vladimir Nabokov, Mark Twain... đã không ít lần thẳng thắn chỉ trích tác phẩm thuộc hàng kinh điển của đồng nghiệp.

Vladimir Nabokov nói về Tội ác và Hình phạt (Dostoevsky): Trong cuộc phỏng vấn trên tờ The Listener, Nabokov bày tỏ: "Đó là những tiểu thuyết tệ nhất của Dostoevsky, tôi không thích cả Anh em nhà Karamazov lẫn mớ hỗn độn mang tên Tội ác và Hình phạt. Tôi không phản đối việc tìm về bản ngã, nhưng sự đa cảm và văn phong cũng không thể cứu nổi những tác phẩm rối ren đầy nhàm chán đó".

Vladimir Nabokov trả lời về Finnegans Wake (James Joyce): Sau Dostoevsky, Nabokov cũng lên tiếng chê bai tác phẩm của James Joyce. Trả lời phỏng vấn The Paris Review, cha đẻ Lolita chia sẻ: "Tôi căm ghét Finnegans Wake, nó không hơn gì một tế bào ung thư lây lan nhanh chóng, thậm chí cả từ ngữ bác học cũng không cứu vãn nổi. Các phép ẩn dụ thì đơn giản, quá sức đơn giản".

Virginia Woolf bàn về Ulysses (James Joyce): Tác giả Căn phòng của riêng ta không e dè khi chê bai Ulysses trong nhật ký: "Tôi chỉ mới đọc được 200 trang của tác phẩm này, chưa đến 1/3 cuốn sách. Tôi đã hứng thú với khoảng 2-3 chương đầu nhưng rồi bắt đầu khó chịu về nội dung sau đó. Sao người ta lại đặt nó ngang tầm với Chiến tranh và hòa bình nhỉ, tôi chỉ nhìn thấy ở quyển sách đầy thô tục [...] tự cao, sống sượng, bất bình thường hay tạo cảm giác kinh tởm đến phát ói. Nó nửa nạc nửa mỡ và như một miếng thịt sống vậy. Tại sao chúng ta phải ăn thịt sống trong khi có thể ăn thịt chín".

H.L. Mencken bàn về Đại gia Gatsby (Scott Fitzgerald): Trong bài phê bình trên The Chicago Sunday Tribune, Mencken viết: "Tác phẩm mới của Scott Fitzgerald không hơn gì một giai thoại được làm quá lên. Chủ đề tình yêu cũ kĩ, nhàm chán và đầy phi lý, motif kinh điển thì bị biến thành câu chuyện cười. Tôi còn cảm thấy câu chuyện chả đến mức quan trọng để viết thành sách như vậy, nó chẳng là gì nếu so với những tác phẩm nổi bật khác của Fitzgerald, như Phía bên kia vườn địa đàng chẳng hạn".

Aldous Huxley chia sẻ về Trên đường (Jack Kerouac): "Sau khi đọc được một đoạn của quyển sách thì mọi ý nghĩ của tôi chính là nó quá nhàm chán. Chả có con đường nào cần phải dài đến vậy cả".

Mark Twain nói về Kiêu hãnh và định kiến (Jane Austen). Trong bức thư gửi người bạn văn thân thiết Joseph Twichell, Mark Twain đã bày tỏ sự chán ghét với tác phẩm của Jane Austen: "Tôi không thường chỉ trích sách nhưng tôi lại không chịu được mỗi khi phải đọc sách của Jane Austen. Tôi luôn phải cố gắng không sờ tới một cuốn sách nào của Austen".

David Foster Wallace bàn về Người Mỹ cuồng loạn (Bret Easton Ellis). Trả lời phỏng vấn The Review of Contemporary Fiction, Wallace chia sẻ: "Tác phẩm của Ellis không hơn gì một bản tóm tắt vấn đề xã hội ở cuối những năm 80, chả có gì sâu sắc. Nó cổ vũ chủ nghĩa hoài nghi và bán cho độc giả một câu chuyện chắp vá với những nhân vật ngu ngốc, nhạt nhẽo mà không có tí tầm nhìn hay bất kỳ sự phát triển nào".

Martin Amis bàn về Don Quixote (Miguel de Cervantes). Bài bình luận trên The War Against Cliché: Essays and Reviews, Martin Amis đã thẳng thừng chê bai: "Mặc dù là kiệt tác của giới văn chương song Don Quixote lại vướng phải một lỗi nghiêm trọng - đó là khiến người ta không thể đọc nổi. Cuốn sách giống như chuyến thăm viếng một người bạn già cỗi với hàng đống thói quen bẩn thỉu và những hồi ức chán nản. Đến nỗi khi gấp quyển sách lại, người ta sẽ phải khóc vì đã vượt qua một chặng đường như vậy".

Hoàng Quỳnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khi-cac-nha-van-noi-tieng-phe-binh-tac-pham-cua-dong-nghiep-post1208707.html