Khi các bạn trẻ chọn… ngược dòng

Học nghề trước, học đại học sau - chuyện tưởng như đùa trong một xã hội trọng bằng cấp như Việt Nam. Thực tế này đang là sự lựa chọn của nhiều bạn trẻ và nhiều gia đình: Đại học không phải là con đường duy nhất, càng không phải là thước đo để đánh giá một con người. Thậm chí, có nhiều cử nhân thất nghiệp, đã 'cất nhẹm' bằng cấp khi quyết định ngược dòng trên con đường 'nhất nghệ tinh'…

Nguyễn Văn Hưng (thứ hai từ trái sang) tại lễ vinh danh do Trường cao đẳng cơ điện Hà Nội tổ chức tháng 9/2019

Nguyễn Văn Hưng (thứ hai từ trái sang) tại lễ vinh danh do Trường cao đẳng cơ điện Hà Nội tổ chức tháng 9/2019

9X giành chứng chỉ xuất sắc tay nghề thế giới

Đó là câu chuyện của chàng trai 9X Nguyễn Văn Hưng. Theo học Khoa Điện Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, Hưng là 1 trong 19 thí sinh đến từ các trường nghề góp mặt tại kỳ thi tay nghề thế giới 2019 tổ chức tại Kazan, Liên bang Nga.

Lý do để Hưng quyết định “bẻ lái” chọn học nghề thay học đại học vì em đã sớm nhận thấy thực tế từ những người xung quanh học xong đại học không kiếm được việc làm, bên cạnh đó xã hội hiện đang thiếu rất nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Tôi quyết chuyển hướng từ đại học sang học nghề. Vẫn là một bước đi, có thể thành công của tôi sẽ đến chậm hoặc sớm hơn các bạn, nhưng điều đầu tiên mà tôi có được là có kỹ năng thực hành, có khả năng làm việc với các thiết bị máy móc cụ thể, rõ ràng chứ không phải lý thuyết mơ hồ” - Hưng chia sẻ với truyền thông sau chiến thắng tại cuộc thi tay nghề thế giới.

Không chỉ chọn học nghề, Hưng còn dành hết tâm huyết, tình yêu cho nghề mình đã chọn. Ngay từ khi mới bắt đầu vào trường, Hưng đã đặt quyết tâm sẽ tham gia các cuộc thi tay nghề. Chăm chỉ học tập, Hưng chưa bao giờ vắng mặt trong các buổi học từ kiến thức đến kỹ năng thực tế.

Đền đáp cho sự nỗ lực này, Nguyễn Văn Hưng cùng đồng đội đã đạt chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc nghề cơ điện tử tại kỳ thi tay nghề thế giới 2019. Với kết quả cao tại kỳ thi tay nghề, Hưng và hai sinh viên tham gia đã được Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội vinh danh trước hàng ngàn sinh viên học nghề.

“Cha mẹ đừng đánh cắp ước mơ tuổi 18 của con” – đó là lời khuyên của một thầy giáo dạy Ngữ văn, đồng thời cũng là giáo viên dạy kỹ năng sống. “Tôi xin kể câu chuyện về một đồng nghiệp đã hối hận khi vợ chồng cô bắt con mình học trường y. Ngày trước, thời thí sinh có thể thi cùng lúc nhiều trường đại học, con cô đã đậu cả trường y lẫn bách khoa.

Cậu con trai thích học ngành kỹ thuật, nhưng cha mẹ bắt con học trường y để trở thành bác sĩ. Cậu con trai đã trở thành bác sĩ nhiều năm rồi nhưng chẳng mấy vui với nghề nghiệp, khiến cả nhà cũng buồn. Cô nói nếu ngày đó cứ để con theo đam mê thì con đã được hạnh phúc với công việc của mình” – thầy giáo này nêu quan điểm – “Tôi phân tích cho học sinh hiểu cha mẹ là người đi trước, có kinh nghiệm nên hướng những ngành nghề để con được nhiều thứ (nhàn thân, nhiều tiền, lao động bằng trí óc...), điều đó cũng là mong muốn tốt đẹp của cha mẹ dành cho con cái.

Tuy nhiên, không phải cha mẹ lúc nào cũng đúng, thậm chí sai lầm khi ép con đi theo nghề nghiệp mà con không hề thích. Ép con đi theo con đường cha mẹ mong muốn chẳng khác nào “đánh cắp ước mơ tuổi 18”, tuổi mà các em đã khẳng định mình về nghề nghiệp. Tôi khuyên học sinh nên “đi ngược gió” với mong muốn của cha mẹ trong trường hợp nếu ngành nghề mình không thích, kể cả ngành nghề cha mẹ đã trải thảm, không nên thực hiện ước mơ của cha mẹ, mà hãy thực hiện ước mơ của mình”.

Không còn là chuyện lạ

Cách đây không lâu, diễn đàn “Bỏ đại học đi học nghề, có là chuyện lạ?” do một tờ báo tổ chức đã thu hút được sự tham gia không ngờ nhiều người trong xã hội, từ học sinh, sinh viên, phụ huynh cho đến các chuyên gia giáo dục, quản trị nhân lực. Nhìn chung, những ý kiến này gặp nhau ở quan điểm: Hãy để giới trẻ lựa chọn nghề nghiệp phù hợp nhất với bản thân mình.

Cũng tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH) Lê Quân đã nêu quan điểm nhấn mạnh việc phải hướng nghiệp để giới trẻ không những chọn được công việc phù hợp, có thu nhập mà còn có cơ hội học tập, phát triển tiếp.

Là người từng giảng dạy ở đại học, ông Lê Quân nhận thấy nhiều sinh viên học chỉ để làm sao đạt kết quả thi môn nào điểm tốt môn đó. Sinh viên rất thiếu định hướng, hiểu rất lơ mơ ra trường sẽ làm việc gì, việc đó cần năng lực gì, phải tập trung ưu tiên những phẩm chất, kiến thức, kỹ năng gì để có cơ hội nghề nghiệp tốt. Kế hoạch học tập gắn với kế hoạch nghề nghiệp chưa được quan tâm đúng mức.

Tất nhiên hệ quả này không phải tất cả thuộc về phía sinh viên, mà là có một phần từ hệ thống giáo dục. Từ đó dẫn đến tình trạng xã hội đang cần người làm công việc này thì trường dạy nội dung khác, sinh viên tốt nghiệp làm không đúng chuyên môn đào tạo.

Đây là sự lãng phí có thể tránh nếu vấn đề hướng nghiệp, chọn nghề được quan tâm nhiều hơn. Để phát triển một thị trường lao động năng động, linh hoạt, chất lượng cao thì người lao động phải được định hướng nghề nghiệp tốt, có khả năng thích ứng nhanh.

“Tôi xin kể câu chuyện để thêm thông tin cho bạn trẻ, phụ huynh. Đó là đi hội thảo, hội nghị ở các địa phương, tôi hay hỏi những bạn trẻ đang phục vụ tại đó học ở đâu ra. Rất buồn là nhiều bạn cho biết từng học đại học này, đại học kia nhưng giờ lương chỉ 4-5 triệu đồng/tháng. Rất ít các bạn trong số này được đào tạo về nhà hàng, khách sạn, du lịch.

Trong khi đó, cũng tại các nơi đó, những bạn khác làm pha chế, nấu ăn có chứng chỉ nghề có mức lương cao hơn 3-5 lần mà không có người để tuyển. Lựa chọn ngành nghề trước tiên dựa trên sở thích, năng lực, điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội. Hiện nay và sắp tới, nước ta có rất nhiều ngành nghề nhu cầu nhân lực lớn như công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, y tế, du lịch, dịch vụ, logictics, hậu cần kinh doanh... và rất nhiều lĩnh vực khác.

Riêng các ngành du lịch, công nghệ thông tin, logistics... mỗi năm cần hàng trăm ngàn lao động. Bên cạnh đó, nhu cầu để xuất khẩu lao động hằng năm hàng trăm ngàn người. Các nước có nhu cầu nhân lực rất lớn nên mở cửa cho lao động nước ngoài. Chỉ cần có ngoại ngữ, kỹ năng là có việc làm tốt” – Thứ trưởng Lê Quân thông tin.

Để kết bài viết này, xin kể lại câu chuyện của ông Stephen Lunn, một chuyên gia nổi tiếng về nghề khách sạn - nhà hàng của nước Úc và cũng là một trong 3 Đại sứ nghề của Úc đến Việt Nam trong chương trình buổi giao lưu với giáo viên, sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH, Đại sứ quán Australia tổ chức tháng 4/2018.

Stephen Lunn, một chuyên gia nổi tiếng về nghề khách sạn - nhà hàng Úc

Tại buổi giao lưu, ông Stephen Lunn cho biết, việc chọn nghề đầu bếp được hình thành khi ông mới 15 tuổi. Khi đó, ông thể không thể tưởng tượng được công việc sẽ giúp mình đi tới nhiều nơi trên thế giới và đạt tới đỉnh cao nghề nghiệp.

“Quyết định đúng đắn nhất mà tôi từng thực hiện là chọn con đường học nghề. Nếu cho chọn lại công việc khi 15 tuổi, tôi vẫn giữ nguyên quyết định trở thành đầu bếp” - Stephen nhớ lại. Hiện nay, Stephen đã có được những thành tựu: Chức danh Giáo viên nghề khách sạn (Trường Cao đẳng Guiford), Chủ tịch Liên đoàn Ẩm thực Australia…

Cũng như ở Việt Nam hiện nay, trước đây ở Úc, nhiều bậc cha mẹ cho rằng đại học là con đường duy nhất để có công việc ổn định và thành công. Thậm chí 5 bậc phụ huynh thì có tới 4 người muốn con học đại học để sau này có thành công hơn. Nhưng theo khảo sát của Tổ chức Kỹ năng nghề Australia thì mức lương khởi điểm của một học sinh học nghề là 56.000 đô la Úc/năm (khoảng 980 triệu đồng), trong khi đó, mức lương của sinh viên đại học khi ra trường chỉ là 54.000 đô la Úc/năm.

Điều này cho thấy rằng, nếu lựa chọn học nghề, người trẻ Úc sẽ có nhiều yên tâm để tới thành công bởi được nhiều cơ hội và lựa chọn hơn. Vì thế, dân số Australia hiện có khoảng 24 triệu người, trong đó có 4,2 triệu người đang tham gia học nghề. Hoa Bùi

Sẽ có từ điển mở về nghề nghiệp để giúp người trẻ

Trao đổi về vấn đề cần lưu ý những gì trong công tác định hướng nghề nghiệp trong bối cảnh tâm lý vào đại học, tâm lý chuộng bằng cấp vẫn nặng nề như hiện nay, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân nhấn mạnh, việc phải thiết kế và truyền thông cho người dân biết về danh mục ngành nghề trong xã hội.

Chẳng hạn như ngành nghề đó làm những công việc cụ thể gì, yêu cầu ra sao, quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ thế nào, cơ hội phát triển sau này, cơ hội để thăng tiến trong lộ trình công danh nghề nghiệp của ngành nghề đó ra sao... Bên cạnh đó phải làm cho từng người dân biết được rằng muốn làm việc này thì ở đâu học tốt, dạy tốt. Khi đó, mỗi người trong xã hội mới có sự lựa chọn tốt cho nghề nghiệp.

Được biết, vừa qua Bộ LĐ-TB&XH đã cho ra mắt ứng dụng “Chọn nghề” trên thiết bị di động, trong đó mô tả chi tiết vài trăm nghề và địa chỉ đào tạo. Tiến tới sẽ phát triển từ điển mở về nghề nghiệp.

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/khi-cac-ban-tre-chon-nguoc-dong-529836.html