Khi bóng đá nhuốm màu chính trị

Đó là câu chuyện xảy ra cách đây đã 51 năm. Diễn ra trong bối cảnh xung đột chính trị giữa 2 quốc gia, trận bóng đá đã mở đầu cho cuộc chiến tranh khiến hơn 3.000 người bỏ mạng.

Dấu giày trên sân cỏ

 Cuộc “chiến tranh bóng đá” giữa El Salvador và Honduras

Cuộc “chiến tranh bóng đá” giữa El Salvador và Honduras

Thời điểm trước khi xảy ra chiến tranh gần 1 tháng, vào tối 27-6-1969, 2 đội tuyển bóng đá nam của Honduras và El Salvador gặp nhau tại trận đá lại trong khuôn khổ vòng loại thứ 2 World Cup 1970.

El Salvador là quốc gia nhỏ nhưng đông dân, trong khi Honduras có diện tích lớn hơn, nhưng dân số ít và nền kinh tế kém phát triển. Năm 1969, khoảng 300.000 người El Salvador vượt biên qua vịnh Fonseca, vùng biển tranh chấp giữa hai nước, để nhập cư bất hợp pháp vào Honduras.

Căng thẳng về vấn đề nhập cư giữa hai nước leo thang khi Tổng thống Honduras Oswaldo Lopez Arellano ra lệnh trục xuất nhiều người El Salvador dựa trên luật cải cách đất khai hoang. Trong bối cảnh đó, trận đấu vòng loại World Cup giữa đội tuyển bóng đá hai nước chính là “giọt nước làm tràn ly” dẫn đến xung đột.

Sự hỗn loạn đã xuất hiện trong trận lượt đi, khi Honduras giành chiến thắng 1-0 trước El Salvador vào ngày 8-6. Trong trận lượt về ngày 15-6, đội chủ nhà El Salvador giành chiến thắng 3-0. Trong cả 2 lượt trận đi và về, cổ động viên 2 đội đã đụng độ nhau trên đường phố, còn quân đội hai nước đã triển khai vũ khí dọc 2 bên biên giới.

Sau 2 trận, hai đội tuyển có số điểm bằng nhau và buộc phải đá trận thứ ba ở sân trung lập tại Mexico vào tối 27-6. Tại biên giới, trước trận đấu, căng thẳng đã biến thành các cuộc giao tranh đổ máu.

Trong trận đấu này, El Salvador giành chiến thắng 3-2 trong hiệp phụ, giành quyền tham dự World Cup. Chỉ vài giờ sau khi trận đấu kết thúc, El Salvador cắt đứt quan hệ ngoại giao với Honduras.

Ngày 14-7-1969, El Salvador chính thức phát động cuộc chiến xâm lược Honduras. Quân đội sử dụng máy bay chở khách đã được cải hoán thành chiến đấu cơ để tiến hành tập kích trên không; còn trên thực địa, El Salvador sử dụng xe tăng để áp đảo quân đội Honduras trang bị nghèo nàn.

Quân đội Honduras cuối cùng cũng kiểm soát lại được không phận và tiêu diệt hầu hết lực lượng không quân El Salvador, đồng thời tập kích tuyến hậu cần làm gián đoạn đà tấn công của lục quân đối phương.

Tổ chức các quốc gia châu Mỹ sau đó đã điều đình một hiệp định ngừng bắn vào tối ngày 18-7, có hiệu lực hoàn toàn vào ngày 20-7. Quân đội El Salvador rút lui vào đầu tháng 8. Diễn ra chỉ trong 4 ngày, “cuộc chiến tranh bóng đá” này còn có tên gọi là “cuộc chiến 100 giờ”.

Chỉ diễn ra trong 100 giờ, song cuộc chiến đã khiến hơn 3.000 người thiệt mạng và hàng chục nghìn người mất nhà cửa. Điều đáng nói là El Salvador và Honduras là 2 quốc gia có chung ngôn ngữ, tôn giáo (chủ yếu là Công giáo La Mã) và nền văn hóa với nhiều nét tương đồng.

Càng vô nghĩa hơn khi đội tuyển El Salvador giành quyền tham dự World Cup 1970, nhưng bị loại sau 3 trận toàn thua, thủng lưới 9 bàn và không ghi được bàn thắng nào.

Điều đáng buồn nữa là, đây không phải là lần đầu tiên và cũng không phải là lần cuối cùng bóng đá bị phủ bóng đen bởi chính trị và những toan tính, lợi ích nằm ngoài nhu cầu thưởng thức của hàng triệu người trên thế giới.

Đó là câu chuyện Mussolini thao túng những “ông vua áo đen” ở World Cup năm 1934.

Chuyện của đội tuyển Áo - một trong những đội bóng xuất sắc nhất trong thập niên 1930, nhưng sau khi bị Đức quốc xã sát nhập, “Wunderteam” đã buộc phải rút khỏi World Cup 1938 và hợp nhất với Đức.

Trận đấu giữa Mỹ và Iran tại World Cup 1998. Iran giành thắng lợi 2 – 1 và ở quê nhà hàng trăm ngàn thanh, thiếu niên, kể cả phụ nữ, đã tham gia vào lễ hội ăn mừng chiến thắng trên các đường phố bất chấp những lời cảnh báo từ Chính phủ, bởi chiến thắng đó chất chứa cả lòng tự tôn dân tộc.

Hay cách đây tròn 14 năm, ngày 14-7-2006, phiên tòa đầu tiên xử vụ “Calciopoli” chính thức diễn ra.

Những góc khuất và bi kịch trong bức tranh đa sắc về cuộc sống mà bóng đá phản chiếu.

Nguyên Phong

Bóng đá có thể là bị sử dụng như một công cụ châm ngòi cho xung đột và chiến tranh, bị lợi dụng bởi những ý đồ chính trị và kinh tế, nhưng cũng là môi trường chuyển tải những thông điệp về hòa bình.Năm 2008 và 2009, đội tuyển Armenia gặp Thổ Nhĩ Kỳ tại vòng loại World Cup 2010. Các nhà lãnh đạo của hai quốc gia đã cùng nhau dự khán trận đấu sau gần một thế kỷ thù địch giữa 2 quốc gia, kể từ vụ người Thổ Nhĩ Kỳ tàn sát hàng trăm ngàn người Armenia trong Thế chiến thứ nhất.Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul đã tham dự trận đấu của hai đội tại Armenia vào năm 2008, với kết quả chiến thắng 2-0 dành cho đội khách. Một năm sau đó, người đồng nhiệm, Tổng thống Armenia Serzh Sarkisian cũng đã đồng ý dự khán trận lượt về của hai đội trên đất Thổ Nhĩ Kỳ để góp phần hâm nóng mối quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia này.Dù cả hai đội đều không thể giành vé đến Nam Phi, nhưng quan trọng là mối quan hệ giữa 2 quốc gia thời điểm đó dần được cải thiện.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/the-thao/khi-bong-da-nhuom-mau-chinh-tri/121566.htm