Khi Bếp Bình An lên phim

Tuy không phải là diễn viên nhưng cô gái bán hàng Nguyễn Thị Tuyến ở bãi biển Cô Tô, cuối con đường Tình yêu (thuộc xã Đồng Tiến) lại được hưởng khá nhiều lợi, nhờ 'ăn theo' bộ phim 'Cả một đời ân oán', khi đoàn làm phim đến Cô Tô để làm bộ phim này.

Từ cuối năm 2017 đến cuối năm 2018, bộ phim truyền hình “Cả một đời ân oán” được chiếu trên truyền hình VTV3 đã thu hút nhiều khán giả. Phim thuộc thể loại phim tâm lý xã hội xoay quanh câu chuyện với những mối quan hệ phức tạp giữa vợ, chồng, anh, em, dâu, rể, con, cháu trong gia đình Vũ Gia, một công ty gia đình có ảnh hưởng lớn trên thương trường. Đặc biệt từ phần 2, bộ phim xoay quanh nhân vật Dung là con dâu của Vũ Gia, bị chồng nghe theo mẹ rồi ly dị cô. Dung đã quyết định dọn quán bán hàng bên bờ biển và đặt tên là quán Bình An, là tên 2 đứa con cô là Nguyên An và Bình. Bộ phim đã kết thúc từ mấy năm nay, nhưng bếp Bình An được đoàn làm phim chọn lựa nằm cuối con đường Tình yêu, khu vực thôn Hải Tiến, xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô vẫn là điểm nhiều du khách tìm đến, khi họ đến Cô Tô.

Bếp Bình An và cô chủ ngoài đời thực.

Bếp Bình An và cô chủ ngoài đời thực.

Chủ quán ngoài đời là Nguyễn Thị Tuyến, có dáng vẻ xinh tươi, biết nấu các món ăn dân dã và cũng là người từ đất liền ra đảo gần giống như cô Dung trong phim. Tuyến kể, cuộc sống của cô trước khi đoàn làm phim đến Cô Tô rất vất vả. May sao khi họ đến Cô Tô lại chọn đúng cái quán của cô để thuê mượn, vậy là sau đó, cuộc sống cứ vậy phất lên, mùa du lịch không đủ sức tiếp khách. Nhiều khi cô phải xin lỗi khách vì họ cứ muốn được thử các món ẩm thực ở bếp Bình An, cho dù đã hết hàng để phục vụ.

Nguyễn Thị Tuyến là người gốc ở huyện Hoành Bồ (nay là TP Hạ Long). Hơn chục năm trước, Tuyến làm nghề bán hàng cơm ở gần Trường Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm, có trụ sở ở thị trấn Trới (nay là phường Hoành Bồ, TP Hạ Long) rồi nên duyên vợ chồng với anh sinh viên từ Cô Tô ra học nghề mỏ tại đây. Lấy chồng xong, hai vợ chồng đều không theo nghề cũ mà lang thang ra khu Bến Do (TP Cẩm Phả) lập nghiệp với nghề buôn cá, bởi chồng Tuyến vốn có nghề chài lưới. Cuộc sống mưu sinh thật vất vả, vì là phận gái chỉ quen với cuộc sống trên bờ mà nay lại phải làm ăn dưới nước. Tuyến kể: “Ban đầu khi tôi học chèo thuyền, chồng tôi phải lấy dây buộc tay làm cữ mà con thuyền vẫn cứ chao đảo”. Vốn bản tính hiền lành, nhút nhát lại hàng ngày phải tiếp xúc với giới thương lái vốn lắm điều nhiều lời, nên chỉ một thời gian là vợ chồng Tuyến tính tìm nghề khác hợp hơn. Khi ấy, Cô Tô chưa phát triển du lịch lại chưa có điện lưới, cuộc sống của người dân trên đảo khá khó khăn, nhưng vợ chồng Tuyến quyết định về đảo, vì là quê nhà dẫu sao vẫn hơn là lập nghiệp nơi “đất khách quê người”. Ngày mới về đảo vốn liếng hạn chế, nên chọn nơi vắng vẻ cuối con đường Tình yêu. Thời kỳ đầu nơi đây vắng lặng, chỉ có người đi biển qua lại. Có khi nửa đêm về sáng cho người đập cửa vào ngồi sưởi nhờ vì đi biển rét quá, họ bảo: “May mà có cô ra đây bán hàng, mọi khi tôi đi biển sớm nơi này thấy sợ ma lắm”.

Cô chủ Bếp Bình An ngoài đời thực nấu ăn khéo léo không kém gì cô Dung trong phim.

Nào ngờ, cái điểm “khỉ ho, cò gáy” này lại lọt vào mắt xanh của các nhà làm phim. Vậy là quán bán hàng được mượn để phục vụ cho việc làm phim và Tuyến nghỉ trong 3 tháng không bán hàng. Khi đoàn làm phim rời đi, Tuyến cũng quyết định lấy tên quán mình là “Bếp Bình An”. Đó cũng là khi du lịch Cô Tô phát triển mạnh, Bếp Bình An trở nên nổi tiếng, từ chỗ “Vắng như chùa Bà Đanh” nay lại rất đông khách. Nhất là vào mùa hè, từng đoàn học sinh kéo đến đây vui chơi ăn uống rồi selfie những bức ảnh kỷ niệm. Ngay cả người lớn, có nhiều khách đi tắm biển hay đi dạo vô tình nhìn thấy quán, sau đó rẽ vào hỏi han chủ quán xem đây có đúng là quán Bếp Bình An đã xuất hiện trên phim hay không. Sau đó họ rủ nhiều người cùng đến ăn uống. Có nhiều du khách hễ ra Cô Tô lại tìm đến Bếp Bình An, cũng một phần nhờ tài nấu nướng của chính cô chủ Nguyễn Thị Tuyến.

Bếp Bình An nơi đầu bãi, mùa đông hay những ngày bão, gió thổi rất mạnh. Năm nào vợ chồng Tuyến cũng phải đầu tư làm lại Bếp Bình An, nhưng trước khi làm, họ đều giữ lại hình dáng bếp cũ giống như trong phim. Tuyến kể: “Đầu năm nay, đoàn làm phim lại trở lại, họ cũng đến Bếp Bình An, có lẽ Bếp Bình An lại lên phim, nhưng là phim gì thì đoàn làm phim dặn tôi phải giữ bí mật”.

Anh Vũ

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202003/khi-bep-binh-an-len-phim-2472977/