Khi bếp ăn trở thành niềm đam mê

Hơn 20 năm gắn bó với bếp ăn của Cty Suất ăn Hàng không TSN, anh Tuấn đã luôn làm hài lòng thực khách.

Anh Nguyễn Minh Tuấn, Bếp phó Công ty Suất ăn Hàng không Tân Sơn Nhất - VACS đã hơn 20 năm gắn bó với nghề

Anh Nguyễn Minh Tuấn, Bếp phó Công ty Suất ăn Hàng không Tân Sơn Nhất - VACS đã hơn 20 năm gắn bó với nghề

Sau 4 năm làm nghề bếp ở nhà hàng và khách sạn, trở thành đầu bếp của Công ty Suất ăn Hàng không Tân Sơn Nhất - VACS từ năm 1995, anh Tuấn đã kinh qua nhiều vị trí như đầu bếp, tổ phó, tổ trưởng và có kinh nghiệm ở đa dạng các khu vực như: Bếp Á, Bếp Âu, Bếp Hồi giáo và Bếp Việt Nam. Hiện nay, anh đảm nhiệm vị trí Bếp phó, phụ trách nhà bếp món Tây, món Hồi, đồ ăn đặc biệt đồng thời quản lý và phát triển nhân lực, trực tiếp đào tạo nghề cho nhân viên.

“So với nghề bếp dưới mặt đất, việc phục vụ thực khách ở độ cao hàng nghìn mét khó khăn hơn nhiều. Chúng tôi không được phép sai sót, không để tâm trạng của mình ảnh hưởng đến công việc và luôn thực hiện công việc theo quy trình ISO/HACCP/5S và các quy định từ các hãng hàng không”, anh Tuấn chia sẻ.

"Công việc này cho tôi cơ hội làm việc trong môi trường tiêu chuẩn quốc tế, tiếp xúc với nhiều trường phái ẩm thực trên thế giới cũng như nhiều cơ hội học hỏi, thăng tiến cho bản thân”.

Anh Nguyễn Minh Tuấn
Bếp phó Công ty Suất ăn Hàng không Tân Sơn Nhất - VACS

Theo anh Tuấn, công việc này phải đảm bảo 3 yêu cầu khắt khe: 100% suất ăn được cung cấp lên chuyến bay đúng giờ, đúng tiêu chuẩn chất lượng như cam kết với khách hàng; tất cả suất ăn đặc biệt được cung ứng đầy đủ và đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt của IATA; nguồn thực phẩm cũng như quy trình chế biến đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn HACCP…

“VNA có rất nhiều sự thay đổi về ẩm thực trên máy bay như đưa vào bộ thực đơn các nguyên liệu cao cấp hơn, thường xuyên điều chỉnh lại cách trình bày, chú trọng hơn đến việc cung cấp chỉ số dinh dưỡng cho từng món ăn… Và một trong những công việc của chúng tôi là cập nhật các tài liệu về suất ăn đặc biệt từ nguồn IATA để tiếp tục hoàn thiện bộ suất ăn đặc biệt của VACS”, anh Tuấn nói.

Vừa trình bày món Phở bò đông (Vietnamese Pho Beef Terrine) trên đĩa sứ trắng một cách tỉ mỉ, anh Tuấn tâm sự: “Tôi muốn thiết kế món ăn truyền thống Việt Nam với phong cách mộc mạc, sang trọng và dễ gần. Như món Phở bò đông này, món ăn đơn giản lấy cảm hứng từ món phở và thịt đông, đã được cấp cho các chuyến bay của VNA và một số khách hàng của công ty”.

Nhìn anh Tuấn chăm chút cho món ăn cũng phần nào thấy được tình yêu của anh đối với nghệ thuật ẩm thực. Anh và các đồng nghiệp cũng dành ra nhiều thời gian để nghiên cứu về nguồn gốc lịch sử, văn hóa của từng nền ẩm thực ngoài các vấn đề về dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Anh Tuấn cho rằng, mình đang có một nghề nghiệp ổn định, có cơ hội tiếp xúc với nhiều trường phái ẩm thực để tiếp thu kiến thức mới. “Những lần phục vụ các chuyến chuyên cơ cho các nguyên thủ là những cơ hội hiếm có, cũng là những kỷ niệm khó quên trong đời”, anh nói.

Những lúc đó, anh Tuấn cùng các đồng nghiệp làm việc với cường độ cao, chế biến các món ăn mới lạ cho các chính khách. Với sự tận tâm của mình, anh đã được sự khen ngợi thường xuyên của các chính khách và có lần được hai đầu bếp nổi tiếng trên chuyên cơ VIP Korean tặng hai con dao với lời trìu mến “For you!”.

Nếu như tại VACS, anh Tuấn là một đầu bếp nghiêm túc, một “người thầy” trách nhiệm thì khi ở nhà, anh lại là một người cha dịu dàng, chu đáo. Luôn dành thời gian để vui chơi cùng con, anh cũng không ngại làm việc nhà hay vào bếp nấu vài món ngon để “chiêu đãi” gia đình.

“Với tôi, hạnh phúc trọn vẹn không chỉ có sự nghiệp mà còn phải có một gia đình đủ đầy yêu thương”, bếp phó Minh Tuấn nhấn mạnh.

Ngân Anh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/khi-bep-an-tro-thanh-niem-dam-me-d272954.html