Khi bệnh nhân tự… tiêm

Bệnh nhân sau khi nhận thuốc thì về giường của mình và tự tiêm lấy. Có người nhanh nhẹn, thuần thục nhưng cũng có người lúng túng, sợ hãi...

Khoa đái tháo đường của Bệnh viện Nội tiết Trung ương có 4 buồng bệnh, gồm 37 giường và một buồng điều trị theo yêu cầu.

Đa số các bệnh nhân ở đây phải tiêm Insulin trực tiếp vào cơ thể để điều trị.

Những người mắc bệnh ở đủ các tuổi, cả thanh niên, phụ nữ và người già.

4 rưỡi chiều, một y tá nữ tên Hồng đẩy xe thuốc đến từng phòng và gọi tên từng người ra để nhận thuốc.

Mỗi bệnh nhân nhận một ống tiêm nhỏ bằng chiếc đũa, dài khoảng 10 cm với lượng Insulin mà bác sĩ lấy từ lọ ra.

Những người bệnh sau khi nhận thuốc thì vào giường của mình và tự tiêm lấy vào tay, chân, bụng...

Có người phải tiêm mấy lần, chỗ này không được thì tiêm vào chỗ khác. Có người làm công việc này khá nhanh nhẹn, thuần thục nhưng cũng có người không tránh khỏi lúng túng, mắt mày nhăn nhó.

Bác Đắc, nằm ở phòng C405 tâm sự: “Những người biến chứng bị bệnh nặng ở cùng phòng tiêm đến 3 lần một ngày nhưng tôi bị nhẹ nên mỗi ngày chỉ tiêm một lần vào buổi chiều, trước khi ăn 30 phút. Bệnh nhân nhìn vào các hình vẽ dán trên tường để biết cách tiêm, hoặc người cùng phòng họ bảo cho cách tiêm. Người khác tiêm cho mình sẽ đỡ sợ, còn mình tự tiêm lấy cho mình thì hãi lắm. Chúng tôi có bệnh, phải chữa dần dần sẽ quen chứ người không bị bệnh nhìn thì sợ lắm”.

Bệnh nhân Thành, năm nay 64 tuổi, ở quận Thanh Xuân đã bị bệnh 13 năm, uống thuốc 10 năm và 3 năm nay phải tiêm Insulin do thuốc không còn tác dụng.

Vì nhà ở gần nên cứ hằng tháng, bác đi kiểm tra lượng đường và lấy thuốc cho cả tháng về tự tiêm. Ngày 3 lần, trước khi ăn 30 phút, buổi sáng tiêm vào bụng còn trưa và tối thì tiêm vào đâu cũng được. Bác còn vạch cho xem bắp tay, bụng… chỗ nào cũng có những vết chai cứng do tiêm quá nhiều.

Tương tự như ông Thành, bệnh nhân Nguyễn Anh Quý ở giường 24, buồng C204 nói: “Lúc đầu khi mới tiêm cũng sợ nhưng sau khi cô y tá hướng dẫn cách tiêm và nói muốn chữa bệnh thì phải tự tiêm lấy, tôi lấy hết sức bình sinh để làm thử, dần rồi cũng quen, thấy nó bình thường. Ai vào đây cũng thế thôi, bị bệnh này thì phải sống chung với thuốc tới hết đời mà”.

Bệnh nhân Hạnh, 46 tuổi, quê ở Nam Định, ở ngoại trú thì cho biết: “Tiêm không đau nhưng mình là nông dân không biết gì về tiêm chọc nên mới đầu khá lo lắng, sợ tiêm không đúng cách mà thêm bệnh thì khổ lắm. Bây giờ thì quen rồi”.

Insulin là một chất protein, khi tiêm vào cơ thể sẽ có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu. Theo BS Nguyễn Vinh Quang, Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết, y tá sẽ hướng dẫn bệnh nhân tiêm Insulin để khi về nhà sẽ chủ động được việc chăm sóc sức khỏe cho mình. Có bệnh nhân tiếp thu nhanh, sẽ tự tiêm được sớm, bệnh nhân tiếp thu chậm, việc thực hành tự tiêm sẽ khó khăn hơn. Bởi vậy, việc tiêm Insulin phải được sự giúp đỡ, giám sát của y tá. Việc hướng dẫn cho bệnh nhân biết lấy Insulin đúng liều và biết cách tiêm sẽ chủ động được kiểm soát đường huyết. Bệnh nhân tùy bệnh tình sẽ phải tiêm từ 1-4 mũi/ngày vào giờ quy định.

BS Phạm Thúy Hường, Trưởng Khoa điều trị theo yêu cầu, BV Nội tiết cho biết: Tiêm Insulin phải đúng liều, vì nếu ít hơn thì đường huyết tăng, không kiểm soát được bệnh đái tháo đường, còn lấy quá liều sẽ gây hạ đường huyết và gây nguy hiểm vì chỉ hạ đường huyết sau 5 phút là bệnh nhân đã có thể bị mất não, sống đời sống thực vật.

Liên Châu (ghi)

Hoàng Nhung

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/suc-khoe/khi-benh-nhan-tu-tiem-364451.html