Khi bê tông và xe cộ thống trị thủ đô trăm tuổi của Iran

Với gần 10 triệu người đang phải vật lộn hàng ngày trước tình trạng tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm không khí, cùng với sự lên ngôi của lối sống đô thị, Tehran đang thay đổi với tốc độ chóng mặt trước mắt các du khách và chính những cư dân của thủ đô Iran.

Lối sống đô thị thế chỗ truyền thống

Ùn tắc giao thông Tehran đã gây ra một hiện tượng xã hội vô cùng mới mẻ đối với người dân thành phố này. Những chiếc xe hơi đắt tiền của giới trẻ tràn ngập ở những cung đường tại các quận phía bắc của Tehran đã biến tình trạng tắc đường trở thành dịp để các thanh niên giao lưu.

Để tránh gây sự chú ý của lực lượng cảnh sát đạo đức Hồi giáo, các nhóm thanh niên cả nam và nữ sẽ lái những chiếc xe riêng biệt xung quanh, kéo nhau vào các xa lộ tắc nghẽn để họ có thể tán tỉnh và trao đổi số điện thoại qua cửa kính xe.

Đây chỉ là một trong những dấu hiệu của sự chống đối của giới trẻ chống lại các quy tắc đạo đức hà khắc tại Iran, và một dấu hiệu cho thấy thủ đô Tehran có thể đang dần trở nên năng động hơn. Trong công viên Ab-o-Atash, một cô gái tuổi teen mặc quần jean bó sát và trượt patin và tự do bỏ khan trùm đầu khi đi qua một nhóm con trai khác. Gần đó, một cuộn băng âm nhạc tôn giáo bị nhấn chìm bởi tiếng nhạc phương Tây từ những nơi thanh niên tụ tập. Nhiều gia đình tụ tập chụp ảnh sel-fie, trong khi một nhóm phụ nữ trùm khăn kín người bước vội vào nhà thờ Hồi giáo.

“Chúng tôi chưa bao giờ được sống ở một không gian như này trong quá khứ. Ngay cả vài năm trước, những cảnh tượng như thế này là không thể tưởng tượng được”, một nữ du khách trung tuổi cùng em gái đến từ Canada cho biết, cả hai người đều từng sống ở Iran vào 20 năm trước.

Những khung cảnh hiện tại khiến nhiều du khách bất ngờ khi nghĩ tới Teheran - một nơi mà luật Hồi giáo vẫn cấm phụ nữ đi xe đạp. Trên cây cầu dành cho người đi bộ Tabiat mới xây, các cặp đôi trẻ ngồi cùng nhau tay trong tay, trong khi những cô gái khác dường như đã bỏ quên khăn trùm đầu của mình.

“Nếu chúng tôi bị bắt gặp đi chơi cùng một người đàn ông ngoài đường, chúng tôi sẽ bị buộc phải cưới người đó”, một trong hai người chị em đến Canada chia sẻ.

Khung cảnh tự do này hóa ra lại cân bằng một cách bấp bênh. Năm 2011, một vài năm sau khi công viên Ab-o-Atash mở cửa, 10 người đã bị cảnh sát đạo đức bắt giữ sau khi tổ chức trò chơi súng nước tại khu vực đài phun nước. Hai năm trước, chính quyền Tehran đã bổ sung 7.000 cảnh sát đạo đức nhằm giám sát các quy tắc nghiêm ngặt của đạo Hồi, từ khăn trùm đầu và trang phục của phụ nữ, đến kiểu tóc và dây chuyền của nam giới.

Chính quyền thành phố Tehran hiện đang phải đối mặt với một cuộc đấu tranh khó khăn do tình trạng đô thị hóa và bùng nổ dân số, các yếu tố biến thủ đô của Iran trở thành một thành phố bị thống trị bởi bê tông và xe cộ. Từ cây cầu đi bộ Tabiat luôn đông người đến đường cao tốc 8 làn xe chạy dọc qua một đám sương mù dày đặc. Cần cẩu kéo dài đến tận đường chân trời, tạo ra những tòa tháp bê tông che lấp các ngọn đồi xanh.

Tehran hiện hiện có khoảng 8.4 triệu người sinh sống ở vùng nội đô, kết hợp với hơn 14 triệu người ở khu vực đô thị Tehran bao quanh, khiến nơi đây trở thành thành phố đông dân nhất Tây Á. Những con số này khiến Tehran gia nhập hàng ngũ các siêu đô thị toàn cầu vào năm 2035, theo dự báo từ Liên Hợp Quốc.

Nhưng Tehran lại đang bên bờ vực bấp bênh hơn bao giờ hết. Với mức độ tắc nghẽn giao thông thuộc hàng cao nhất thế giới, tình trạng ô nhiễm không khí, thiếu nước, sụt lún đất và chi phí sinh hoạt đắt đỏ, thì tình trạng giới trẻ xem nhẹ những quy tắc đạo đức truyền thống không còn được chính quyền quá lưu tâm.

Chính sách xây dựng bừa bãi

Bị kẹt xe trên một trong những xa lộ vô tận của Tehran, nhiều du khách có thể cảm nhận Tehran như một bản sao của thành phố Los Angeles thuộc miền Tây nước Mỹ với những tòa cao ốc bủa vây xung quanh. Sự tương đồng này không phải là ngẫu nhiên: cấu trúc đô thị hiện đại của Tehtan được thiết kế bởi một kiến trúc sư người Mỹ - Victor Gruen.

Vị kiến trúc sư tiên phong trong các thiết kế trung tâm thương mại đã được chính phủ Iran thuê vào năm 1966 để lên kế hoạch tổng thể cho quy hoạch tương lai của thủ đô để vẽ ra một mạng lưới đường cao tốc xuyên qua các khu vực với địa hình nhấp nhô, nối mạng lưới các khu dân cư bị phân tán bởi các thung lũng xanh tươi.

Đây chỉ là một phần của làn sóng các dự án do chính phủ Mỹ hỗ trợ cho Vương triều Pahlavi trong quá khứ. Sau khi cuộc Cách mạng Hồi giáo nổ ra vào năm 1979, chính quyền mới đã muốn lật đổ mọi di sản của nhà Pahlavi, trong đó có bản thiết kế quy hoạch thủ đô Tehran. Tuy nhiên, bản kế hoạch mới đã không được chính quyền thành phố thông qua, do đó thiết kế của kiến trúc sư Gruen vẫn được bảo lưu, tuy nhiên nhiều chi tiết chính trong bản kế hoạch này đã bị xóa bỏ.

Ý tưởng về giai đoạn phát triển dần trong 5 năm đã bị bỏ qua để hỗ trợ việc mở rộng ranh giới thành phố đến giới hạn cuối cùng của nó trong một lần, cho phép nhiều vùng đất được phát triển nhanh hơn để đối phó trước tình trạng gia tăng dân số đột ngột. Từ năm 1976 đến 1982, dân số Teheran đã mọc lên như nấm khi 3 triệu người từ các vùng nông thôn định cư tại thủ đô nhằm tránh các khu vực chiến sự khi cuộc chiến tranh Iran-Iraq nổ ra. Ngoài ra, làn sóng di cư vào các vùng nội đô tại Tehran ngày càng lớn, chiếm tới 88% sự gia tăng dân số của Tehran trong vòng 5 năm.

Việc mở rộng thành phố cũng đã đem lại một số lợi ích kinh tế cho Tehran. Trong những năm sau cách mạng, các quan chức thành phố đã nhận một khoản phí để cho phép các doanh nghiệp và nhà phát triển bất động sản vi phạm các giới hạn mật độ được quy định trong bản quy hoạch tổng thể của Gruen.

Luật quy hoạch đã bị bẻ cong và giấy phép xây dựng được ban hành bừa bãi. Các khoản lợi nhuận thu được sau đó được đầu tư vào các dự án phát triển đô thị lớn, từ đó làm tăng giá trị của bất động sản. Hình thức đô thị của Tehran được xây dựng xung quanh một hệ thống hối lộ được thể chế hóa, vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay.

Ông Masoud Taghavi - cựu biên tập viên của tạp chí kiến trúc Iran Hamshahri Memari, cho biết bất cứ ai cũng có thể trả tiền phạt và tiếp tục xây dựng một tòa nhà cao tầng.

“Có một số quy hoạch, nhưng trong hầu hết các trường hợp, chúng đã bị bỏ qua. Chúng ta có thể thấy những con đường cao tốc, những tòa nhà cao tầng, những trung tâm thương mại ở nơi chúng vốn không nên được xây”, ông Taghavi cho biết.

Tình trạng này đã dẫn đến một hình thức xây dựng chung cư giống hệt nhau, với các lô được lấp đầy đến giới hạn và bị chèn ép để tối đa hóa diện tích sàn có thể bán được. Hầu hết được thiết kế nhà không có sân thượng hoặc ban công và với không gian mở tối thiểu xung quanh.

Chính sách xây dựng bừa bãi này cũng đã chứng kiến sự phát triển của các tòa nhà thương mại khổng lồ và ít quan tâm đến tác động rộng thực sự của chúng. Là chủ tịch ủy ban y tế và môi trường của hội đồng thành phố Tehran, ông Mohammad Haqqani, nói rằng: “Chính quyền Tehran đang cấp giấy phép cho hầu hết các doanh nghiệp muốn xây dựng trung tâm thương mại và tòa nhà văn phòng, mà không chú ý đến nhu cầu thực sự của từng quận và tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày càng tồi tệ ở nội đô”.

Sau khi một loạt các trung tâm thương mại cao cấp mọc lên, một quận ở phía bắc Tehran cuối cùng đã ra quyết định cấm xây dựng vào năm ngoái, nhưng điều này là quá muộn.

Những dự án xây dựng phản tác dụng

Nhiều người dân đều biết tới Mohammad Bagher Ghalibaf – cựu thị trưởng của Tehran từ năm 2005 đến 2017. Ông đã chủ trì một loạt các dự án ấn tượng giới thiệu một hình ảnh bóng bẩy về tính hiện đại, nhưng không cho thấy sự hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề của thành phố.

Việc mở rộng đường cao tốc Sadr là một trong những thành tựu được công bố rộng rãi nhất của ông Ghalibaf, một con đường cao tốc bê tông 2 tầng dài gần 5km được dựng lên ở phía đông bắc của thủ đô. Tuy nhiên, dự án này nhanh chóng vấp phải những lời chỉ trích do chi phí xây dựng đắt đỏ, cùng với việc chỉ góp phần làm trầm trọng thêm trình trạng tắc đường

Các thành viên của hội đồng thành phố Tehran thừa nhận vào năm ngoái rằng đã không được nghiên cứu kỹ dự án trước khi bắt đầu xây dựng, khiến con đường cao tốc hào nhoáng này không phát huy tác dụng như mong đợi.

“Đây là một dự án thảm họa”, kiến trúc sư và chuyên gia nhà ở đô thị Ahmadreza Hakiminejad, nhận định. “Nó đã được ca ngợi như là một cách để giảm tắc đường ở Tehran, nhưng nó cho kết quả ngược lại. Xây thêm đường chỉ để có thêm chỗ được lấp đầy bởi những chiếc xe, càng nhiều xe trên đường thì càng gây ra tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm không khí”.

Tất cả các trường học ở thủ đô Iran đã buộc phải đóng cửa một ngày vào năm ngoái do mức độ nguy hiểm của các hạt độc hại trong không khí. Ô nhiễm không khí đã gây ra 20.000 ca tử vong hàng năm, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Iran Alireza Raeisi, thống kê này thậm chí đã khiến Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei đưa ra đề xuất cấm xe cộ lưu thông trên đường phố khi mức độ ô nhiễm ở ngưỡng đáng báo động.

Tuy nhiên, chính quyền thành phố Tehran lại không cố gắng khắc phục những vấn đề sống còn đối với người dân thủ đô mà chỉ tập trung cải tạo mỹ quan đô thị, điều nhiều người cho rằng là không cần thiết.

Kiến trúc sư Hakiminejad nói rằng chiến dịch chỉnh trang mỹ quan và công trình đường cao tốc Sadr chỉ là hai trong số vô số các dự án sai lầm được thực hiện trong thập kỷ qua, cùng với các chính sách đã tàn phá các không gian xanh của thủ đô.

Trong vòng một thập kỷ qua, khoảng 4.000 hécta vườn trước đây của Tehran đã bị phá hủy nhằm xây dựng những cao ốc mang phong cách “tháp vườn”.

Một dự án khác, đó là xây dựng đô thị vệ tinh xung quanh hồ nhân tạo Chitgar ở phía tây bắc của Tehran, cũng đã phản tác dụng. Hồ nước này được cho là đã bị gây chuyển hướng dòng nước rất thiết yếu từ thành phố, trong khi các lô đất xung quanh đã bị bán tháo, từ đó mọc ra các tòa tháp và trung tâm thương mại, trong khi đó các cơ sở hạ tầng cần thiết khác như trường học lại rất ít được đầu tư xây dựng.

Chitgar là một trong một số đô thị vệ tinh mới được lên kế hoạch trên cả nước nhằm giảm bớt áp lực cho thủ đô Tehran. Năm ngoái, chính phủ Iran tuyên bố sẽ xây dựng 11 đô thị mới vào năm 2041, một tuyên bố khiến nhiều người nghi ngờ về tính khả thi khi hầu hết các đô thị được xây dựng sau năm 1979 vẫn còn hết sức hoang vắng. Tổng cộng có 17 đô thị vệ tinh được xây dựng ở ngoại ô 8 thành phố lớn nhất Iran trong thập niên 80-90 của thế kỷ trước, nhưng hầu hết vẫn không có người ở, khi tỷ lệ lấp đầy chưa tới 80%.

Và cứ thế, người dân khắp nơi vẫn tiếp tục đổ về Tehran. Hiệp hội Khoa học Kinh tế Đô thị Iran ước tính rằng dân số thành phố hiện tại đã vượt quá khả năng của nó ở mức hơn 70% - có nghĩa là chỉ có 2,3 triệu trong tổng số 8 triệu dân có mức sống đầy đủ. Do không hề có cải cách hệ thống quy hoạch, đầu tư thực sự vào hạ tầng giao thông công cộng và văn hóa “đổi tiền lấy nhà cao tầng”, thống kê trên có rất ít cơ hội để cải thiện.

Huy Vũ

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/the-gioi/khi-be-tong-va-xe-co-thong-tri-thu-do-tram-tuoi-cua-iran-147639.html