Khi bầu Đức 'từ bỏ'…

Bầu Đức một lần nữa đã khiến cả làng bóng đá xôn xao khi tuyên bố trước báo chí rằng sẽ từ bỏ bóng đá nếu ông Trần Anh Tú trúng cử chức Phó Chủ tịch VFF khóa VIII. Hai chữ 'từ bỏ' ấy càng khiến người ta ngao ngán về một nền bóng đá trong thời loạn.

Năm 2007, từ lời khuyên của HLV Wenger, bầu Đức đã từ bỏ đi 5 ha cao su để xây học viện bóng đá. Đấy được xem là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp làm bóng đá của ông bầu phố Núi.Học viện HAGL - Arsenal – JMG ra đời và 10 năm sau đã cho quả ngọt bằng lứa cầu thủ tài năng với những Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn…

Đó là lứa cầu thủ đã từng tạo ta cơn sốt trong màu áo U19 Việt Nam cách đây 4 năm. Và đấy cũng là lứa cầu thủ đã góp công lớn vào chiến tích lịch sử của U23 Việt Nam tại giải U23 Châu Á 2018.Công của bầu Đức là điều đã được người hâm mộ ghi nhận.Và cho đến thời điểm hiện tại, nhiều người từng hoài nghi về quyết định từ bỏ cao su xây học viện bóng đá của bầu đã thấy được tầm nhìn bóng đá của một doanh nhân.

Và cũng vì lứa cầu thủ khóa 1 Học viện HAGL đầy tài năng và hứa hẹn ấy đã khiến bầu Đức đi đến một quyết định từ bỏ khác. Đấy là việc HAGLchia tay nhiều cầu thủ ngoại binh và công thần để dọn chỗ cho các cầu thủ trẻ ở tuổi 19 tại đôi 1 tham dự sân chơi V.League 2015.

Quyết định từ bỏ và xây mới lực lượng ấy đã khiến HAGL thời điểm ấy trở thành đội bóng có tuổi đời trẻ nhất V.League và phần nào bị chín ép.Và sự từ bỏ ấy đã khiến bầu Đức phải trả giá.Mùa giải năm ấy, HAGL nhận kết quả bết bát và chật vật với cuộc đua trụ hạng. Nguyên nhân đã được chỉ ra do các cầu thủ còn non kinh nghiệm và chưa đến độ chín ở sân chơi V.League.

Nhưng nguyên nhân chính dẫn đến thất bại là việc các cầu thủ được sử dụng ồ ạt cùng một thời điểm mà không có sự đan xen, kế thừa với các thế hệ đàn anh như nhiều đội bóng khác.Tuy vậy, quyết định ấy của bầu Đức cũng mang lại một số điểm sáng, đặc biệt là việc giúp các cầu thủ trẻ có cơ hội trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm ở sân chơi V.League.

Bầu Đức đang đứng trước quyết định từ bỏ làm bóng đá. Ảnh: H.A.

Khi hậu thuẫn đưa HLV Hữu Thắng lên dẫn dắt ĐTQG và U23 Việt Nam thay thế HLV Miura, bầu Đức cũng đã đánh một “canh bạc” với cả làng bóng và người hâm mộ. Và rồi chính ông đã đưa ra tuyên bố rằng nếu U22 Việt Nam không vô địch SEA Games 29, ông sẽ từ chức.

Đến khi U22 Việt Nam thảm bại trên đất Malaysia, HLV Hữu Thắng từ chức, sau đó bầu Đức cũng giữ “lời hứa” từ chức Phó Chủ tịch VFF. Đấy là sự từ bỏ không khiến nhiều người bất ngờ. Bởi lẽ, dẫu không có sự thất bại của U22 Việt Namkỳ SEA Games ấy thì trước sau bầu Đức cũng rút.

Bởi lẽ, như nhiều lần ông nói thì công việc kinh doanh không cho phép ông thường xuyên tham dự các cuộc họp cũng như quán xuyến trực tiếp công việc ở VFF. Bên cạnh đó, việc ông đang sở hữu một đội bóng ở sân chơi V.League khiến chuyện làm “quan” ở VFF sẽ bị bàn tán.

Thế nhưng, cái quyết định từ bỏ ấy của bầu Đức tại Hội nghị BCH VFF lần thứ 11 đã không được thông qua, bởi các ủy viên biểu quyết không đồng ý để ông từ chức vào thời điểm hiện tại, chỉ đến khi hết nhiệm kỳ VII thì ông mới được rút lui. Thế là bầu Đức bất đắc dĩ phải ở lại.

Bây giờ, trước thềm Đại hội VFF khóa VIII, bầu Đức lại là tâm điểm của sự chú ý khi ông dọa từ bỏ hẳn bóng đá.Ông đã tuyên bố rằng nếu ông Trần Anh Tú trúng cử chức Phó Chủ tịch VFF khóa 8, ông sẽ bỏ bóng đá, không bao giờ làm nữa. Lý do được đưa ra là vì ông Trần Anh Tú hiện đang kiêm quá nhiều chức vụ.

Chính vì vậy nếu trúng cử thêm chức Phó Chủ tịch VFF quyền lực sẽ quá tập trung vào một người.Ông Đức đã khẳng định: “Tôi dám tuyên bố, việc này không giải quyết đến nơi đến chốn, tôi là người bỏ bóng đá trước, và sau đó sẽ nhiều người cùng bỏ. Tôi không chấp nhận ở lại một tổ chức mà mọi thứ bị thao túng”.

Sau tất cả những lần từ bỏ nhiều thứ vì bóng đá thì lần này ông đứng trước việc bỏ hẳn bóng đá.Đấy chắc chắn là điều bầu Đức không nói cho vui.Bởi lẽ, trên cương vị là một ông bầu lớn của làng bóng, một doanh nhân có tầm ảnh hưởng, ông không mang một chuyện như vậy ra chỉ để dọa.Đấy là điều mà nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi: Bầu Đức còn bỏ bóng đá thì ai còn muốn làm?

Bỏ qua những trò đấu đá, những hiềm khích cá nhân trước thềm Đại hội VIII của VFF, nhìn hai chữ “từ bỏ” mà bầu Đức tuyên bố khiến người ta không khỏi ngao ngán về thực trạng hiện tại của nền bóng đá đang rơi vào cảnh thời loạn. Chỉ tiếc thay, chúng ta thiếu một “anh hùng” dám đứng ra dẹp loạn.

“Xin đừng từ bỏ bóng đá”

Đấy là tựa đề tâm thư của ông Trần Anh Tú trước những phát ngôn của bầu Đức. Trong đó, bầu Tú chia sẻ: “Tôi đánh giá cao và trân trọng những gì mà anh Đoàn Nguyên Đức đã đóng góp cho bóng đá Việt Nam. Tôi tâm đắc với một câu nói mới đây của anh Đức đại ý rằng “bóng đá cũng chẳng có quyền lực gì với những người như chúng tôi đâu”.

Đúng như vậy, nhiều khi tôi tự hỏi, người hâm mộ ở bên cạnh chúng ta cùng những thành bại của bóng đá, nhưng có ai thực sự thấy được một nửa còn lại mà chúng ta vẫn phải đối mặt hàng ngày. Đó là sự khắc nghiệt của thương trường.

Anh Đức chắc có thể chia sẻ với tôi điều này. Trong sự lo toan thành bại lời lỗ của những doanh nghiệp gắn với cuộc sống của hàng nghìn con người, những chức tước quyền hành trong một lĩnh vực tay trái như bóng đá không có một ý nghĩa gì khác ngoài sự góp sức mình.

Chỉ những kẻ bất tài mới cố gắng vươn tới chức tước dù chẳng đóng góp được gì cho bóng đá. Đó mới là những kẻ đe dọa tới khả năng “từ bỏ” của chúng ta.

Nhưng tôi tin vào tương lai tốt đẹp hơn cho bóng đá Việt Nam đang ở phía trước. Đặc biệt là sau những thành công mang tính đột phá mà chúng ta đạt được trong vài năm trở lại đây. những đại biểu dự Đại hội của VFF sắp tới sẽ cảm nhận được ý nghĩa và trách nhiệm của lá phiếu mà họ nắm trong tay.

Anh Đức nên tin vào điều đó. Với riêng tôi, khi đã coi mọi cương vị là một sự đóng góp thì dù bất cứ kết quả nào, chỉ cần những nỗ lực của tôi còn được trân trọng tôi sẽ tiếp tục đóng góp cho bóng đá Việt Nam.

Một lần nữa với câu chuyện từ bỏ, nhiều người trong đó có tôi đã từng cảm thấy tiếc trong những lần trước khi anh Đức đề cập đến khả năng chia tay bóng đá. Điều đó may mắn vẫn chưa xảy ra, và tôi mong lần này cũng vậy. Vì bóng đá, theo tôi chỉ nên là phép cộng của những bàn tay đóng góp chứ không nên là phép trừ từ những khác biệt quan điểm của những người cùng mục đích”.

H.H

Hưng Hà

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-thao-24h/khi-bau-duc-tu-bo-483135/