Khi bạo lực giết chết hạnh phúc gia đình

Bạo lực gia đình thực sự đang xói mòn đạo đức xã hội, phá hủy nền tảng hạnh phúc nhiều gia đình. Và đáng tiếc là thực trạng này đang ngày càng có xu hướng gia tăng.

Ngày 27-8 vừa qua, một clip được phát tán trên mạng làm choáng váng cộng đồng. Người chồng có tên là Nguyễn Xuân Vinh, sinh năm 1987, được một số người gọi là “võ sư” đã có hành vi đấm đá, đạp, đánh đập vợ dã man. Nguy hiểm ở chỗ người vợ vừa mới sinh con được 2 tháng và trên tay thời điểm đó vẫn đang ôm con nhỏ.

Đây không phải là vụ bạo hành gia đình duy nhất khiến dư luận phẫn nộ trong thời gian gần đây. Trước đó cũng đã diễn ra không ít vụ việc khiến người xem phải rùng mình về mức độ tàn nhẫn của người chồng đánh vợ, trong nhiều hoàn cảnh và ở nhiều địa phương khác nhau.

Bạo lực gia đình thực sự đang xói mòn đạo đức xã hội, phá hủy nền tảng hạnh phúc nhiều gia đình. Và đáng tiếc là thực trạng này đang ngày càng có xu hướng gia tăng.

Khi yêu thương thay bằng bạo lực

Chỉ trong một tuần cuối tháng 8 vừa qua, 2 vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng đã được cộng đồng phát hiện. Ngoài vụ việc người chồng võ sư đánh dã man vợ mới sinh 2 tháng (Hà Nội), còn là vụ chồng là cán bộ kho bạc đã đánh vợ dã man ngay trước mặt con nhỏ tại Bắc Kạn.

Cũng trong tháng 8, một vụ việc đau lòng và có mức độ tàn tệ khác diễn ra ở Bình Thuận. Người chồng tên là Huỳnh Ngọc An đã đánh vợ đang mang thai đến mức “chết đi sống lại” nhiều lần.

Hình ảnh người phụ nữ ở Bình Thuận bị chồng đánh dã man khi đang mang thai khiến dư luận xót xa, phẫn nộ.

Hình ảnh người phụ nữ ở Bình Thuận bị chồng đánh dã man khi đang mang thai khiến dư luận xót xa, phẫn nộ.

Chị Lâm Thị Mến đã bị An (chồng chị) đánh vỡ nền sọ, gãy xương trụ, xương quay, xương mác cả hai tay, nhiều xương ngón tay cũng bị gãy. Hiện hai mắt chị Mến còn bị mờ do ảnh hưởng của những trận đòn dã man của người chồng. Công an tỉnh Bình Thuận đã khởi tố vụ án.

Năm ngoái, người chồng tên là Chu Quang Đạo chỉ vì muốn ly hôn đã ra tay tàn độc với vợ là chị H. Đạo cắt gân tay gân chân vợ, dùng chuôi dao đánh vào mắt vợ khiến chị H bị thương rất nghiêm trọng. Gây án xong, Đạo bỏ đi để người vợ nằm quằn quại trên đường. Sau đó, người dân đã phát hiện và đưa chị H đi cấp cứu.

Vụ Gia đình của Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch thống kê, trung bình mỗi năm có khoảng 31.500 vụ bạo lực gia đình. Có khoảng 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết rằng cuộc đời họ đã từng phải trải qua ít nhất một trong 3 loại bạo lực gồm: Thể xác, tình dục, tinh thần. Trên cả nước, bình quân mỗi ngày có 64 phụ nữ, 10 trẻ em và 7 người cao tuổi là nạn nhân bạo lực gia đình, cứ 2 đến 3 ngày lại có một vụ án mạng liên quan đến bạo lực gia đình. Điều đáng nói là, cấp độ nguy hiểm của các vụ việc đang có xu hướng gia tăng.

Dư luận xã hội gần đây thường xuyên phẫn nộ với hàng loạt vụ án mạng xuất phát từ bạo lực gia đình được các cơ quan chức năng phanh phui, xử lý. Kinh khủng và đáng buồn nhất chính là, những kẻ gây ra tội ác lại chính là người từng “đầu gối tay ấp” với nạn nhân.

Họ đến với nhau và lấy nhau vì cảm giác yêu thương, xây dựng gia đình hạnh phúc. Tuy nhiên, khi những mâu thuẫn xảy ra, họ đã không chọn yêu thương, đối thoại để xử lý mà thay vào đó, chọn bạo lực, sẵn sàng đánh đập dã man người chung nhà, chung giường với mình. Trong không ít trường hợp nạn nhân phải chịu ảnh hưởng rất nặng nề về sức khỏe tinh thần, thể xác, thậm chí là cái chết, vì bạo lực gia đình thường diễn ra âm thầm sau cánh cửa mỗi ngôi nhà, không dễ để phát hiện kịp thời.

Cộng đồng cần lên tiếng mạnh mẽ

Theo thống kê, có tới 1/3 số gia đình mỗi khi xảy ra vấn đề liên quan đến bạo lực thường không biết phải làm gì, có tới 25% các gia đình cho rằng bạo lực gia đình là việc riêng của hàng xóm, không nên can dự vào vì sợ phiền hà, liên lụy.

Tuy nhiên, nếu cộng đồng tiếp tục im lặng, hay dè dặt tiếng nói với nạn bạo hành gia đình thì sẽ tạo điều kiện cho các vụ việc leo thang và ngày càng bùng phát gây mất an ninh xã hội, làm băng hoại nền tảng đạo đức xã hội.

Tất nhiên vấn đề chính vẫn ở người trong cuộc. Nghĩa là các nạn nhân của bạo lực gia đình thay vì im lặng chịu đựng vì bị đe đọa, vì giữ sĩ diện, danh dự... cần phải kiên quyết đưa vụ việc ra ánh sáng để thay đổi cuộc sống của chính mình đồng thời không để chuyện bị hành hạ lặp lại trong tương lai.

Cái khó trong cuộc chiến chống lại bạo lực gia đình chính là việc người trong cuộc chấp nhận sống tủi nhục không lên tiếng. Bên cạnh việc tuyên truyền để những người yếm thế, là nạn nhân của bạo hành gia đình hiểu được quyền và trách nhiệm của mình, thì vấn đề sức mạnh cộng đồng đang được nhắc tới mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Theo đó, người “ngoài cuộc” khi phát hiện bạo lực gia đình phải có nghĩa vụ kịp thời báo tin cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực. Điều này đã được quy định tại khoản 1 Điều 18, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Ngay cả các nhân viên y tế, nhân viên tư vấn khi thực hiện nhiệm vụ của mình nếu phát hiện hành vi bạo lực gia đình có dấu hiệu tội phạm phải báo ngay cho người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người đứng đầu cơ sở để báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất.

Mọi công dân trong xã hội cần phải hiểu về quyền bất khả xâm phạm về thân thể của con người đã được quy định rõ trong Hiến pháp năm 2013; vi phạm pháp luật về Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới. Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã quy định về các tội liên quan đến cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc tội ngược đãi vợ, con với những hình phạt rất cụ thể...

Mỗi thành viên trong cộng đồng hãy thể hiện trách nhiệm công dân của mình đối với các vụ việc bạo lực gia đình. Ngay khi phát hiện một vụ việc, hãy đưa ra ánh sáng, để hệ thống pháp luật và hệ thống giám sát xã hội vào cuộc. Phải cực lực lên án hành vi bạo lực gia đình để cái ác không còn mầm mống phát triển.

Bên cạnh đó, hệ thống truyền thông, báo chí cần phải tích cực tuyên truyền thay đổi thái độ của người trong cuộc. Phần lớn vụ bạo lực gia đình hiện nay xuất phát từ tư tưởng bất bình đẳng giới, nghĩa là đàn ông được quyền đàn áp phụ nữ, được “dạy vợ”. Nhiều bà vợ vẫn còn suy nghĩ chấp nhận việc bị chồng “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”. Họ chịu đựng lâu sinh ra tâm lý bị khuất phục. Khi bị đánh họ chỉ muốn giải quyết vấn đề bằng cách “đóng cửa bảo nhau” chứ không muốn “vạch áo cho người xem lưng” bởi suy nghĩ lạc hậu “xấu chàng hổ ai”.

Hãy để toàn xã hội lên án và thực hiện các biện pháp giám sát những kẻ gây ra bạo lực gia đình. Hãy cởi bỏ tâm lý e dè, sợ hãi trong các thành viên gia đình. Nói không với bạo lực gia đình để mọi thành viên trong mọi gia đình được sống trong bình an, hạnh phúc. Những đứa trẻ khi không còn phải chứng kiến cảnh bạo lực trong gia đình, chúng sẽ được phát triển toàn diện về thể chất, trở thành những công dân tốt trong xã hội sau này.

Hải Xuân

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/hon-nhan-va-nhung-tieng-keu/khi-bao-luc-giet-chet-hanh-phuc-gia-dinh-560871/