Khi báo chí buộc mình đổi mới

Kỷ nguyên số 4.0 đã và đang tạo áp lực để mỗi nhà báo, mỗi cơ quan và loại hình báo chí phải khách quan, thẳng thắn nhìn nhận lại chính mình, nói như nhà báo Lê Quốc Minh- Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam: 'Internet buộc báo chí phải thay đổi mạnh mẽ'.

Bài liên quan

Sự thật và lẽ phải đang chờ ta lên tiếng

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - UVT.Ư Đảng, Tổng Giám đốc VOV: Không chỉ là tồn tại, phải phát triển, phải tốt hơn hôm qua

Chúng tôi định hướng tập trung vào bản sắc và chất lượng

Công nghệ phát triển tạo ra những thay đổi sâu rộng trên nhiều mặt đời sống kinh tế, xã hội khắp thế giới. Báo chí cũng không nằm ngoài vòng xoáy mãnh liệt này, với vô số những đổi thay, thậm chí có những thời điểm sự thay đổi diễn ra ở tốc độ chóng mặt mà nhiều người khi đã đi qua ngoái lại nhìn vẫn chưa hết sững sờ. Và tất nhiên, vòng xoáy tác động này chưa hề dừng lại.

1. Sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số hóa, internet, truyền thông số, mạng xã hội phát triển bùng nổ đã có tác động trực tiếp rất mạnh mẽ tới phương thức làm báo, truyền tin, tiếp cận thông tin… và tác nghiệp của nhà báo. Chưa bao giờ việc truyền phát thông tin, tiếp nhận thông tin lại nhanh chóng và dễ dàng như hiện nay. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, một tài khoản mạng xã hội bất cứ ai cũng trở thành người truyền phát thông tin, cập nhật thông tin mọi lúc, mọi nơi, từng giây, từng phút không giới hạn bởi địa giới hành chính hay lãnh thổ quốc gia.

Cách mạng 4.0 tạo ra một lớp công chúng tương thích của thời kỳ truyền thông số. Chẳng hạn, thay bằng tiếp cận với các tờ báo in, kênh phát thanh hay truyền hình thuần túy, công nghệ thực tại ảo (VR) và thực tại tăng cường (AV), hình thành “báo nhúng” trong đó, công chúng có thể tiếp nhận thông tin bằng cả cơ quan xúc giác và cảm xúc của mình, bởi họ như được tham gia chính vào thời điểm xảy ra sự kiện trong không gian ảo 3 chiều hay 4 chiều, nơi có thể tái hiện lại sự kiện, các nhân vật, âm thanh, tiếng động cũng được mô phỏng lại theo đúng ở hiện trường. Công nghệ cảm ứng, sự phát triển của hạ tầng viễn thông, công nghệ 3G, 4G phát triển, song song với nó là mạng xã hội thịnh hành, thân thiện với người dùng, làm tăng đột biến số công chúng tiếp cận với thông tin qua thiết bị thông minh.

Điều quan trọng là cách mạng công nghệ làm xuất hiện các dòng sản phẩm hàng hóa và thay đổi cả tiêu chí về sáng tạo nội dung báo chí, làm biến đổi giá trị nội dung báo chí đối với nhà quảng cáo. Những bài bình luận nghiêm túc nhưng dài dòng nay thiếu sức hút công chúng, thay vào đó là thông tin đồ họa và các loại hình sản phẩm báo chí đa phương tiện, chẳng hạn như các siêu tác phẩm số (mega-stories), các clip dạng live-stream trên mạng xã hội, hay các bản rap-news (bản tin rap)…

Khách hàng - công chúng, giá trị giáo dục, tư tưởng, giá trị kinh tế và giải trí của sản phẩm báo chí truyền thông cùng thay đổi tất yếu dẫn đến sự thay đổi của nhà sản xuất báo chí truyền thông. Các cơ quan báo chí, bộ phận truyền thông trong các tổ chức, các doanh nghiệp truyền thông buộc phải thay đổi quy trình sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh.

Sự phát triển ấy đã tạo ra thế giới phẳng, tạo ra biển thông tin đa dạng. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích, giá trị to lớn về nhiều mặt thì sự hỗn độn thông tin với nhiều thông tin xấu độc, thông tin giả đã và đang gây nên nhiều hệ lụy đối với xã hội. Sự phát triển ấy cũng đặt báo chí vào guồng quay cuộc đua thông tin, cạnh tranh khốc liệt. Trong cuộc đua ấy, bên cạnh một số tờ báo thích ứng nhanh với xu hướng mới, làm chủ công nghệ, tạo ra sản phẩm có chất lượng thì cũng xuất hiện nhiều tờ báo đã không còn giữ được những chức năng căn bản vốn có của báo chí; không giữ được những nguyên tắc tác nghiệp căn bản là đưa tin khách quan, công tâm không định kiến; đưa tin dựa trên chứng cứ và có sự kiểm chứng, không xâm phạm đời tư mà chạy theo mạng xã hội với những thông tin câu view tầm thường, với các trào lưu “sốc, sex, sến”, khai thác đời tư nghệ sỹ, khai thác thái quá mô tả quá chi tiết các vụ án rùng rợn, hay những chuyện mê tín dị đoan…

2. Bùng nổ kỹ thuật số với cuộc cách mạng khoa học 4.0, sự gia tăng đột biến những “lực lượng làm báo” phi truyền thống là sự thật nhưng thách thức luôn mở ra cơ hội, trở ngại luôn tạo nên động lực.

Hiện nay, nếu không có sự hỗ trợ của công nghệ thì một cơ quan báo chí chính thống cũng có thể thua kém một người dùng mạng xã hội về khả năng lan tỏa thông điệp, dù cùng sở hữu một lượng thông tin như nhau. Đó là nhận định mang tính đúc kết sau khi thế giới chứng kiến sự phát triển với tốc độ chóng mặt của mạng xã hội vốn có tính năng không khác gì một ấn phẩm báo chí đích thực, có khả năng tiếp cận bạn đọc rất nhanh nhờ sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại.

Thực tế, việc báo chí phải đối diện với sự cạnh tranh từ mạng xã hội đã không còn là điều xa lạ, đặc biệt là về hiệu ứng lan truyền thông tin. Công chúng sở hữu những phương tiện nghe, nhìn hiện đại, nhiều tính năng, đòi hỏi báo chí phải tìm cách thích ứng với thời cuộc để không bị bỏ lại phía sau. Nếu không tìm ra giải pháp đối mặt với thách thức, báo chí (kể cả báo điện tử) sẽ chỉ là sự lựa chọn thứ yếu so với những mạng xã hội có số lượng người sử dụng khổng lồ và có sức lan tỏa mạnh mẽ nhờ hoạt động liên tục, cập nhật thông tin 24/24 giờ.

Gần đây, người trong giới báo chí thường nhắc đến nhận định “Nội dung là vua, công nghệ là nữ hoàng”. Rõ ràng, chính những người làm báo đã nhận ra thách thức trong thời kỳ công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Ở mức độ nào đó, tất cả đều đang cố gắng thích ứng để không bị tụt hậu, tìm giải pháp để vươn lên.

Thách thức song hành với yêu cầu đổi mới, nhưng cũng tạo cơ hội cho các nhà báo Việt Nam. Hàng loạt động thái của các cơ quan báo chí trong thời gian qua đã cho thấy sự chuyển mình rõ rệt. Nhiều nơi coi mạng xã hội như một mảnh đất tốt để đưa các sản phẩm báo chí chính thống đến với người đọc, người xem. Những mặt trái của mạng xã hội, trong đó, rõ nhất là nạn đưa tin giả, tin chưa được kiểm chứng… tạo hiệu ứng tuyên truyền rất xấu, nhưng đó cũng là cơ hội để các tờ báo khẳng định được vị trí, giá trị của mình thông qua việc đưa ra những bài viết phản biện với cách kiến giải trung thực, chính xác, sâu sắc, kịp thời.

Đó là cơ hội tốt để các tác phẩm báo chí chính thống có thêm độc giả và có điều kiện phát triển, được người đọc, người xem, người nghe tin cậy tìm đến. Phải thay đổi để thích nghi với những biến chuyển về công nghệ làm báo, cách thức tiếp cận thông tin của công chúng báo chí. Tuy nhiên, vẫn có những giá trị phổ quát không bao giờ mất đi, không bao giờ suy giảm tầm quan trọng. Chỉ khi giữ được những giá trị đó thì báo chí cách mạng mới có thể biến thách thức thành cơ hội và tận dụng tối đa cơ hội đó để phát triển bền vững, bất kể đó là thách thức từ Cách mạng công nghiệp 4.0 hay những cuộc cách mạng kỹ thuật tiếp theo.

3. Áp lực đổi mới đang buộc các Tổng biên tập- những người cầm lái phải có bước đi thận trọng để giải quyết hài hòa câu chuyện làm báo và làm kinh tế báo chí. Thời điểm hiện tại, tự chủ trong báo chí không còn là xu hướng, mà đã trở thành kế hoạch cụ thể "nóng hổi" đối với từng cơ quan báo chí truyền thông.

Báo chí hiện nay đang tích cực triển khai Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Theo đó, toàn ngành sẽ sắp xếp và cơ cấu lại. Trong qua trình triển khai lộ trình này, ngoài những tờ báo có chức năng nhiệm vụ đặc thù cần phải được Nhà nước tiếp tục cấp ngân sách để hoạt động, còn lại hầu hết các tòa soạn đều có xu hướng bước ra tự chủ về tài chính.

Báo chí trước nay tồn tại 3 hình thức: được ngân sách Nhà nước bao cấp toàn bộ hoặc một phần; được cơ quan chủ quản bao cấp một phần, tự cân đối thu chi; và tự chủ hoàn toàn về tài chính. Đối với những cơ quan báo chí đã sớm tự chủ hoàn toàn về tài chính thì vẫn có thể trụ vững, có chăng họ sẽ điều chỉnh chiến lược phù hợp với bối cảnh mới. Tuy nhiên, đối với 2 hình thức tòa soạn còn lại muốn làm gì cũng sẽ phải đối mặt với bài toán “lấy ngân sách ở đâu để đầu tư?”.

Bước ra tự chủ đồng nghĩa với đơn vị báo chí cũng giống như doanh nghiệp, làm thế nào để có ngân sách vận hành bộ máy như: chi trả lương, thưởng, nhuận bút, văn phòng phẩm... Một điều khó hơn so với doanh nghiệp và cũng là khó nhất của báo chí bước ra tự chủ, đó chính là định hướng nội dung thông tin, bởi báo chí là công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân, vì thế không thể vì chuyện tăng doanh thu mà để bị cuốn vào cơn lốc “lá cải hóa”, xa rời tôn chỉ mục đích. Thông tin thế nào để vừa trung thực khách quan, đúng bản chất sự thật mà lại hấp dẫn, thu hút nhiều kiểu thị hiếu khác nhau của độc giả là một bài toán luôn đặt ra đối với mỗi tòa soạn, trước mỗi quyết định xuất bản một tin, bài.

Nhìn ở góc độ tích cực khi cơ quan báo chí hoạt động hoàn toàn tự chủ, cũng đồng nghĩa với việc các tòa soạn đã giảm được gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, tự tạo ra cơ sở vật chất đáp ứng tốt hơn nhu cầu hoạt động đặc thù của công việc; các ấn phẩm của tòa soạn được độc giả ưa thích, thị trường đón nhận. Vì lý do đó, các nhà báo hãy biến những áp lực tạm thời thành cơ hội, không ngừng nỗ lực cống hiến, giữ vững bản lĩnh chính trị nghề nghiệp, trau dồi đạo đức nhà báo để sáng tạo ra những tác phẩm nhân văn có giá trị thông tin tuyên truyền, phù hợp với nhu cầu thực sự của số đông độc giả. Đồng thời, tích cực tham gia phát huy các kỹ năng truyền thông, nhằm tạo ra những nguồn thu mới một cách hợp pháp, chính đáng, góp phần xây dựng tòa soạn với thương hiệu báo vững mạnh, góp phần vào công cuộc đổi mới phát triển của báo chí nước nhà.

4. Nhắc nhớ về sứ mệnh của báo chí, Bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã từng khẳng định: “Việt Nam muốn sánh vai cường quốc năm châu, muốn hùng cường để không kẻ thù nào dám đến xâm lược, để hòa bình mãi mãi trên mảnh đất này thì chúng ta phải khai phóng được nguồn tài nguyên vô hạn của đất nước này, đó là năng lượng, là trí tuệ trong não mỗi người Việt Nam. Chỉ có báo chí mới làm được, đó là tạo lên niềm tin và khát vọng dân tộc. Sứ mạng vĩ đại ấy đặt lên vai những người làm báo chúng ta. Cũng chỉ hơn 20.000 người thôi, nhưng các bạn có thể thay đổi Việt Nam. Với sứ mệnh thiêng liêng ấy trong tim, trong não, các bạn sẽ nghĩ khác và làm khác”.

Nhưng liệu báo chí có gánh được sứ mệnh ấy không khi ngày càng nhiều nhà báo chạy theo mạng xã hội, tình trạng làm báo copy, biến thông tin mạng xã hội thành bài báo thiếu kiểm chứng, chạy theo dư luận xã hội… Tình trạng làm báo bôi đen, đưa định kiến, cắt gọt câu từ theo ý cá nhân, chủ đích của tác giả để chỉ trích, bôi bác, khiến không ít người dân, doanh nghiệp, thậm chí là chính khách- nhân vật trong bài báo gặp vô số phiền toái.

Tình trạng phóng viên đếm tầng, "IS làng báo", tình trạng liên kết đánh hội đồng, chỉ nhăm nhăm đến các sai sót của doanh nghiệp, tổ chức, chính quyền… đã khiến hình ảnh nhà báo, báo chí bị méo mó; tình trạng báo hóa tạp chí, báo hóa các trang thông tin tổng hợp; tình trạng lẫn lộn, thậm chí khó phân biệt giữa các trang tin tổng hợp và các báo đã được nhiều trang, nhiều cá nhân lợi dụng để hoạt động như tòa soạn báo, viết giấy giới thiệu, làm thẻ phóng viên, nhũng nhiễu, gây phiền toái và trục lợi…

Sự phát triển lệch lạc, những tồn tại bất cập trên là thách thức thực sự làm giảm sút niềm tin của công chúng với báo chí. Hơn lúc nào hết việc củng cố và khởi dậy niềm tin của xã hội với báo chí cần được xác định và xem xét một cách thấu đáo. Trách nhiệm ấy phải bắt nguồn từ chính những người làm báo, chính mỗi tòa soạn báo chí. Nhận diện những tồn tại, thấy rõ những thách thức và nhìn thấu xu hướng phát triển, giải pháp, kế hoạch cho sự phát triển là trách nhiệm của mỗi tòa soạn báo nhưng cũng cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan hoạch định chính sách và quản lý báo chí.

Vòng xoáy công nghệ có lẽ chẳng bao giờ có điểm dừng. Báo chí bây giờ và trong tương lai vẫn sẽ từng ngày đối mặt với áp lực buộc mình đổi mới. Nhưng dù có ở nền tảng công nghệ nào, dù kỹ thuật làm báo có phát triển đến đâu, thì có những giá trị cốt lõi của báo chí cũng không thể mất và không được phép mất.

Báo chí ngay từ khi ra đời đã mang trong mình sứ mệnh cao cả là thông tin, phản ánh đúng sự thật. Vì vậy, sức mạnh của báo chí trước hết là ở sự thật, nằm trong sự thật. Không thông tin, phản ánh những gì sự thật vốn có, báo chí không còn lý do để tồn tại. Khi báo chí chủ động định hướng dư luận, tạo dựng “bệ đỡ tinh thần” cho công chúng có niềm tin tích cực, đồng thuận về tư tưởng và hành động, sẽ góp phần thúc đẩy xã hội phát triển tiến lên.

Điều này hoàn toàn có cơ sở vì thực tế đã cho thấy, hầu hết công chúng tìm đến báo chí là tìm đến thông tin, muốn cậy nhờ thông tin, hưởng thụ thông tin để mong muốn sống hữu ích hơn, học tập tốt hơn, lao động sản xuất hiệu quả hơn, được “tắm mình” trong “bầu khí quyển thông tin” trong lành, văn minh hơn.

Những người làm báo cần nhận thức thấu đáo vấn đề này để bảo đảm những thông tin mình đưa ra đủ sức lôi cuốn, hấp dẫn công chúng ở những điều nhân văn, tốt đẹp ấy. Thông tin báo chí đưa ra chính xác, kịp thời, bổ ích bao nhiêu sẽ mang lại sự hài lòng cho công chúng bấy nhiêu. Hay nói cách khác, chỉ số hài lòng của công chúng dành cho báo chí càng cao, thì chứng tỏ bản lĩnh chính trị, phẩm chất nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội của nhà báo càng lớn. Một khi nhà báo bền bỉ, thành tâm nuôi dưỡng niềm tin, ngày ngày tháng tháng- thông qua những tác phẩm báo chí tốt đẹp của mình- để gieo trồng niềm tin cho công chúng, vun đắp niềm tin cho xã hội, thì nhất định sẽ được công chúng và xã hội dành trọn tình cảm mến yêu và tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho báo chí hoạt động.

Kỷ nguyên số 4.0 cho phép những người làm báo cách mạng Việt Nam nhiều phương tiện, nhiều “vũ khí” hơn để thuận lợi hơn trong việc hoàn thành vai trò cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, diễn đàn rộng rãi của nhân dân. Kỷ nguyên số 4.0 cũng đồng thời tạo áp lực để mỗi nhà báo, mỗi cơ quan và loại hình báo chí phải khách quan, thẳng thắn nhìn nhận lại chính mình, xét lại ý chí, tri thức và nghị lực của mình, xét lại cái tâm của mình để đủ dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái xấu, để mỗi nhà báo, mỗi tờ báo thực sự là cột mốc vững chãi, đáng tin cậy giữa “biển sóng” thông tin trong đa chiều không gian.

Khánh An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khi-bao-chi-buoc-minh-doi-moi-post63420.html