Khi bài học bị lãng quên

Sản phẩm may mặc có nguồn gốc, nhãn mác Thái Lan trong hệ thống siêu thị Con Cưng vừa bị phát hiện có dấu hiệu thay thế bằng tên đại diện của thương hiệu là CF (tức Con Cưng Fashion). Cơ quan Quản lý thị trường tiếp tục kiểm tra đã phát hiện thêm những sản phẩm mỹ phẩm, thời trang dán nhãn nguồn gốc sai lệch hoặc mã số mã vạch không truy xuất được nguồn gốc...

Con Cưng- thương hiệu của chuỗi siêu thị phục vụ bà mẹ và em bé đang tự tạo “vết dầu loang” tiêu cực trong dư luận của cộng đồng người tiêu dùng cũng như trong các cơ quan quản lý. Trong khi cơ quan Quản lý thị trường cho biết sẽ mở rộng kiểm tra các cửa hàng của thương hiệu này sau khi kiểm tra phát hiện những sai phạm trong nhiều cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh. Song song đó, tâm lý bị tổn thương cũng không ngừng lan rộng trong cộng đồng người tiêu dùng.

Không bực bội sao được khi người tiêu dùng đã đặt trọn niềm tin vào một thương hiệu có uy tín, có quy mô kinh doanh rộng lớn nhưng kết quả là sản phẩm không đúng như thông tin trên sản phẩm. Mặc dù doanh nghiệp phản hồi lỗi sai về nhãn mác trên sản phẩm thời trang là lỗi kỹ thuật do không kiểm tra hết lô hàng nhưng người tiêu dùng chưa thể tin được, bởi ở nhiều sản phẩm khác cơ quan Quản lý thị trường cũng phát hiện sự mập mờ về nhãn mác như chữ xuất xứ có mực in rất dễ làm mờ, ở ngoài sản phẩm ghi “made in Thailand” nhưng trực tiếp trên sản phẩm không có dấu hiệu gì chứng minh hàng Thái... Cho dù sự thực chưa được cơ quan chức năng kết luận chính thức nhưng sự việc đã cho thấy dấu hiệu rõ ràng Con Cưng đã “treo đầu dê bán thịt chó”.

Điều đáng nói, hiện tượng làm ăn mập mờ ở một thương hiệu lớn và uy tín không phải là lần đầu. Cách đây chưa lâu, người tiêu dùng đã không khỏi phẫn nộ khi Khaisilk bị phanh phui việc gắn thương hiệu của mình vào khăn lụa Trung Quốc và phân phối với số lượng lớn, trong thời gian dài trong toàn chuỗi cửa hàng Khaisilk. Sau khi bị phát lộ, hệ thống cửa hàng này đã hoàn toàn bị khách hàng tẩy chay.

Bài học nhãn tiền của Khaisilk nhưng không được Con Cưng lấy làm kinh nghiệm. Nay dù do “lỗi kỹ thuật” hay do chủ ý thì những thiệt hại sẽ là không nhỏ khi người tiêu dùng đã mất niềm tin. Bài học có thể bị doanh nghiệp lãng quên nhưng người tiêu dùng thì luôn nhớ thương hiệu nào vì người tiêu dùng mà phục vụ để tồn tại bền vững và thương hiệu nào kinh doanh chỉ vì lợi nhuận trước mắt.

Hiệp Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/khi-bai-hoc-bi-lang-quen.aspx