Khi bác sĩ buộc phải làm công việc của 'tử thần'

Các nhân viên y tế Brazil đang sống trong ác mộng vì đại dịch Covid-19. Nhiều lúc họ buộc phải đưa ra lựa chọn giữ mạng cho bệnh nhân nào trong điều kiện thiếu thốn thiết bị y tế.

Liên tiếp phá vỡ các kỷ lục mới về số ca mắc và tử vong do Covid-19, khủng hoảng dịch bệnh tại Brazil đang khiến các nhân viên y tế suy sụp, theo CNN.

Một y tá ở São Paulo chia sẻ rằng anh buộc phải rút máy thở của một bệnh nhân Covid-19 lớn tuổi cho bệnh nhân mới, dẫu biết rằng đó là một bản án tử hình, nhưng họ không còn đủ thiết bị.

 Các nhân viên y tế ở Brazil phải gồng gánh trước sự quá tải bệnh nhân mắc Covid-19. Ảnh: CNBC.

Các nhân viên y tế ở Brazil phải gồng gánh trước sự quá tải bệnh nhân mắc Covid-19. Ảnh: CNBC.

Một nhân viên y tế khác kể lại rằng mình đã phải chạy đi bơm không khí vào phổi cho bệnh nhân Covid-19, khi nguồn cung cấp oxy của toàn bộ khu chăm sóc đặc biệt (ICU) đột ngột bị trục trặc, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh.

Luis: "Đây thực sự là một cuộc chiến quá bi thảm"

Luis Eduardo Pimentel, một nhân viên y tế tại Dịch vụ Cấp cứu Xe cứu thương của thành phố São Paulo xó xa chia sẻ về trải nghiệm của mình: "Nhận được cuộc gọi về sự cố thiết bị oxy vào ca trực của mình, tôi cấp tốc xử lý thậm chí còn không thay kịp đồ. Nguồn cung cấp oxy không truyền được tới bệnh nhân, nên tôi phải tranh giành oxy từ nơi khác đưa về đây".

Các trung tâm y tế ở Brazil thiếu thiết bị y tế trầm trọng. Ảnh: CNBC.

"Tôi đưa cho họ hai bình oxy có sẵn trong xe cấp cứu. Sau đó, tôi liên hệ với trụ sở chính để xem có xe cứu thương nào còn bình cho họ không. Nhưng vẫn không đủ. Vì vậy, một đoàn xe của chúng tôi đã đến bệnh viện khác để đi lấy thêm oxy. Chúng tôi gom thêm 8 bình oxy nữa, rồi khẩn trương lắp lại và đưa bệnh nhân ra ngoài".

"Sau đó, chúng tôi đã chuyển được một số bệnh nhân nhưng không may là đã có người tử vong. Chúng tôi mất mát quá nhiều, nhưng tôi không thể nói ra là bao nhiêu. Trước khi chúng tôi có thể bật bình oxy, các nhân viên đã bắt đầu thông khí cho các bệnh nhân bằng tay. Tôi rất biết ơn đội ngũ hôm đó, nỗ lực của họ đã cứu sống được nhiều người.

"Đây là một cuộc chiến thực sự bi thảm. Tôi là người từng mắc Covid-19 và suýt phải đặt nội khí quản. Vì vậy tôi thấy rất buồn với điều mình đang chứng kiến và không thể diễn tả nó. Thật đáng buồn vì những gì đang xảy ra với Brazil. Không ai biết chuyện gì đang xảy ra hay ai là người phải chịu trách nhiệm. Bạn không thể đổ lỗi cho ai cả, chúng ta phải học cách sống chung với virus".

"Tôi cũng từng mắc Covid-19, phải nhập viện và ảnh hưởng tới tận bây giờ. Nhưng công việc không cho phép tôi dừng lại nghỉ ngơi. Đã ba hoặc bốn tháng kể từ khi tôi trở lại với công việc nhưng vẫn còn rất đau, cả về thể xác và tinh thần khi thấy bệnh nhân phải chống chọi với dịch bệnh".

"Điều này xảy như như một chu trình lặp đi lặp lại: Đưa bệnh nhân đến bệnh viện rồi xe tang đến chở xác người khác. Những người nhìn từ bên ngoài không hiểu hoặc thậm chí không thể tưởng tượng được những gì chúng tôi đang trải qua".

"Ngày hôm đó, khi nguồn cung cấp oxy không thành công, tôi đã tắm ba lần. Tôi tắm hai lần trong ca làm việc và một lần sau ca trực để tôi có thể về nhà và ôm các con".

Y tá giấu tên: "Chúng tôi rất sợ hãi khi thấy một người bình thường bị căn bệnh cướp đi sinh mạng quá nhanh"

Một y tá chăm sóc trong khu vực khẩn cấp, yêu cầu giấu tên vì anh không được phép nói chuyện với giới truyền thông, đã kể lại câu chuyện của mình.

"Tôi làm việc trong phòng cấp cứu và phòng này có 7 giường. Tuần này có 14 bệnh nhân và 10 người được đặt nội khí quản. Chúng tôi đang cấp thuốc cho bệnh nhân trong hành lang vì không có chỗ nào khác cho họ nằm. Và cũng có những bệnh nhân khác ở hành lang chờ giường. Bất cứ khi nào một bệnh nhân cũ rời đi, thì đã có hai hoặc ba người khác đang chờ giường. Tình hình là thực sự khó khăn".

Không có đủ giường, bệnh nhân thậm chí còn phải ngồi ở ngoài hành lang. Ảnh: The New York Times.

"Tôi làm việc ở đây được 1 năm 4 tháng và chưa bao giờ trải qua điều gì như ngày hôm nay. Trong đợt dịch đầu tiên, chúng tôi được trang bị kỹ càng nên có thể xử lý được. Nhưng làn sóng thứ hai dường như khiến mọi người bất ngờ và tôi không biết tại sao.

Lần này xuất hiện những trường hợp vô lý và không chỉ người già, hoặc những người có bệnh nền, mà còn có nhiều người trẻ hơn, trong độ tuổi từ 28 đến 33 hoặc 40 tuổi, trong tình trạng nghiêm trọng và cần được đặt nội khí quản. Thật không may là nhiều người đã không thể qua khỏi. Hôm qua, một phụ nữ 30 tuổi đã tử vong trên đường tới khu cấp cứu. Chúng tôi rất sợ hãi khi thấy một người bình thường bị căn bệnh cướp đi sinh mạng quá nhanh.

Cũng có tình huống mà chúng tôi phải quyết định giữa hai tính mạng: Chúng tôi có một bệnh nhân đặt nội khí quản đã nằm trong ICU được 10 ngày với tiên lượng xấu, không có cơ hội khỏi bệnh và cũng có một bệnh nhân trẻ hơn, khỏe mạnh không mắc bệnh đi kèm.

Chúng tôi không có máy thở cho bệnh nhân trẻ tuổi. Vì vậy, giám đốc y tế đã phải rút nội khí quản của bệnh nhân lớn tuổi này để đặt nội khí quản cho bệnh nhân trẻ hơn. Đó là một việc làm khó khăn cho bác sĩ. Nhưng tất cả đều hiểu đây là phương án tối ưu.

Ai cũng biết rằng điều này đồng nghĩa rút đi cơ hội sống của bệnh nhân đó. Trong suốt ca trực của tôi, ông ấy vẫn còn sống, nhưng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra sau này".

Bảo Châu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khi-bac-si-buoc-phai-lam-cong-viec-cua-tu-than-post1200078.html