'Khi ác mộng này kết thúc, tôi sẽ làm cho bố một lễ tang đàng hoàng'

Đám tang của bệnh nhân chết vì dịch Covid-19 ở nhiều nước được giản lược hết mức có thể, thậm chí người thân đôi lúc còn không thể có mặt vì đang bị cách ly.

Cuộc đời dài của Alfredo Visioli, hưởng thọ 83 tuổi, kết thúc bằng một nghi lễ giản đơn tại nghĩa trang gần quê nhà Cremona. Ngay cả con gái ông cũng không được phép tới dự buổi lễ.

“Bố tôi được chôn cất mà không có đám tang và người thân bên cạnh”. Marta Manfredi, hiện không được ra khỏi nhà vì lệnh phong tỏa, cho biết. “Khi cơn ác mộng này kết thúc, tôi sẽ tổ chức một tang lễ tử tế cho ông”.

Những nơi chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 buộc phải bỏ qua các nghi lễ, phong tục phúng viếng người chết trước lo ngại lây lan dịch bệnh. Cách nhân loại đối mặt với cái chết đang trở nên thực tế hơn bao giờ hết: xử lý nhanh gọn để tránh lây nhiễm thay vì đáp ứng nhu cầu tinh thần cho người ở lại như lệ thường.

Nhiều người chết nhưng không có đám tang

Theo Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy, tính đến 20/3, nước này có tới 4.032 người chết và 41.035 người nhiễm Covid-19, trở thành quốc gia có nhiều ca tử vong nhất sau khi vượt qua số liệu của Trung Quốc – nơi khởi phát dịch.

Bergamo, thuộc vùng Lombardy, hiện ghi nhận số người chết tăng gấp 5 đến 6 lần so với bình thường. Hôm 18/3, quân đội Italy phải cử ít nhất nhất 15 xe tải quân sự để hỗ trợ địa phương này đưa 61 thi thể tới các khu vực lân cận. Dịch vụ mai táng nơi đây đang bị quá tải dù đã hoạt động hết công suất.

Giacomo Angeloni, một quản trang công cộng, cho biết: “Có rất ít thời gian để tổ chức mai táng cho người chết tại các thành phố bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 như Bergamo”.

Tình hình ở Iran cũng không khả quan hơn là bao khi thống kê cho thấy quốc gia này có 20.610 ca nhiễm và 1.556 ca tử vong do Covid-19. Các bệnh viện và nhà tang lễ liên tục tiếp nhận lượng lớn thi thể bệnh nhân trong khi chính quyền phải thuê người để đào thêm mộ.

Một quản trang ở thủ đô Tehran chia sẻ “Chúng tôi làm ngày làm đêm mà không hết việc. Tôi chưa bao giờ chứng kiến sự việc nào đáng buồn như thế này. Nhiều người được chôn cất nhưng họ không có đám tang, không được hành lễ rửa tội trong đạo Hồi".

Nhiều người dân Iran còn nghi ngờ chính quyền vội chôn thi thể người bệnh nhằm che giấu số liệu thực tế của đại dịch gây ra. Các nhà chức trách Iran đã bác bỏ cáo buộc che đậy thông tin trong khi đích thân Tổng thống Hassan Rouhani phát biểu trên truyền hình hôm 18/3 rằng chính phủ của ông “luôn trung thực và ngay thẳng với đất nước".

Nghi lễ phải đợi

 Nhân viên đeo khẩu trang khi chôn cất thi thể của một bệnh nhân tử vong do Covid-19 tại Bergamo, Italy. Ảnh: Reuters

Nhân viên đeo khẩu trang khi chôn cất thi thể của một bệnh nhân tử vong do Covid-19 tại Bergamo, Italy. Ảnh: Reuters

Mối lo ngại virus corona lây lan nhanh khiến nhiều quốc gia châu Á khuyến cáo người dân nên tạm hoãn các nghi thức tiễn đưa người chết cho đến khi hết dịch.

Ở Hàn Quốc, tang lễ thường bao gồm ăn uống và cầu nguyện tập thể trong nhiều ngày. Trên thực tế, nước này hồi tháng 2 từng phát hiện “ổ dịch” ở thành phố Daegu có liên quan chặt chẽ tới nhà thờ của giáo phái Tân Thiên Địa và một bệnh viện lân cận, nơi hàng loạt bệnh nhân cùng tham gia một lễ tang lớn trước đó.

Sau đợt bùng phát dịch ở Daegu, số lượng người đi phúng viếng giảm tới 90%, Reuters dẫn thông tin từ Tổng thư ký Hiệp Hội Tang lễ Hàn Quốc, ông Choi Min Ho. “Các lễ tang chỉ có vài người đi viếng. Họ nhanh chóng chia buồn rồi ra về thay vì ở lại ăn uống cùng gia chủ như thường lệ. Tiền viếng cũng được chuyển khoản thay vì trao tận tay”.

Trước đó, Vũ Hán (Trung Quốc) cũng sớm nhận thấy nguy cơ lây chéo virus corona tại các lễ tang nên đã yêu cầu tổ chức an táng tập thể tại một địa điểm duy nhất. Quy định này vẫn tiếp tục được áp dụng nghiêm dù diễn biến dịch bệnh đã suy giảm trong thời gian gần đây. “Các gia đình còn không được nhìn thi thể người đã khuất lần cuối”, một người làm nghề mai táng trả lời Reuters.

Trong khi đó, nhiều nước châu Âu còn ban hành cả hướng dẫn chi tiết về quy trình xử lý thi thể nhiễm bệnh.

Tây Ban Nha, quốc gia châu Âu chịu tác động nặng nề của Covid-19 chỉ sau Italy, ghi nhận 60 ca dương tính với virus chết người do tham dự chung một lễ tang ở thị trấn Victoria. Phát biểu về các lệnh hạn chế người dân ra ngoài, Thủ tướng Pedro Sanchez cho hay đại dịch “ác độc” này đang tước đi nhu cầu tương tác xã hội của nhân loại.

Tại Ireland, các đám tang dưới 100 người vẫn được phép tổ chức. Tuy nhiên, nhiều gia đình chỉ muốn cử hành lễ riêng tư và khuyến khích mọi người gửi lời chia buồn qua trang web trực tuyến chuyên chia sẻ cáo phó.

Cơ quan Quản lý An toàn và Sức Khỏe Ireland còn ban hành hướng dẫn bao gồm lời nhắc nhở “các gia đình không nên hôn người quá cố”. Tài liệu này cũng khuyến cáo nhân viên nhà xác phải đeo mặt nạ cho thi thể bệnh nhân phòng trường hợp “tiết ra lượng nhỏ không khí chứa virus ra khỏi phổi” và lây nhiễm cho người khác.

Đám tang của một bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Iran. Ảnh: AP

Dù Israel chưa có ca tử vong nào nhưng Bộ Y tế nước này cho biết thi thể nhiễm Covid-19 nên được bọc bằng hai lớp nhựa không thấm nước; người thực hiện các hoạt động chôn cất cần mang đồ bảo hộ đầy đủ.

Trong khi đó, Anh vẫn khá chậm trễ trong công tác ứng phó với dịch bệnh dù giới chuyên gia ước tính sẽ có khoảng hàng chục đến hàng trăm ngàn người Anh tử vong vì đại dịch. Nước này mới đưa ra một dự luật khẩn cấp để chống dịch nhưng không mấy thành công.

Dự luật mà chính phủ tin sẽ “hợp lý hóa công tác quản lý” bao gồm biện pháp “cho phép các đơn vị mai táng báo tử thay cho gia đình bị cách ly.” Deborah Smith, phát ngôn viên của Hiệp hội Tang lễ Quốc gia, cho hay dự luật giúp “người chết được thu xếp an nghỉ chu đáo ngay cả khi gia quyến không thể trực tiếp tham gia”.

Giá trị tinh thần thời dịch

Roberta Caprini, một người cung cấp dịch vụ tang lễ ở Bergamo (Italy), miêu tả cảm xúc của các gia đình có người chết vì dịch bệnh. Đó là “một sự tra tấn” đối với họ khi không bao giờ được thấy lại người thân sau khi ra khỏi bệnh viện. “Nhiều khi, chúng tôi phải lái xe tới chỗ gia đình bệnh nhân để họ có thể nhanh chóng nhìn người thân lần cuối”.

“Không được tổ chức tang lễ khiến con người chẳng biết tìm đến đâu để thể hiện lòng tiếc thương vô hạn với người đã khuất", Andy Langford, người đứng đầu quỹ từ thiện Cruse Bereavement Care cho biết. “Đám tang là nơi người ta tụ họp để cùng chia sẻ cảm xúc và động viên nhau vượt qua nỗi mất mát".

Nhiều công ty mai táng đã cung cấp lễ tang trực tuyến để các gia đình xem thầy tu làm lễ và chôn cất bệnh nhân. Tuy nhiên, nói lời từ biệt như vậy sẽ không bao giờ là đủ.

Uyên Uyên

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/khi-ac-mong-nay-ket-thuc-toi-se-lam-cho-bo-mot-le-tang-dang-hoang-post1062549.html