'Khét lẹt' nghề 'vá áo' xe máy

ANTĐ Yếm xe bị vỡ, đuôi xe bị mọt, thủng… đưa đến đây chừng nửa buổi, là lại trông như mới.

Hải tỉ mẩn ngồi vá đồ nhựa của một chiếc xe

Hải tỉ mẩn ngồi vá đồ nhựa của một chiếc xe

Không rõ từ bao giờ, nhưng chí ít cũng phải gần 20 năm, phố Hoàng Hoa Thám- đoạn gần Bệnh viện Lao & Phổi Trung ương- bỗng mọc lên một dãy chừng chục cửa hàng, chuyên nghề “vá áo” xe máy. Nói cụ thể hơn, những cửa hàng nơi đây chuyên sơn- gò- hàn các bộ phận dễ bị hư hỏng do va đập hay trải qua thời gian sẽ xuống cấp của xe máy như: vỏ nhựa, phần đuôi và ống xả (pô xe). Cao cấp hơn, những chiếc xe máy bị tai nạn, biến dạng khung càng, đưa tới đây cũng sẽ được phục hồi.

Thực ra nghề “vá áo” xe máy khởi phát tại Hà Nội ban đầu là ở phố Hàng Tre (đoạn từ ngã tư Hàng Mắm kéo đến ngã tư Lò Sũ). Từ những thập niên 70-80 của thế kỷ trước, phố này đã đầy rẫy các cửa hàng chuyên hàn đồ nhựa cho xe máy. Trải qua năm tháng thăng trầm, giờ đây các cửa hàng trên con phố này đã chuyển thành kinh doanh đồ nội thất, phụ kiện dành cho ô tô. Nghề “vá áo” xe máy lưu lạc rải rác sang những phố khác, xa hơn như: Trần Phú, Hoàng Hoa Thám, Phủ Doãn, Chùa Bộc…

Hàn pô xe bị thủng và đuôi xe bị mọt là "chuyên ngành chính" của các cửa hàng nơi đây

Có khoảng hơn 10 cửa hàng chuyên nghề "vá áo" xe máy trên phố Hoàng Hoa Thám

Một buổi trưa hiếm hoi có nắng, đầu tháng Tư, Hải và chị ngồi ngáp vặt, ngóng khách trong cái cửa hàng xập xệ rộng chừng hơn chục m2 của mình. Treo móc lủng lẳng xung quanh cái khoảng không gian chật hẹp ấy, nào là yếm- mặt “bàn thờ”- cốp- sườn…toàn là đồ nhựa của xe máy, các loại. Điểm xuyết vào đấy là 2 cái bình ô-xy to tướng phục vụ cho công tác hàn xì và cả một cái bếp than tổ ong.

Có khách, người đàn ông trung niên đi chiếc Honda Dream xịch đến. Xe vừa dừng, Hải liếc mắt đã phát hiện ra đoạn rách dài chừng 20cm ở yếm trái. Cậu mở nắp cái bếp than tổ ong, cắm vào đó vài ba chiếc mỏ hàn bằng sắt tự chế. Trong lúc đợi mỏ hàn nóng, Hùng cắt lấy một thanh nhựa mảnh, màu trắng, dài đúng bằng đoạn rách. Công đoạn tiếp theo, Hùng khéo léo tạo một cái rãnh chữ V trên yếm xe của khách, để đặt vừa thanh nhựa nói trên. Lúc này, mấy cái mỏ hàn đã nóng lên, Hùng bắt đầu đặt thanh nhựa vào rãnh chữ V và miết mỏ hàn. Do cùng loại nhựa, nên mỏ hàn miết đến đâu, thanh nhựa vá “chết” chặt vào tới đó.

Từ biển hiệu cửa hàng của chị em Hùng, nhìn sang các đồng nghiệp đối diện
phía bên kia đường

Mùi nhựa công nghiệp lúc này bốc lên nồng nặc, quện với mùi bếp than tổ ong, khét lẹt. Chị em Hùng đã quá quen, thậm chí “miễn nhiễm” với cái mùi này, nên cứ điềm nhiên mà làm một cách tỉ mẩn. Xong công đoạn hàn là đánh giấy ráp, rồi phun sơn và đánh bóng lại bằng xi ca-na. Tất cả diễn ra trong vòng nửa giờ đồng hồ, cái yếm xe bị rách lại trông như mới, tiền công là 50 nghìn đồng.

Những thứ đồ nghể lỉnh kỉnh trong cửa hàng của chị em Hùng

Cửa hàng cắt tóc- gội đầu nằm kẹt giữa 2 cửa hàng "vá áo" xe máy

Ngay bên cạnh cửa hàng của chị em Hùng là một cửa hàng cắt tóc- gội đầu, rồi lại đến một cửa hàng “vá áo” xe máy khác. Thành ra, cửa hàng tóc bị kẹt ở giữa. Huệ, nhân viên cửa hàng tóc chun mũi: “Mùi này khó chịu lắm, suốt ngày. Nhưng chẳng biết làm thế nào, ai cũng vì “cơm áo gạo tiền” cả. Khó chịu thật đấy, nhưng mình có quyền gì cấm người ta?”. Chỉ tay sang phía đối diện, nơi có đến 6-7 cửa hàng “vá áo” xe máy khác, cô thợ tóc hất hàm: “Đấy là hôm nay còn chưa hàn xì xoe xóe như thế kia kìa, rồi gõ đập, chan chát cả ngày”. Cũng may, khách đến cửa hàng tóc của Huệ toàn người quen, nên chưa đến nỗi vì mùi vá yếm nhựa mà mất khách.

Ông khách đi rồi, Hùng lại đậy nắp bếp than tổ ong, vác ghế ra cửa ngồi, nhắn tin toay toáy. Cậu còn trẻ, nhưng lo gì đến chuyện tương lai, còn nghề thì còn sống. Chí ít là các hãng vẫn bán ra xe máy mới ầm ầm. Chừng dăm bảy năm nữa, đuôi xe mới mọt, pô xe mới thủng… khách lại tìm đến những cửa hàng “vá áo” xe như của cậu.

(* Tên nhân vật đã được thay đổi)

Cao Minh

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/phong-su/khet-let-nghe-va-ao-xe-may/442133.antd