Khen thưởng ê kíp y bác sĩ cứu sống bệnh nhân ngừng tim đột ngột

Ban Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TP.Cần Thơ vừa khen thưởng đột xuất ê kíp cứu sống thành công 1 bệnh nhân ngưng tim đột ngột trong đêm, gồm ThS.BS. Trần Văn Đăng, BS. Lê Thị Kim Hồng... và một số điều dưỡng.

Ê kíp y bác sĩ được Giám đốc Bệnh viện (áo hồng) khen thưởng đột xuất - Ảnh: Nguyễn Hồ

Vào khuya 12.6.2018, 1 thân nhân của người bệnh đang điều trị tại bệnh viện, bất ngờ bị ngừng tim. Ngay lập tức, ê kíp các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản TP.Cần Thơ đưa vào cấp cứu, tái lập tuần hoàn trước khi chuyển tuyến để không mất đi “cơ hội vàng” điều trị.

Bệnh nhân là anh Nguyễn Văn N. (45 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long). Ngay khi tiếp nhận, ê kíp Hồi sức cấp cứu đã nhanh chóng tiếp cận, thăm khám bệnh nhân trong tình trạng thở ngáp cá, mạch nhanh nhẹ khó bắt, huyết áp khó đo.

Nhận định đây là trường hợp cấp cứu tối khẩn về ngừng tuần hoàn hô hấp, ê kíp tiếp tục hồi sức tim phổi (CPR), bóp bóng và đặt ống nội khí quản, gắn các thiết bị theo dõi: nhịp tim, huyết áp, SpO2, chuẩn bị máy sốc điện và sử dụng Adrenaline đã giúp cho bệnh nhân sớm phục hồi huyết động, tái lập nhịp đập tự nhiên của tim.

Sau đó bệnh nhân được chuyển đến Khoa Phẫu thuật gây mê - Hồi sức tích cực - Chống độc, tuy nhiên, điện tim lúc này cho thấy hình ảnh rung thất sóng to, mạch huyết áp không đo được. Lập tức bệnh nhân được sốc điện khử rung 4 lần và sử dụng Adrenaline tiêm mạch chậm, Natribicarbonate truyền tĩnh mạch chậm.

Gần 40 phút nỗ lực và tập trung cao độ của ê kíp các bác sĩ, điều dưỡng, anh N. đã có nhịp tự thở, đồng tử 2 bên đều, còn phản xạ với ánh sáng, phục hồi nhịp xoang, tần số 75 chu kỳ/phút, huyết áp 130/90mmHg, SpO2 99%, nhịp tim đều, rõ. Khi tái lập được tuần hoàn, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ để tiếp tục theo dõi và điều trị.

ThS.BS. Trần Văn Đăng - Khoa Phẫu thuật Gây mê - Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Phụ sản TP.Cần Thơ), chia sẻ: “Đây là trường hợp cấp cứu tối khẩn, bệnh xuất hiện đột ngột, không khai thác được bệnh sử, tiền sử bệnh lý, tiên lượng tử vong rất cao.

Tuy nhiên, việc cấp cứu kịp thời tái lập tuần hoàn thành công trước khi chuyển tuyến đã giúp anh N. không mất đi “cơ hội vàng” điều trị là nhờ vào sự hỗ trợ cấp cứu đúng lúc kịp thời cùng quy trình “báo động đỏ nội viện”, cùng với sự chuẩn bị kỹ càng về chuyên môn trong công tác sẵn sàng đối phó với các tình huống cấp cứu nguy kịch, đe dọa đến tính mạng người bệnh”.

Nguyễn Hồ

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/suc-khoe-c-84/khen-thuong-e-kip-y-bac-si-cuu-song-benh-nhan-ngung-tim-dot-ngot-90181.html