Khế ước hôn nhân

Chị là nhà nghiên cứu xã hội, một chuyên gia trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, là tác giả của những cuốn sách được coi là 'cẩm nang' giữ gìn hạnh phúc gia đình, 'bí quyết' giữ lửa tình yêu trong hôn nhân.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chồng chị là mẫu người đàn ông nghiêm túc, cẩn trọng trong mọi việc, trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Anh sống dường như khép kín, ít giao du, coi trọng giá trị truyền thống gia đình, khá nghiêm khắc trong việc giáo dục con cái.

Để bảo vệ hôn nhân giống như duy trì sự cân bằng trong xã hội, trong những nghiên cứu của mình, không ít lần chị đề cập đến nội dung “khế ước hôn nhân”, chẳng hạn như việc lập một thỏa thuận bằng văn bản trước khi cưới về vấn đề tài sản, con cái, nghĩa vụ vợ chồng với hai bên nội ngoại... chị thuyết phục mọi người rằng đó không phải là không tin nhau mà lường trước những việc không mong muốn có thể xảy ra để ngăn chặn nó và nếu có xảy ra thì giải quyết đơn giản hơn nhiều.

Anh, ngược lại, cho rằng hôn nhân được xây dựng trên cơ sở tình yêu, duy trì nó bằng tình cảm và bảo vệ nó bằng đạo lý, bản đăng ký kết hôn là sự công nhận về mặt pháp lý, còn một khi phải viện đến pháp luật thì cuộc hôn nhân đó đã bên bờ đổ vỡ rồi. Đừng “lo xa” và “lường trước” những chuyện không hay vì nó chưa xảy ra và vợ chồng tin tưởng, yêu thương, tôn trọng nhau thì chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra. Vạn bất đắc dĩ, có những mâu thuẫn vợ chồng thì con đường giải quyết tốt nhất là tình cảm và đạo lý.

Do vợ chồng bất đồng quan điểm nên chị cảm thấy không hạnh phúc ngay trong chính cuộc hôn nhân của mình. Chị luôn luôn có cảm giác bức bối khi ở nhà, thấy chồng hay nhìn mình bằng ánh mắt khắt khe và không bao giờ tỏ ra thiện cảm với các “công trình nghiên cứu” của chị.

Thế nên đã rất lâu rồi chị không còn đưa ra các luận điểm “xã hội học” của mình để tranh luận với anh nữa. Thay vào đó, chị tham gia câu lạc bộ “Những bà nội trợ” theo sáng kiến của một chị bạn đồng nghiệp và tìm được niềm vui ở đó với những người phụ nữ cảm thấy cô đơn ngay trong chính ngôi nhà mình.

Ở câu lạc bộ chị học cách cùng chung nhau học nấu một món ăn, cùng bày một bàn ăn, sắp đặt một không gian phòng ngủ... chuyện trò với nhau về những “nỗi khổ” riêng tư, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”…

Điều bất ngờ là qua đây chị lại nhận ra rằng thực tế và các “nghiên cứu” của chị cách nhau một khoảng cách rất xa. Chị áp dụng những điều rất đơn giản của người nội trợ vừa học được vào gia đình và không biết tự bao giờ tiếng cười đã trở lại trong phòng ăn của gia đình với những câu chuyện thân mật và vui vẻ không có gì lên gân đạo lý. Chị phát hiện ra anh dưới cái vẻ khô khan, nghiêm túc kia là một sự hóm hỉnh, hài hước rất thông minh.

“Không mang công việc về nhà”, “Tình yêu đến với trái tim người đàn ông qua cái dạ dày”, “Đừng đưa những vấn đề xã hội vào phòng ngủ”... những điều đó chị từng biết, từng viết, từng phân tích, nhưng chưa bao giờ áp dụng với chính cuộc hôn nhân của mình. Có lẽ, chồng chị đã đúng khi coi cái “khế ước hôn nhân” chỉ là hình thức còn cái ràng buộc hôn nhân, bảo vệ nó yên ấm và vợ chồng tìm thấy hạnh phúc trong hôn nhân đó là đạo lý và xuất phát là tình cảm.

Nhiu Nhíu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/goc-nhin-ban-doc/khe-uoc-hon-nhan-539520.html