Khe Sanh của những người không nhớ tuổi

Với những cựu chiến binh mang họ Hồ của Bác từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở chiến trường Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) năm xưa, ký ức một thời vẫn vẹn nguyên. Đó có thể là những chuyến luồn rừng chiến đấu, hay việc gùi cõng trọng lượng không tưởng để phục vụ chiến đấu… đều in hằn trong trí nhớ của mỗi người. Nhưng thật lạ, nếu chuyện chiến tranh ai cũng nhớ, cũng kể được, thì với ngày tháng năm sinh của chính mình, họ lại chập chờn với 'khoảng', 'hình như'…

Bản làng đồng bào thiểu số tại Khe Sanh. Ảnh: KH.

Hồ Mơ ở Xa Lau

Vượt qua nhiều cây số đường đất khá hiểm trở, chúng tôi mới đến được căn nhà sàn đơn sơ của cựu chiến binh Hồ Mơ nằm ở thung lũng Xa Lau, thuộc thôn Prin C (xã A Dơi, huyện Hướng Hóa). Nơi này, chỉ có gia đình ông Mơ gắn bó hơn 30 năm qua. Hỏi ông Mơ năm nay bao tuổi, ông bảo “khoảng 80”.

Ông Mơ kể, năm 18 tuổi, ông bắt đầu tham gia cách mạng, được biên chế vào Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn, trực tiếp gùi cõng lương thực, vũ khí phục vụ bộ đội ta chiến đấu ở mặt trận Trị Thiên. “Hồi ấy đơn vị của bố tham gia gùi cõng hàng hóa, vũ khí từ điểm tiếp nhận ở Vĩnh Linh ngày đêm đi bộ xuyên rừng để tiếp tế cho bộ đội ta đánh mặt trận Trị Thiên. Giai đoạn gian khổ và ác liệt nhất là phục vụ những trận đánh ở cứ điểm Làng Vây, sân bay Tà Cơn… Thời điểm ấy, việc vận chuyển phải được duy trì liên tục, đảm bảo thông suốt để ta tập trung đầy đủ lương thực, khí tài thực hiện nhiệm vụ tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968. Bố đã tham gia hàng trăm chuyến gùi cõng như thế”, ông Mơ nhớ lại.

Sau khi chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh giành thắng lợi, huyện Hướng Hóa được giải phóng, ông Mơ tiếp tục cùng đơn vị tiến vào chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế. Ông được giao làm Tiểu đoàn trưởng chỉ huy các đơn vị như K54, K200 tham gia luồn đánh cứ điểm sân bay A Sao- A Sáp. Trong một trận chiến đấu đầu năm 1969 ở cứ điểm sân bay A Sao- A Sáp, ông bị mảnh bom cưa đứt chiếc chân phải… Sau đó, ông được đưa ra miền Bắc an dưỡng ở Đoàn 581, thuộc Quân khu 3. Đến năm 1980, ông trở lại quê hương A Dơi, lấy vợ và xây dựng cuộc sống. Cuộc sống những năm đầu hết sức vất vả, nhất là khi những đứa con lần lượt ra đời. Khoảng năm 1990, ông xin được khai hoang khu vực Xa Lau, là một thung lũng nằm cách xa trung tâm xã khoảng 5 km, vốn không có đường vào. Miệt mài nhiều tháng trời ông mới mở được con đường vào Xa Lau rồi dựng nhà, bắt đầu làm nương rẫy, trồng lúa nước. Cuộc sống vất vả lần hồi trôi qua, vợ chồng ông và đàn con nhỏ đã vượt qua đói nghèo.

Ông Hồ Mơ là người đi đầu trong việc xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Ảnh: KH.

Đến những năm 2005, gia đình Hồ Mơ đã trở thành một trong những điển hình về làm kinh tế của xã. Gia đình ông sở hữu 5 sào ruộng nước, 6 ha bời lời, 50 con trâu bò, 2,5 ha cao su… Giai đoạn từ năm 2005 đến 2015, bình quân mỗi năm gia đình ông có nguồn thu nhập từ 250-300 triệu đồng. Không chỉ giỏi làm kinh tế, ông Mơ còn có tấm lòng nhân hậu hiếm có khi nhận nuôi hơn 10 đứa trẻ mồ côi, hoặc có hoàn cảnh quá khó khăn trong thôn, xã và cả ở các bản biên giới Việt – Lào tiếp giáp với xã A Dơi.

Những đứa trẻ được gia đình ông nuôi nấng, cho ăn học đến nay phần lớn đã trưởng thành, có cuộc sống riêng ổn định. Không chỉ vậy, khoảng thời gian gắn bó với thung lũng Xa Lau, ông cũng đã tự nguyện bảo vệ cánh rừng tự nhiên rộng 54,3 ha xung quanh, đã hạn chế tối đa sự phá hoại của lâm tặc, của những người săn bắn thú trái phép…

Những ngày húp cháo băng rừng

Hơn 70 tuổi, nhưng bà Hồ Kăn Choòng ở khóm 6, thị trấn Khe Sanh vẫn nhớ như in một thời bà tham gia phục vụ chiến đấu tại chiến trường Khe Sanh năm xưa. Từ miền quê xã Đông Sơn (huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế) từ năm 1959 bà Choòng tham gia bộ đội, được biên chế vào Đoàn Bắc Sơn, thuộc Quân khu 4, làm nhiệm vụ gùi cõng súng đạn, lương thực, thuốc men phục vụ chiến trường Trị Thiên. Trong thời gian đó, bà cũng đã được đào tạo trở thành y sĩ để tham gia cứu thương bộ đội ta.

Tuổi thanh xuân của bà đã gắn liền với nhiều địa điểm ác liệt trên tuyến đường vận tải của ta ở đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, từ tiếp giáp Quảng Bình vào đến Thừa Thiên Huế… “Hồi ấy, mẹ và các đồng chí, đồng đội không hiểu sao sức khỏe phi thường lắm. Ăn uống chủ yếu cháo loãng, rau rừng nhưng mỗi lần gùi cõng là cứ nữ từ 50-60 kg, nam từ 90-100 kg trên lưng. Mà toàn đi đường rừng, cứ luồn dây bám dốc mà đi. Không đi được đường mòn thì cứ vừa phát rừng vừa tiến… Chỉ biết rằng ai cũng quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và lòng chỉ mong quê hương sớm giải phóng”, bà Choòng cho biết.

Có một chuyến vận chuyển mà bà Choòng nhớ mãi, đó là vào những ngày cận kề trước cuộc tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968. “Khi không còn bao xa nữa là đến điểm tập kết, lúc ấy đoàn gùi cõng của mẹ có 26 người, nhưng chỉ mang theo 2 khẩu súng. Lúc đang băng qua rẫy của một người dân ở gần cứ điểm Làng Vây thì bất ngờ có một toán biệt kích địch xuất hiện. Người đang làm rẫy phát hiện địch và ngầm báo với đoàn của mẹ, rồi chỉ dẫn lối thoát. Cuộc ấy, nếu đoàn của mẹ mà đụng độ với địch thì khả năng thất bại rất cao. Có nhiều đợt, đoàn của mẹ bị phục kích, trúng bom và cũng đã có nhiều đồng chí hi sinh nhưng chẳng có ai chùn bước”, bà Choòng nhớ lại.

Sau ngày đất nước giải phóng, bà lấy chồng ở Khe Sanh và lần lượt sinh 4 người con gồm 3 trai, 1 gái. Năm 1982, trong lúc làm nương rẫy, chồng bà bị chết vì trúng bom thời chiến tranh còn lại. Bà ở vậy một mình làm lụng nuôi con khôn lớn, trưởng thành. Giờ đây, các con của bà đều đã lập gia đình riêng và sinh hạ cho bà 10 đứa cháu. “Bây giờ thì mẹ cảm thấy mãn nguyện lắm khi chứng kiến đất nước hòa bình, quê hương ngày càng khởi sắc và con cái có cuộc sống ổn định, các cháu được đến trường”, bà Choòng nói.

Hết đánh giặc, thì đánh nghèo

Hỏi tuổi, ông Hồ Ta Chê (thôn Làng Vây, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa) bảo gần 80. Hỏi chuyện chiến tranh, ông Chê bảo 15 tuổi đã làm du kích liên lạc, sau đó gia nhập lực lượng dân quân địa phương tham gia đào đường bí mật cho xe tăng, pháo và quân ta tiến đánh cứ điểm Làng Vây.

Làng Vây hồi sinh từng ngày. Ảnh: KH.

Một ngày cuối năm 1967, quân địch dùng máy bay ném bom ác liệt ở cánh rừng xung quanh cứ điểm Làng Vây. Ông Chê cùng với hàng chục người dân địa phương ẩn nấp trong hầm trú ẩn ở giữa rừng cũng đã bị trúng bom. Có rất nhiều người chết, riêng ông Chê bị mảnh bom cắt cụt một phần cánh tay phải. Sau đó, ông vẫn tiếp tục tham gia làm hậu phương phục vụ cho cuộc tấn công cứ điểm Làng Vây của quân ta vào năm 1968. Quê hương giải phóng, ông trở lại bản làng làm nương rẫy, trở thành tấm gương cho bà con noi theo.

Thôn Làng Vây của già làng Hồ Ta Chê là thôn 100% đồng bào dân tộc thiểu số nhưng là đơn vị dẫn đầu các phong trào hoạt động ở xã Tân Long. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và địa phương, nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc phát triển sản xuất có hiệu quả đã góp phần thay đổi nhanh bộ mặt bản làng nơi đây. Dân bản đã biết xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại thu nhập khá như trồng chuối, trồng sắn, nuôi lợn, nuôi dê, gà... Mấy năm nay, đường vào bản đã được đổ bêtông. Nước sinh hoạt được dẫn từ núi về tận bản. 100% trẻ em trong độ tuổi đều đến trường. Người dân khi ốm đau đã biết đến trạm y tế chăm sóc sức khỏe. Bản lại có nhà sinh hoạt cộng đồng để dân bản tổ chức họp hành, lễ hội...

Già làng Hồ Ta Chê bảo, hơn 50 năm trước, khi đứng ở điểm cao Làng Vây bây giờ, nhìn xuống chỉ thấy hố bom, xác pháo và màu chết chóc. Bây giờ, nhìn từ điểm cao đó, sẽ thấy vết thương chiến tranh đã nhường lại cho màu xanh của những mùa no ấm, với bản làng yên vui.

KHÁNH HƯNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phong-su/khe-sanh-cua-nhung-nguoi-khong-nho-tuoi-614232.ldo