Khe Sanh bây giờ, một chiến trường khác… (Kỳ 2): Đắp 'vết sẹo' chưa lành trên đỉnh Trường Sơn

Ông Đặng Trọng Vân – Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa nói rằng, sau 50 năm từ ngày giải phóng Khe Sanh, chính quyền đã có rất nhiều cố gắng, tập trung nhiều nguồn lực để chăm lo cho cuộc sống của người dân. Dẫn chứng là những bản làng người đồng bào thiểu số xa xôi, khó khăn từ cơ sở hạ tầng đến kinh tế, xã hội như Cuôi, Cát, Trỉa… phần nào đã có sự thay da đổi thịt. Nhưng thực tế, vẫn còn đó nhiều hoàn cảnh, là những 'vết sẹo' chưa khô khén, cần được vun vén…

Lãnh đạo Báo Lao Động cùng Biên phòng Thuận đi khảo sát để xây dựng nhà ở cho người dân. Ảnh: Hưng Thơ.

Bây giờ, mẹ có cả đàn con!

Mẹ Hồ Thị Miết (SN 1934, trú tại thôn Mã Lai, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) là Bà mẹ Việt Nam anh hùng duy nhất còn sống của huyện Hướng Hóa. Ngày xưa, cũng như những người phụ nữ đồng bào Vân Kiều sống ở trên đỉnh Trường Sơn này, khi trở thành thiếu nữ, mẹ lập gia đình. Đến năm 1953, mẹ sinh một người con trai duy nhất, đặt tên là Hồ Miê A.

Gia đình ít người, nên Miê A lớn lên trong sự chăm bẵm của mẹ Miết và bố Hồ Pơơng. 17 tuổi, Miê A là một thanh niên rắn rỏi, lên nương lên rẫy chăm chỉ. Rồi một ngày, Miê A thủ thỉ với mẹ xin đi bộ đội. Mẹ Miết không níu chân con, mà căn dặn con đánh giặc xong phải trở về, cưới vợ sinh con cho bố mẹ chăm. Miê A vào quân ngũ, đến năm 1971, anh giữ chức vụ tiểu đội phó với cấp bậc là trung sĩ, tham gia trận đánh ở đồi Tà Púc thuộc biên giới Việt – Lào và hi sinh ở đó.

Học sinh Trường Tiểu học Hướng Phùng cùng giáo viên trường vào thăm mẹ Hồ Thị Miết. Ảnh: TM.

Biết tin, mẹ Miết thẫn thờ. Đứa con duy nhất nằm lại chiến trường khiến bao nhiêu hi vọng của mẹ tan biến. Chồng mất, con mất, không còn người thân ruột thịt, mẹ sống đơn độc trong căn nhà tranh ở thôn Mã Lai, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Từ đó, mẹ Miết được dựng nhà, được hỗ trợ hàng tháng, một số đơn vị nhận đỡ đầu - một năm vài lần ghé thăm, sắm sửa cho mẹ cái chăn, tấm áo. Cuộc sống của mẹ không đến nỗi thiếu thốn, nhưng tuổi cao, sức yếu, mẹ không tự lo cho từng bữa ăn được, nên đến bữa cứ nhai trệu trạo thức ăn do đứa cháu họ hàng xa nấu cho.

Mãi cho đến tháng 7.2017 vừa rồi, khi các thầy cô giáo ở Trường tiểu học Hướng Phùng nhận phụng dưỡng, nụ cười mới trở lại với mẹ. Cứ mỗi tuần hai bữa, tranh thủ sau giờ dạy học, các giáo viên ở Trường Tiểu học Hướng Phùng thay phiên nhau mang cơm đến cho mẹ. Giữa trưa tháng 5, cô giáo Trần Thị Lài – Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Hướng Phùng cầm hai chiếc cà men đựng thức ăn lấy từ bếp ăn tập thể của trường, rồi lái xe máy 7km đến nhà mẹ Miết. Biết hôm nay được ăn cơm của trường, nên mẹ Miết ngồi tựa lưng ở cửa đợi. Mẹ bảo, mỗi tuần có hai buổi được ăn cơm ngon, có canh, có cá, còn ngày thường chỉ ăn cơm với một món khô, rất khó nuốt.

Bữa cơm được cô giáo Lài dọn ra, mẹ cười, ăn ngon lành. Mẹ xong bữa, cô giáo Lài cũng dọn dẹp, vệ sinh xong gian nhà. Cô giáo lấy chiếc lược, chải lại mái tóc cho mẹ, hỏi han chuyện trò. Mẹ Miết bảo, “bây khung (không - NV) vô mẹ ăn khung ngon”, rồi mẹ lại cười. Mẹ kể chuyện thời chiến tranh, kể chuyện con trai mẹ đi bộ đội oai phong lắm. Mỗi lúc về thăm nhà, mẹ dặn phải nhanh nhanh mà lấy vợ, anh Miê A hứa đánh xong giặc sẽ lập gia đình, sinh cho mẹ đàn cháu. Nhớ và kể về Miê A, mẹ không khóc, mẹ tự an ủi: “Mẹ mất Miê A, nhưng bây chừ mẹ có cả đàn con làm giáo viên, dạy cho trẻ em ở bản biết chữ”…

Thầy giáo Nguyễn Mai Trọng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hướng Phùng tặng áo cho mẹ Miết. Ảnh: TM.

Cô giáo Lài kể, mẹ quý các thầy cô giáo ở trường, không phải chỉ ở bữa ăn có cá, có canh, mà quan trọng là có người để nói chuyện, an ủi. Cứ ngày 24 hàng tháng, theo kế hoạch định sẵn, một số giáo viên và học sinh ở Trường tiểu học Hướng Phùng sẽ vào thăm, dọn vệ sinh từ ngoài cổng đến sau hè nhà cho mẹ Miết. Có hôm giáo viên đến đông, mẹ bảo mọi người im lặng và dặn rằng, lúc nào mẹ chết, thì giáo viên ở trường phải là người chôn cất và hương khói cho mẹ. “Mẹ vừa nói vừa cười, nhưng chúng tôi ứa nước mắt” – cô giáo Lài nói.

Ngoài việc lo mỗi tuần 2 bữa ăn và dọn dẹp vệ sinh ở nhà mẹ Miết, tháng tháng nhà trường sẽ hỗ trợ cho mẹ thêm 300 nghìn đồng. Toàn bộ kinh phí phụng dưỡng được cán bộ, giáo viên, nhân viên ở trường quyên góp. “Việc chăm sóc, phụng dưỡng mẹ Miết là một cách giáo dục cho học sinh ở trường biết đạo lý uống nước nhớ nguồn, và góp phần nhỏ vào công cuộc tri ân vô bờ bến mà Đảng đang ra sức thực hiện” – cô giáo Lài nhấn mạnh.

Giấc mơ trong những căn nhà rách

Cu Ti thuộc thôn nghèo nhất của xã Hướng Lộc (huyện Hướng Hóa), còn gia đình ông Hồ Văn Sáu (SN 1951) là hộ nghèo nhất thôn. Ông Sáu thuộc gia đình chính sách, vừa là hộ “nghèo bền vững” nhiều năm liền. Lý do là bởi, ông Sáu thuộc diện bệnh binh, không có sức khỏe để lao động, vợ ông – bà Hồ Thị Phêng (SN 1951) cũng quanh năm đau ốm. Bà Phêng sinh được 4 người con, nhưng một người bị tật ở chân, một người lập gia đình rồi mất cả hai, để lại cho bà và ông đứa cháu trai mồ côi. Hai người con còn lại cũng lập gia đình, ra sau triền núi dựng nhà, sinh con rồi vật lộn với cuộc sống, chẳng giúp được gì cho bố mẹ.

Không có thu nhập, vừa nuôi cháu nên mấy đồng trợ cấp của Nhà nước không giúp vợ chồng ông Sáu cất mặt lên được. Bà Phêng chỉ vào 2 con heo đang khịt mũi tìm thức ăn dưới lớp đất ẩm trước nhà, nói đó là tài sản duy nhất. Còn ngôi nhà của 2 vợ chồng bà, chỉ có mấy cột bêtông là vững chắc.

Vợ chồng ông Sáu trong ngôi nhà sàn bị xuống cấp. Ảnh: Hưng Thơ.

Năm 2007, gia đình bà thuộc diện hỗ trợ nhà 167 với số tiền 10 triệu đồng, tiền ít nên chỉ đúc được dàn trụ, còn lại lên rừng cưa ván về thưng lại, mái thì lợp tranh. Che nắng che mưa nhiều năm, nay ván đã rũa, tranh đã mục, mưa thì dột, nắng thì le lói chiếu vào mặt. Tối ngủ, ông Sáu cứ mơ, có cục tiền đâu rớt xuống để dựng cái nhà cho vững chãi, bà Phêng thì “khiêm tốn” hơn, chỉ ước thay được cái mái nhà, để mưa gió không phải tỉnh giấc đi tìm chỗ ráo…

Đó chỉ là một, trong nhiều những ngôi nhà của người đồng bào thiểu số thuộc diện có công, được liệt vào dạng “vết sẹo” chưa lành cần được bù đắp. Nếu ở huyện Hướng Hóa, có 2.000 đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, thì còn đó 600 đối tượng cần được hỗ trợ, và gia đình ông Sáu nằm trong số đó. Từ giấc mơ, điều ước của những người một thời cầm súng chiến đấu để Khe Sanh có ngày giải phóng, Báo Lao Động đã đứng ra vận động kinh phí, đặt ra mục tiêu xây tặng 50 căn nhà cho những gia đình khó khăn nhất.

Hôm chúng tôi đến thôn Cu Ti, vào nhà ông Sáu để khảo sát, cán bộ chính sách của xã Hướng Lộc vui vẻ dẫn đường. Khi nghe thông tin Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động sẽ hỗ trợ 50 triệu đồng cho gia đình ông Sáu dựng nhà, nữ cán bộ chính sách alo ngay cho chủ tịch xã rồi hứa hẹn, sẽ tạo điều kiện cho gia đình ông Sáu vay ít tiền, huy động thêm nhân công trong bản để dựng căn nhà thật vững chãi.

Còn tại xã Thuận, lãnh đạo Đồn Biên phòng Thuận đã chủ động liên hệ với nhà báo Lâm Chí Công (Trưởng VPĐD Báo Lao Động khu vực Bắc Trung Bộ, phụ trách chương trình vận động tài trợ xây dựng nhà tình nghĩa nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Khe Sanh), trình bày hoàn cảnh khó khăn của một số gia đình rất cần được hỗ trợ. Như gia đình ông Hồ Xa Vắn ở bản 5, gia đình Hồ A Tuân ở bản 6… cũng là những ngôi nhà sàn phên tre với mái tranh xiêu vẹo, lụp xụp.

Trung tá Trần Quang Duyên – Chính trị viên Đồn Biên phòng Thuận nói rằng, trên địa bàn còn rất nhiều hoàn cảnh là người đồng bào thiểu số khó khăn về nhà ở. “Địa phương có hỗ trợ, nhưng nguồn lực có hạn, vì vậy hễ nghe có Mạnh Thường Quân, là đơn vị tìm cách kết nối để giúp đỡ cho bà con” – trung tá Duyên nói.

50 triệu đồng cho 1 ngôi nhà, số tiền đó khá lớn đối với bà con đồng bào thiểu số, nhưng để công trình được kiên cố, tiện nghi hơn, khi triển khai xây dựng, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thuận sẽ ủng hộ ngày công, huy động thêm các nguồn lực để mua sắm đồ dùng, vật liệu. “Mục đích cuối cùng, cũng chỉ mong bà con ổn định cuộc sống. Bà con ổn định cuộc sống thì tình hình an ninh, trật tự ở tuyến biên giới này sẽ đảm bảo” – trung tá Duyên, nói thêm…

Trong những ngày đi khảo sát để xây dựng nhà cho bà con, anh bạn đồng nghiệp cùng cơ quan với tôi đã chứng kiến những hoàn cảnh thực sự là “vết sẹo chưa lành”. Anh suy tư rằng, ở trên đất nước này chứ không riêng gì đất Khe Sanh, “vết sẹo” chiến tranh còn lâu mới khô khén được. Bởi vậy, mới cần nhiều cánh tay cùng giơ lên, cùng góp sức bù đắp cho những “vết sẹo” đó.

(Còn tiếp...)

LÂM HƯNG THƠ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phong-su/khe-sanh-bay-gio-mot-chien-truong-khac-ky-2-dap-vet-seo-chua-lanh-tren-dinh-truong-son-614600.ldo