Khe Phương, ngày trở lại…

Hai năm, câu chuyện ấy ở Khe Phương với tôi chưa bao giờ quên. Chính bởi vậy, trong chuyến trở lại lần này đong đầy cảm xúc. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Cách đây 2 năm, tôi được thủ trưởng cơ quan giao nhiệm vụ đưa một nhóm các bạn trẻ cơ quan đi thực tế trong ngày để sát hạch về công việc. Do đặc thù nghề nghiệp, chuyện đi tới bất cứ đâu chưa bao giờ là nỗi lo lắng… Chúng tôi xuất phát sớm. Kể từ cậu lái xe cũng đầy háo hức. Có thể do cùng là tuổi trẻ nên sự sôi nổi, rôm rả không phải là điều khó kiếm tìm. Chạm vào đầu thị trấn, cả đoàn quyết định dừng ăn sáng. Nghe nói đấy là quán ngon nhất vùng. Để không bị mất thời gian, hầu hết đều gọi bún chả cho nhanh. Đến khi người làm ở quán bưng đồ ra, đứa nào đứa ấy cứ “á" với "ố” hết cả… Là bởi, món bún chả này sao không giống chỗ mình. Miếng thịt nướng trong bát bún được chan ngập nước dùng. Thi nhau thắc mắc thì ngay lập tức có câu trả lời rất mộc mạc và khiến dễ cảm thông: “Ối dồi ôi. Cái món các anh chị miêu tả ở đây gọi là bún chả chấm. Còn tôi thấy các anh chị vào ào một cái, gọi rất nhanh thì nghĩ cũng ăn giống mọi người ở đây hay ăn. Đấy là bún chả chan. Thôi hẹn lần sau làm bún chả chấm nhé”.

Chặng đầu vui vẻ là đã có ngay một kỷ niệm hay hay như thế, vậy chặng “chính” phía sau thế nào. Phải chia sẻ ngay rằng, còn đặc biệt và đáng nhớ hơn rất nhiều. Sau khi tiếp tục bon bon trên xe từ thị trấn tới trung tâm xã thì chúng tôi chính thức khởi hành “xe hai cẳng” để tới nơi cần đến. Dù đã sẵn sàng tâm lý, nhưng sau hơn 2 giờ đồng hồ đánh vật với con đường sình lầy, gồ ghề, có đoạn dốc ngược lại có chỗ phải run rẩy bám từng tảng đá mà dò dẫm qua con suối, cuối cùng chúng tôi cũng hổn hển reo lên nhè nhẹ với nhau khi thấy vài nóc nhà thưa thớt hiện ra “đến rồi, đến rồi…”. Quả đúng như lời cán bộ xã giới thiệu nhanh trước khi cả đoàn hăng hái vào trong thôn - đấy là một “vùng lõm” với “3 không”: Không có đường nhựa, không sóng điện thoại di động, không sóng truyền hình. Gặp những người dân và nhất là các cô giáo đang công tác ở đây theo diện “cắm bản” mới càng cảm nhận sự khát khao xóa “3 không” nói trên. Chúng tôi đã hỏi vui họ rằng, nếu một ngày “3 không” biến thành “3 có” thì thật tuyệt vời, nhưng cùng một lúc chắc là khó, vậy, nếu chọn cái “có” đầu tiên thì sẽ là gì. Thật ngẫu nhiên, những người được hỏi đều giống nhau câu trả lời. Đấy là sóng điện thoại di động. Cách mọi người lý giải rằng, đường nhựa cũng mong lắm lắm nhưng ngày ngày vẫn đang đủ sức chinh phục gần chục cây số đường đất để ra đến thị trấn, nhưng không có sóng điện thoại di động để kết nối thông tin bên ngoài thì thấy lạc hậu quá…

Hai năm, câu chuyện ấy ở Khe Phương với tôi chưa bao giờ quên. Chính bởi vậy, trong chuyến trở lại lần này đong đầy cảm xúc. Có một niềm vui được biết trước là chỉ hơn một tháng nữa thôi, nơi này sẽ có sóng điện thoại di động. Mà như một duyên nợ, sau bước ngoặt thay đổi công việc, giờ, chính mình lại được góp một chút công sức nhỏ nhoi trong câu chuyện mang sóng di động đến với Khe Phương. Sau rất nhiều tháng chinh phục những bất cập, khó khăn bởi thời tiết, bởi giao thông cản trở… cuối cùng, sóng điện thoại di động đã về với Khe Phương. Trở lại lần này, tôi được cảm nhận sự hồ hởi, phấn chấn của mọi người nơi đây. Nhưng, còn có một niềm vui nữa cũng vỡ òa trước lúc tiến vào thôn, đấy là con đường năm nào giờ đã đang được thi công, dẫu chỉ làm được một nửa. Vậy là, ở một nơi rất khó khăn, đang có những chuyển động mới từ những khát khao… Người em đồng nghiệp năm ấy cùng tôi đến Khe Phương, giờ cùng tôi trở lại luôn nhắc về những kỷ niệm cũ với sự bồi hồi. Chỉ hơn một tháng nữa thôi, sẽ không còn cảnh, mọi người bọc điện thoại vào túi ni lông treo lên cây sào cao rất cao được cắm ở một chỗ nào đó trong khu vực gần nhà mà họ phát hiện thấy le lói chút sóng điện thoại di động. “Sóng” sắp tràn khắp Khe Phương!.

Bắc Cung

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201810/khe-phuong-ngay-tro-lai-2403689/