Khe cửa hẹp

Trong bối cảnh Mỹ đã trừng phạt kinh tế I-ran và sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt mạnh hơn nhằm vào Tê-hê-ran từ ngày 4-11, nhất là đối với lĩnh vực dầu mỏ, Liên hiệp châu Âu (EU) đang tìm mọi cách để 'né' các lệnh trừng phạt nói trên, bảo vệ lợi ích cho các doanh nghiệp châu Âu tại I-ran.

Trong bối cảnh Mỹ đã trừng phạt kinh tế I-ran và sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt mạnh hơn nhằm vào Tê-hê-ran từ ngày 4-11, nhất là đối với lĩnh vực dầu mỏ, Liên hiệp châu Âu (EU) đang tìm mọi cách để “né” các lệnh trừng phạt nói trên, bảo vệ lợi ích cho các doanh nghiệp châu Âu tại I-ran.

Các nguồn tin báo chí châu Âu cho biết, EU đã công bố một kế hoạch đặc biệt nhằm thiết lập hệ thống thanh toán cho phép tiếp tục quan hệ thương mại và kinh doanh với I-ran. Người phát ngôn Cơ quan Ðối ngoại EU M.Cô-xi-gian-xích cho biết, khối này đang trong quá trình đưa ra các biện pháp cần thiết. Cơ chế thanh toán mới đã nhận được sự ủng hộ của năm nước còn lại bảo trợ cho thỏa thuận hạt nhân I-ran, bao gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Ðức.

Trước đó, trong phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, Thống đốc Ngân hàng trung ương I-ran (CBI) A.Hem-ma-ti đã tiết lộ, I-ran và EU sẽ sớm hoàn tất cơ chế giao dịch tiền tệ vào đầu tháng 11 tới. Cơ chế được thiết lập nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai bên duy trì quan hệ hợp tác, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ, bởi vì thông qua kênh thanh toán này doanh nghiệp của I-ran và EU có thể dễ dàng chuyển khoản ngân hàng. Với hy vọng EU sẽ “lách qua khe cửa hẹp” tránh biện pháp trừng phạt của Mỹ để làm ăn với Tê-hê-ran, Tổng thống I-ran H.Ru-ha-ni tuần trước đã tuyên bố “Mỹ bị các đồng minh truyền thống cô lập trong cuộc đối đầu với I-ran”, thậm chí EU cũng đứng về phía Tê-hê-ran chống lại việc Oa-sinh-tơn tái áp đặt các biện pháp trừng phạt. Trong bài phát biểu tại Quốc hội I-ran, Tổng thống Ru-ha-ni nhấn mạnh rằng “một năm trước, không ai có thể tin rằng EU sẽ đứng về phía I-ran và chống lại Mỹ”.

Thực tế, dù Oa-sinh-tơn muốn “cấm cửa” các nước mua dầu của Tê-hê-ran, song hiện ba nước EU từng ký kết thỏa thuận hạt nhân I-ran là Pháp, Anh và Ðức cùng các nước khác muốn tiếp tục mua dầu của I-ran bằng một quy định thanh toán có thể “né” lệnh trừng phạt của Mỹ. Thời gian qua, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa I-ran và nhóm P5+1 (gồm năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Ðức), có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), các chính phủ châu Âu đã cam kết duy trì mối quan hệ kinh tế với Tê-hê-ran, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng. EU cũng bày tỏ quan điểm cho rằng, việc Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA là trái với yêu cầu đối với các quốc gia trong vấn đề tuân thủ thỏa thuận quốc tế. Vì vậy, các nước châu Âu cần phải tôn trọng cam kết về hợp tác với I-ran. Theo đó, EU sẽ tuân thủ JCPOA và hỗ trợ các công ty của các nước thành viên khối này hoạt động tại Tê-hê-ran. Việc từ chối trừng phạt kinh tế I-ran là phù hợp với lợi ích của khối EU trong bối cảnh EU là đối tác thương mại hàng đầu của Tê-hê-ran với kim ngạch thương mại song phương lên tới hàng chục tỷ USD. Năm 2017, các công ty của EU đã đổ hàng chục tỷ USD đầu tư vào I-ran sau khi Tê-hê-ran đã ký thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1. Chẳng hạn, hãng Airbus đã đầu tư vào I-ran 25 tỷ bảng; Peugeot đầu tư hàng triệu ơ-rô. Khi bị Mỹ tuyên bố trừng phạt, I-ran còn đang đàm phán thỏa thuận 600 triệu USD với tập đoàn Hemla và một hợp đồng nhiều tỷ USD với tập đoàn Shell.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, việc thực hiện “hệ thống thanh toán đặc biệt” nêu trên không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh các nước EU dù duy trì hợp tác kinh tế với I-ran, song vẫn muốn tránh một cuộc đối đầu trực tiếp với Mỹ. Báo chí châu Âu dẫn nhận định của một số quan chức EU thừa nhận rằng, việc áp dụng sẽ gặp khó khăn và cơ chế mới này chưa thể hoạt động ngay vào ngày 5-11. Ngoài ra, dù chính quyền I-ran nhiều lần hối thúc EU lên tiếng mạnh mẽ hơn để bảo vệ JCPOA và đứng về phía Tê-hê-ran trong cuộc đối đầu với Mỹ nhưng các quan chức EU dường như vẫn đang xử lý mọi việc theo kiểu “ném đá dò đường”. Hiện các kế hoạch của EU liên quan vấn đề I-ran được Ðại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại P.Mô-ghê-ri-ni ủng hộ, song vẫn đang tiến triển rất chậm chạp.

Như vậy, kế hoạch thiết lập hệ thống thanh toán cho phép tiếp tục quan hệ thương mại và kinh doanh với I-ran dù đã được công bố, song vẫn là một phương án đầy rủi ro. Sự thành bại của kế hoạch này phụ thuộc hoàn toàn vào việc EU có quyết tâm “lách qua khe cửa hẹp” để vượt rào cản cấm vận tài chính của Mỹ và bắt tay hợp tác kinh tế với I-ran hay không?

Minh Hà

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/38122902-khe-cua-hep.html