Khẩu súng Bác Hồ tặng dân, quân Hội An

Tháng 4-1947, thực dân Pháp tái chiếm Quảng Nam, củng cố, xây dựng lại bộ máy tay sai đàn áp và đặt các trụ sở tỉnh lỵ bù nhìn của chúng tại thị xã Hội An. Nhằm đè bẹp ý chí phản dân, hại nước của những kẻ nối giáo cho ngoại bang xâm lược, đi ngược lại lợi ích dân tộc, các lực lượng vũ trang thị xã Hội An đã mở màn trận đánh vào tận sào huyệt của kẻ thù, bắt sống các tên đầu sỏ, trong đó có tỉnh trưởng. Với chiến công tiêu biểu này, Bác Hồ đã tặng cho dân, quân Hội An món quà vô cùng quý báu: Khẩu súng carbin.

Khẩu súng carbin Bác Hồ tặng dân, quân Hội An đang được trưng bày tại Bảo tàng Hội An.

Khẩu súng carbin Bác Hồ tặng dân, quân Hội An đang được trưng bày tại Bảo tàng Hội An.

Trận đánh lịch sử

Đêm 29-12-1948, tại nhà cơ sở Nguyễn Xáng, nay là thôn 5, xã Duy Nghĩa, H. Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, ông Trần Kỳ Nhẫn, Thường vụ Thị ủy, kiêm Chính trị viên Thị đội Hội An chủ trì cuộc họp bàn kế hoạch tấn công vào nội ô tiêu diệt các cơ quan đầu não tỉnh lỵ của địch. Sau khi thống nhất các phương án tác chiến, tối ngày 4-1-1949, các lực lượng vũ trang gồm thị đội, công an xung phong, quân báo, biệt động thị xã bí mật tập trung về xóm Chiêu, xã Cẩm Châu rồi chia thành 2 mũi dưới sự chỉ huy của ông Phạm Phán, Thị đội trưởng và Phan Tình, phụ trách công an xung phong thị xã.

Lực lượng chiến đấu được chia nhỏ thành 5 tổ bí mật tiến về các làng Trường Lệ, Xuân Mỹ, xóm Mới, Lạc Thiện. Khi tiếng gà bắt đầu gáy râm ran, đêm chuyển dần về sáng, tổ công an xung phong do Phan Tình chỉ huy tập kết tại nhà Trợ Tân số 26-Minh Hương (nay 38-Phan Châu Trinh) triển khai phương án diệt các bốt lính gác tại một số điểm quan trọng, đánh chặn đường bọn lính lê dương Pháp chi viện khi hay tin các trụ sở của địch bị tấn công. Tổ của ông Phạm Phán chỉ huy nổ súng tấn công chớp nhoáng đồn Thị Nghè, làm chúng không kịp trở tay đối phó, tổ của ông Hồ Lý đánh chiếm đồn lính ngay tại ngã tư thị xã (nay là ngã tư Lê Lợi-Trần Phú) và phá hủy toàn bộ hệ thống điện đàm liên lạc và chiếu sáng.

Tổ ông Phạm Bằng tấn công vào Tòa Công sứ Pháp, đột nhập nhà số 24-Minh Hương của Tổng Khuyến bắt sống tên Lê Trọng Súy, Tổng thư ký Nha Tổng vệ (cảnh sát). Tổ do ông Nguyễn Diện chỉ huy đột nhập vào tư thất tỉnh trưởng Hồ Ngận, số 11-Minh Hương (nay là số 61-Phan Châu Trinh). Hồ Ngận run rẩy bước ra khỏi nhà, theo sau là Đặng Thống Phát, Tổng thư ký Ty An ninh (mật vụ). Ông Nguyễn Diện nhanh chóng áp giải chúng về các phòng làm việc tại trụ sở tỉnh lỵ thu giữ 4 chiếc cặp da có nhiều tài liệu mật. Biết tin 3 nhân vật đầu sỏ của tỉnh lỵ bị Việt Minh bắt sống, địch ở các đồn phụ cận tăng cường lực lượng, phương tiện bao vây giải cứu nhưng các tổ chiến đấu đã đưa được chúng ra vòng ngoài để tiếp tục đấu tranh khai thác, từ đó đã bóc gỡ được nhiều tên gián điệp giả danh, núp bóng trong các thành phần xã hội cực kỳ nguy hiểm...

Món quà của Bác Hồ

Theo hồ sơ hiện vật khẩu súng carbin đang được trưng bày tại Bảo tàng Hội An và một số tài liệu, bài viết có liên quan đến khẩu súng này của Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An thì tháng 7-1949 Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết công tác chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm tại khu rừng Việt Bắc. Đoàn cán bộ của Liên khu 5 do ông Nguyễn Chánh, Chính ủy Liên khu dẫn đầu vượt suối, trèo đèo nhiều ngày liên tục mới tới được địa điểm hội nghị.

Sau khi nghe ông Nguyễn Chánh báo tình hình chung ở Liên khu 5, trong đó có chiến công của quân, dân thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam đánh chiếm các cơ quan trọng yếu của địch, bắt sống được tỉnh trưởng và hai thuộc cấp chỉ huy trong bộ máy đàn áp của chúng, Bác Hồ rất vui mừng. Bác đề nghị ông Nguyễn Chánh báo cáo trở lại thật tỉ mỉ về chiến công đặc biệt xuất sắc này cho Bác nghe. Nghe xong, Bác khen ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường của quân, dân thị xã Hội An, nhất là việc thực hiện chính sách, nhân đạo, giáo dục những người lầm đường, lạc lối để họ có cơ hội quay về với chính nghĩa cách mạng. Bác bảo sẽ có quà thưởng cho quân, dân Hội An về thành tích này. Sau đó Bác cho người mang tới một khẩu súng trung liên do Trung đoàn Thủ đô đánh chiếm Hà Nội thu của quân Pháp. Khẩu súng này được chỉ huy Trung đoàn Thủ đô tặng Bác như một chiến công kính dâng lên Người. Bác đã tặng lại khẩu trung liên cho quân, dân Hội An.

Thấy khẩu súng trung liên to, nặng, cồng kềnh, ông Nguyễn Chánh thưa với Bác là đường sá quá xa xôi, đi chủ yếu trong rừng sâu để về Quảng Nam và Bác hiểu ý ngay nên cho đổi lại khẩu súng carbin để được gọn nhẹ dễ dàng mang đi. Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người được Bác ủy quyền trao súng carbin cho ông Nguyễn Chánh mang về trao lại cho ông Trần Kỳ Nhẫn. Ông Trần Kỳ Nhẫn đem khẩu súng carbin Bác Hồ tặng giao cho Đại đội 12, Thị đội Hội An bảo quản. Khẩu súng Bác tặng không chỉ có giá trị vật chất về vũ khí mà còn là một kỷ vật thiêng liêng vô cùng quý giá, là nguồn động viên lớn lao về tinh thần chiến đấu với kẻ thù. Ông Hà Vi Bông, Đại đội trưởng Đại đội 12, người trực tiếp nâng niu, giữ gìn và đã sử dụng khẩu súng carbin này bắn tỉa, loại khỏi vòng chiến đấu tên đồn trưởng Phước Trạch của Pháp. Đến cuối năm 1950, Đại đội 12, Thị đội Hội An giao khẩu súng carbin về Tỉnh đội Quảng Nam bảo quản cho đến ngày đất nước thống nhất.

Khẩu súng carbin là phần thưởng cao quý, là tình cảm của Bác dành cho đồng bào, chiến sĩ phố Hội. Khẩu súng ấy mãi mãi là niềm vinh dự, tự hào, là tài sản vô giá của người Hội An hôm nay và mai sau.

THÁI MỸ

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_231460_khau-sung-bac-ho-tang-dan-quan-hoi-an.aspx