Khẩu siêu pháo của Hitler - Vũ khí vô dụng nhất từng được chế tạo

Pháo Dora là một vũ khí độc nhất vô nhị của quân đội Đức quốc xã, đó là một siêu pháo không thể di chuyển bình thường, mà phải di chuyển trên những đường sắt khổ đôi.

Dora là khẩu pháo đường sắt siêu nặng, có đường kính đạn đến 800 mm và là đỉnh cao của sự phát triển pháo binh của quân đội Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Được phát triển bởi các kỹ sư của công ty Krupp nổi tiếng, Dora là vũ khí pháo mạnh nhất trong kho vũ khí của Hitler.

Dora là khẩu pháo đường sắt siêu nặng, có đường kính đạn đến 800 mm và là đỉnh cao của sự phát triển pháo binh của quân đội Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Được phát triển bởi các kỹ sư của công ty Krupp nổi tiếng, Dora là vũ khí pháo mạnh nhất trong kho vũ khí của Hitler.

Giống như với vũ khí của quân đội Đức quốc xã trong những năm chiến tranh, Dora đã làm rung chuyển trí tưởng tượng; nhưng hiệu quả thực sự của vũ khí, và quan trọng nhất, nguồn lực đầu tư vào việc tạo ra nó, thực không xứng tầm.

Trên thực tế, pháo hạng nặng Dora không phải là vũ khí cho chiến tranh, mà để nhằm mục đích tuyên truyền nhiều hơn. Hitler và các tướng lĩnh Đức đặt nhiều hy vọng vào khẩu pháo này, nhưng kết quả thu được từ việc sử dụng Dora là không đáng kể.

Dora ban đầu được thiết kế như một loại pháo siêu mạnh, được đặt trên bệ đường sắt. Mục tiêu chính của khẩu pháo 800 mm là tuyến công sự Maginot của Pháp, cũng như các pháo đài trên biên giới Đức - Bỉ, trong đó có pháo đài Eben-Emael nổi tiếng kiên cố.

Nhiệm vụ phát triển một loại vũ khí để phá hủy các công sự của phòng tuyến Maginot, được đích thân Adolf Hitler đặt ra trong một chuyến thăm nhà máy Krupp vào năm 1936, khi Hitler ra lệnh chế tạo một "siêu pháo", chuẩn bị cho cuộc chinh phục châu Âu.

Điều đáng chú ý là công ty Krupp đã có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển các loại pháo siêu mạnh từ Thế chiến thứ nhất như khẩu Big Bertha có cỡ nòng đến 419 mm và Paris Gun có tầm bắn đến 130km; vì vậy việc lựa chọn Krupp làm nhà phát triển "siêu pháo" là điều hiển nhiên.

Ý tưởng nhanh chóng được Krupp đưa ra, một "siêu pháo" với cỡ nòng tới 800 mm, bắn những quả đạn nặng khoảng 7 tấn vào mục tiêu. Vào thời điểm tên lửa chưa được ra đời, việc bắn được một quả đạn nặng 7 tấn vốn được cả thế giới coi là "viễn tưởng".

Theo yêu cầu, pháo phải bắn được ở xạ giới cao đến +65 độ, để tăng độ xuyên xuống mặt đất, tầm bắn tối đa từ 35-45km. Đạn pháo đảm bảo xuyên thủng các tấm thép dày đến một mét, công sự bê tông dày 7 mét và nền đất kiên cố đến 30 mét.

Công việc chế tạo ra một "siêu pháo", được lãnh đạo bởi Giáo sư Erich Müller, người có nhiều kinh nghiệm trong việc tạo ra các hệ thống pháo khác nhau. Vào năm 1937, công ty Krupp đã hoàn thành bản vẽ dự án pháo siêu mạnh theo ý tưởng của Hitler. Cùng năm, quân đội Đức đã đặt hàng cho công ty Krupp sản xuất siêu pháo.

Điều đáng chú ý là mặc dù khi đó Đức là quốc gia có nền công nghiệp phát triển, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn; đó là ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới giai đoạn 1929-1932, cũng như những điều khoản của Hiệp ước Véc-xai, về việc hạn chế Đức xây dựng lực lượng vũ trang.

Thực tế ngành công nghiệp quốc phòng Đức khi đó còn khó khăn trong việc chế tạo những vũ khí nhỏ, chứ đừng nói đến những "siêu vũ khí" chưa hề tồn tại trên thế giới. Việc phát triển siêu pháo Dora, chỉ được đẩy nhanh tiến độ khi Thế chiến thứ hai bùng nổ.

Dora được lắp ráp hoàn chỉnh vào năm 1941. Vào thời điểm đó, chiến lũy Maginot đã bị quân đội Đức quốc xã chiếm từ lâu, và pháo đài Eben-Emael, nơi trước chiến tranh là nguyên nhân khiến các tướng lĩnh Đức đau đầu, đã bị chiếm đóng chỉ trong một ngày, bởi 85 lính dù; khi đã xâm nhập thành công xuống pháo đài bằng tàu lượn.

Tổng cộng có hai siêu pháo được lắp ráp hoàn chỉnh tại Đức, một khẩu mang tên Dora và khẩu kia mang tên Gustav. Giá thành một khẩu siêu pháo tiêu tốn của Đức hết 10 triệu Mác. Với số tiền này, có thể chế tạo được 250 khẩu pháo sFH18 15 cách mạng, hoặc 20 khẩu pháo tầm xa 240 mm K3.

Siêu pháo là một khối thép khổng lồ của người Đức. Trong các tài liệu thu được về loại pháo này, cỡ nòng của pháo thường được ghi là 800 mm, nhưng chính xác là cỡ nòng 807 mm. Riêng nòng của khẩu pháo này đã nặng 400 tấn với chiều dài 32,48 mét. Tổng trọng lượng của toàn bộ pháo trên bệ đường sắt, được thiết kế đặc biệt là 1.350 tấn.

Tổng chiều dài của bệ pháo là 47,3 mét, chiều rộng 7,1 mét, chiều cao 11,6 mét. Để hiểu rõ hơn về kích thước của pháo, nó chỉ thấp hơn một chút ít so với một chung cư năm tầng tiêu chuẩn. Chỉ tính riêng nòng pháo, đã nặng hơn 8 xe tăng hạng nặng KV-1 đời 1941 của Liên Xô.

Những quả đạn mà Dora bắn ra cũng rất lớn. Trọng lượng đạn nổ phá là 4,8 tấn, đạn xuyên bê tông 7,1 tấn. Con số này có thể so sánh với trọng lượng chiến đấu của một trong những loại xe tăng phổ biến nhất trên thế giới trước thế chiến 2 là Vickers Mk E nổi tiếng (hay còn gọi là Vickers 6 tấn). Tầm bắn của đạn nổ phá tới đạt 52 km, đạn xuyên bê tông lên tới 38 km. Nguồn ảnh: Warhistory.

Sức mạnh của khẩu siêu pháo Dora - thứ vũ khí kinh hoàng nhất ra đời trước thời đại tên lửa. Nguồn: UMC.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/khau-sieu-phao-cua-hitler-vu-khi-vo-dung-nhat-tung-duoc-che-tao-1531996.html