Khâu chốt của then chốt

Sáng 27/12, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2020. Báo cáo của Bộ Nội vụ cho biết, năm 2019, ngành nội vụ đã hoàn thành một khối lượng công việc lớn được giao.

Cụ thể, trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước, Bộ Nội vụ luôn xác định là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên cần tập trung thực hiện, các văn bản, đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ bảo đảm tiến độ và chất lượng. Việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các bộ, ngành và địa phương bước đầu đạt được kết quả tích cực, thúc đẩy tính độc lập, chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị. Các địa phương đã tích cực, chủ động rà soát, sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất đơn vị sự nghiệp công lập; tham mưu cấp có thẩm quyền thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đúng tiến độ.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Nội vụ cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Đó là, việc xây dựng thể chế, chính sách vẫn còn một số văn bản chưa phù hợp, thiếu tính khả thi, tiến độ chậm, chất lượng chưa cao, vẫn còn xin rút, xin lùi thời hạn trình các văn bản. Việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy cơ quan chuyên môn ở một số địa phương thực hiện thí điểm chưa được thực hiện đồng bộ, thống nhất; thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn vướng mắc, bất cập, chưa được hướng dẫn cụ thể, kịp thời; giải quyết chính sách cho cán bộ, công chức dôi dư sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn khó khăn.

Đặc biệt, công tác đề bạt, bổ nhiệm, quản lý, sử dụng, luân chuyển cán bộ, công chức ở một số bộ ngành, địa phương chưa đúng quy định, gây bức xúc trong dư luận. Vẫn còn tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức và người dân chưa thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, vẫn còn những biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu người dân…. Tất cả những điểm trũng này cho thấy khâu chốt của then chốt vẫn chưa thực hiện một cách triệt để. Trong nền công vụ vẫn xuất hiện những “con sâu” làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào cán bộ và cơ quan công quyền.

Hẳn người dân chưa quên những vụ việc vòi tiền của cán bộ hải quan với doanh nghiệp, nhận hối lộ của cán bộ thanh tra thuộc Bộ Xây dựng hay hành vi gây rối trật tự ở sân bay của một nữ công an ở Hà Nội diễn ra thời gian qua. Thậm chí dư luận không khỏi bàng hoàng, phẫn nộ trước những hành vi vi phạm của những cán bộ có chức, có quyền như ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn- những người từng là Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhưng nhận hối lộ hàng triệu USD để “thông qua” thương vụ Mobifone mua AVG. Cũng trước đó, không lâu, hàng loạt các quan chức, người đứng đầu khác cũng đã bị phanh phui vi phạm, khiến dư luận bức xúc. Trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh (Bí thư Thành ủy Đà Nẵng), cựu Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành, cựu Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai Huỳnh Tiến Mạnh… là những bằng chứng về sự tha hóa, biến chất. Điều này cho thấy, nếu buông lỏng khâu “chốt của then chốt”, hậu quả sẽ không lường, nhẹ thì họ đục khoét ngân sách quốc gia, nặng thì ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.

Để hạn chế tới mức thấp nhất những hậu quả có thể xảy ra do buông lỏng khâu cán bộ, Bộ Nội vụ cho biết, thời gian tới sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý những vi phạm trong thực thi công vụ. Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành để hạn chế tới mức tối đa sự tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp để cán bộ khó mà bị tha hóa, biến chất.

Đề chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội Đảng sắp diễn ra, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình đề nghị phải xây dựng hệ thống tiêu chí cụ thể, đầy đủ để đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ. Việc đánh giá này không chỉ bằng định tính mà còn phải bằng chính hiệu quả công việc của cán bộ. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 7 đã chỉ rõ những yếu kém của công tác cán bộ. Chúng ta phải xem rất kĩ những sự yếu kém này và rà soát xem chúng ta đã khắc phục được chưa, đến đâu để có những “kế sách” giải pháp căn cơ cho công tác cán bộ. Đặc biệt cần hoàn thiện thể chế hóa một cách kịp thời, tạo sự đồng bộ giữa quy định của Đảng và Nhà nước một cách thống nhất về nội dung, đồng bộ trong thực hiện và có hướng dẫn, chỉ đạo rất cụ thể với các địa phương để thực hiện cho tốt. Có thực hiện như vậy mới gỡ được những điểm còn nghẽn trong công tác cán bộ.

Không phải ngẫu nhiên, khi dự Hội nghị toàn quốc ngành tổ chức xây dựng Đảng, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng lại nhấn mạnh về công tác cán bộ đối với sự nghiệp cách mạng và sự phát triển của đất nước. Với quan điểm: Cơ đồ xây dựng 75 năm thịnh hay suy là do chính chúng ta. Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng khẳng định: “Chẳng phải do kẻ thù đâu, chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta”. Những điều này cho thấy chúng ta không thể lơ là, chủ quan với công tác cán bộ, khâu “chốt của then chốt” này.

Nguyên Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/khau-chot-cua-then-chot-tintuc455734