Khát xe đón Tết Kỷ Hợi: Chênh giá là chuyện thường

Khác với mọi năm đại lý xe đều có nhiều chương trình ưu đãi thì năm nay, người mua xe ô tô phải biết chịu chi.

Thị trường ô tô những ngày cận Tết rất sôi động nhưng người mua xe đang phải quen dần với một thực tế là giá xe sẽ không thể xuống giá nữa.

Cuối năm nhưng thị trường xe hơi "lạnh".

Anh Quốc Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội) vừa "tậu" chiếc Mazda CX-5 với giá 990 triệu đồng vui mừng cho biết, anh chọn "vợ hai" này không chỉ bởi yêu thích mà còn bởi chương trình ưu đãi cuối năm cũng như có xe ngay chứ không phải đặt cọc hay chờ đợi xe về như một số mẫu xe khác.

"Quyết tâm dốc hầu bao là bởi vì đang có chương trình ưu đãi của hãng xe. Mình đã thích "em này" từ lâu rồi nên đến đại lý xem xe rồi chọn luôn. Không dám rủi ro với đồng tiền để đi đặt cọc chờ xe" - anh Hùng chia sẻ.

Theo anh Hùng, qua tham khảo nhiều hãng và đại lý của Honda hay Toyota, kịch bản cuối năm là hàng về ít, giá khó giảm và thậm chí phải đặt cọc từ 20 - 50 triệu đồng mới mong có xe trước Tết Âm lịch.

"Vợ mình đang bầu cháu đầu tiên, năm qua hai vợ chồng cũng có để dành được chút ít nên muốn mua phương tiện để thỉnh thoảng đưa vợ con về thăm ông bà chứ trên Hà Nội thì mình chủ yếu đi lại bằng xe máy cho tiện.

Anh Hùng cũng như nhiều người khác có nhu cầu mua một chiếc xe "che nắng che mưa" giá rẻ, lâu lâu đánh xe ra cọ rửa vài lần. Nhưng hàng loạt các tín hiệu thị trường được trông ngóng trong năm 2018 không mang tới kỳ vọng ấy.

Vẫn là câu chuyện đã bàn đi bàn lại từ năm 2018, thuế nhập khẩu xe hơi từ các nước ASEAN giảm từ 30% xuống 0% nhưng giá xe trên thị trường không giảm bởi vì hàng về nhỏ giọt.

Lượng xe ít, nhu cầu cao, người mua xe đã không còn là Thượng đế. Thời điểm cuối năm 2017 rậm rịch đón năm 2018 được giảm thuế nhập khẩu về 0% càng nóng bao nhiêu thì một năm sau lại nguội lạnh bấy nhiêu.

Một số mẫu xe như Honda CRV và Toyota Fortuner còn tăng giá từ 20 đến 50 triệu đồng, người mua phải đặt cọc hơn 1 tháng nay nhưng chưa biết khi nào mới được giao chìa khóa đến tay.

Chị Cẩm Nhung (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, năm ngoái chị đã dự định mua Honda CRV nhưng vì nghe tin sang năm 2018 giá xe sẽ rẻ hơn và cũng chưa thực sự đủ tiền nên quyết tâm lùi lại việc mua xe.

Tuy nhiên, tới năm nay, càng nghe tin tức giá xe lại càng sốt ruột vì xe giá rẻ không thấy đâu, chỉ nghe tin tức hết hàng, tăng phí mà chị... chóng mặt.

"Cuối năm 2018 đã hy vọng sẽ có các chương trình kích cầu đón Tết, giá xe sẽ rẻ hơn chút ít. Nhưng cuối cùng thì nghe mọi người kháo nhau là làm gì có xe mà đòi giảm giá với kích cầu. Hỏi đại lý thì ai cũng cam kết có xe và mời mình đặt cọc. Năm ngoái Honda CRV đã có kịch bản không đủ xe giao cho khách dịp Tết và hối thúc đặt cọc. Thấy có vụ như vậy nên mình chưa dám xuống tay" - chị Nhung tiết lộ.

Thị trường xe hơi đã ghi nhận một số showroom mời mọc khách hàng mua xe kèm phụ kiện nếu muốn nhận được xe sớm. Các mẫu Honda CRV và Toyota Fortuner gây sốt trên thị trường vài năm gần đây đã được các đại lý mời mọc tăng giá lên 20-50 triệu.

Thậm chí, để được giao xe trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, khách hàng mua xe Ford Everest phải chịu chênh giá từ 50-70 triệu đồng, thậm chí có đại lý còn “thương lượng” chênh tới 100-150 triệu đồng.

Với mẫu Ford Explorer, hiện nay, khách hàng muốn nhận Ford Explorer 2018 sớm phải bỏ thêm số tiền từ 150-270 triệu đồng để mua phụ kiện.

Người mua sợ cơn sốc đặt cọc xe nhập khẩu nhưng hàng không về.

Ước mơ xe giá rẻ không xuất hiện ở Việt Nam được cho là sự mất cân bằng giữa cung và cầu.

Công ty Tư vấn Chiến lược hàng đầu tại châu Á - Solidiance hồi năm 2017 tuyên bố, số lượng xe hơi trên 1.000 dân ở Việt Nam mới chỉ dừng ở con số 16-17 xe, thấp hơn rất nhiều so với các nước khác trong khu vực ASEAN.

Chiếc xe ô tô vẫn là một tài sản và là thước đo độ giàu sang của một gia đình. Nắm được tâm lý này, việc các hãng xe bắt tay nhau nhập khẩu nhỏ giọt, đại lý giữ hàng, nâng giá, đòi đặt cọc đã trở thành câu chuyện xấu xí nhưng dễ hiểu.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/khat-xe-don-tet-ky-hoi-chenh-gia-la-chuyen-thuong-3372447/