Khát vọng vươn khơi (Kỳ 2: Bạn và nỗi niềm...tìm bạn)

Mỗi lần giong buồm vươn khơi, ngoài nỗi lo chống chọi với những hiểm nguy luôn rình rập trên biển, giờ đây, ngư dân miền Trung còn phải đối mặt một nỗi lo khác - nỗi lo tìm bạn đi biển...

Mỗi lần giong buồm vươn khơi, ngoài nỗi lo chống chọi với những hiểm nguy luôn rình rập trên biển, giờ đây, ngư dân miền Trung còn phải đối mặt một nỗi lo khác - nỗi lo tìm bạn đi biển...

Những người đi bạn ở Bình Châu theo thuyền thúng ra tàu lớn để tiếp tục vươn khơi. Ảnh: P.T

Tình bạn đi biển

Không như cách gọi dành cho lao động nhiều ngành nghề khác, cách gọi đối với lao động đi biển rất mộc mạc, chân chất nhưng cũng rất tình cảm. Họ gọi đó là những người đi bạn. Tùy theo tàu lớn, tàu nhỏ, tàu lưới rê, vây, câu mực, lặn mà số lượng người đi bạn có khác nhau. Ít nhất 6 người, nhiều từ 12-14 người. Cụm từ "người đi bạn" bao hàm nhiều nghĩa. Đó không đơn tuần là những lao động trên biển mà còn là người đồng cam, cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, sát cánh bên nhau trong lúc gặp hoạn nạn, hiểm nguy, cũng như lúc hạnh phúc, vui mừng vì trúng được vụ cá lớn. Chuyện về con tàu mang số hiệu ĐNa 90777 do ông Trần Văn Mười (Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) từ đầu năm 2018 đến nay, 4 lần giong tàu ra khơi đánh bắt thì có đến 2 lần "bỏ biển" để cứu tàu bạn gặp nạn, dù biết sẽ gây tổn thất, thiệt hại cho mình là minh chứng hùng hồn cho nghĩa cử cao đẹp của những người đi biển. Một trong hai vụ cứu tàu bạn đó là sáng ngày 15-5, tàu câu mực mang số hiệu QNa 90749 do ông Huỳnh Quốc Việt làm thuyền trưởng cùng 48 thuyền viên đáng đánh bắt tại vùng biển phía đông quần đảo Hoàng Sa thì bất ngờ xảy ra sự cố máy hỏng khiến tàu trôi dạt vô định. Lúc này, những ngư dân đi bạn trên tàu không hay biết sự cố này vì họ đang mỗi người một nơi trên những thúng nhỏ đi câu mực. Khi sự cố xảy ra, thuyền trưởng Quốc Việt bình tĩnh dùng bộ đàm liên lạc với các ngư dân đi bạn quay về tàu mẹ gấp, đồng thời phát thông tin trên tần số 8125 Kh2 thông báo tàu bị hỏng máy để cầu cứu các tàu bạn.

Nhận được tín hiệu cầu cứu, thuyền trưởng tàu ĐNa 90777 là ông Trần Tiến Hùng đang đánh bắt cách đó 80 hải lý lập tức liên hệ về đất liền báo với chủ tàu Trần Văn Mười xin ý kiến. Dù biết tàu mình vừa mới ra khơi, chưa đánh bắt được gì, nhưng khi nghe tin tàu bạn gặp nạn, ông Mười không mảy may đắn đo suy tính thiệt hơn, chỉ đạo cho thuyền trưởng Trần Tiến Hùng bằng mọi cách phải lai dắt, cứu được tàu bạn, còn thiệt hại tính sau. Sau hành động nghĩa hiệp này, giới báo chí đã tìm gặp ông hỏi chuyện. Câu trả lời nhẹ tênh của người chủ tàu có hành động đáng trân quý này khiến nhiều người biết chuyện xúc động: "Cũng là bà con, ngư dân mình đi làm ăn, đánh bắt trên biển xa. Thế nên khi nhận điện báo của thuyền trưởng Hùng báo về hỏi ý kiến, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là tính mạng của gần 50 con người trên tàu bạn gặp sự cố. Tính mạng của con người là vô giá. Vì thế tôi yêu cầu anh Hùng bằng mọi giá phải lai dắt được tàu bạn về đất liền. Còn chuyện gì tính sau!". Hay như chuyện của ngư dân Nguyễn Chính ở Bình Châu (Quảng Ngãi) khi biết được tàu của ông Nguyễn Tấn Ngọt bị tàu cá Trung Quốc tấn công, va đập dẫn đến chìm tàu đã cố tìm cách cứu 6 thuyền viên trên tàu, đưa họ trở về cảng Sa Kỳ an toàn vào gần cuối tháng 4 vừa qua cũng là một minh chứng cho tình người đi bạn...

Sau mỗi chuyến ra khơi, ngư dân ở Bình Minh (Thăng Bình, Quảng Nam) lo tu bổ lưới, ngư cụ chuẩn bị cho chuyến biển sau.

Đỏ mắt tìm bạn đi biển

Trước mỗi chuyến ra khơi đánh bắt, chủ tàu thường cho những người đi bạn với mình tạm ứng vài triệu đồng, có khi cả chục triệu đồng để họ để lại cho vợ con lo chi phí sinh hoạt trong những ngày theo tàu, theo con nước ra khơi đánh bắt hải sản. Sau mỗi chuyến đi, trừ toàn bộ chi phí, việc ăn chia giữa chủ tàu với người đi bạn thường được chia theo tỉ lệ 60-40, 50-50 tùy vào sự đầu tư, bỏ vốn của chủ tàu. Những năm gần đây, cùng với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ với nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi, ngư dân các tỉnh miền Trung đã mạnh dạn đầu tư nhiều tàu lớn để vươn khơi đánh bắt hải sản, làm giàu từ biển. Kinh tế biển phát triển kéo theo đó là nhu cầu tìm người đi bạn ngày càng nhiều. Có ngư dân đầu tư cùng một lúc hai, ba con tàu công suất lớn. Việc tìm được những người đi bạn giỏi tay nghề, chịu sóng, chịu gió, gắn bó thủy chung với mình vì thế ngày càng khan hiếm hơn. Và cũng từ đây nảy ra sinh ra nhiều chuyện "dở khóc", "dở cười" của các chủ tàu trong việc tìm kiếm bạn đi tàu.

Là một trong số những tỉnh thành có biển có số lượng tàu vươn khơi đánh bắt xa bờ vào loại lớn nhất nước, Bình Định hiện có 6.432 tàu đăng ký, trong đó tàu có công suất 90 CV trở lên chiếm đến 3.700 chiếc (57,5%). Trong số đó, riêng H. Hoài Nhơn đã chiếm đến 2.445 tàu/1,54 triệu CV với 2.170 tàu đánh bắt xa bờ. Với lực lượng tàu hùng hậu như vậy, ngư dân Bình Định nói chung, H.Hoài Nhơn nói riêng đang phải đối mặt với câu chuyện nan giải tìm người đi bạn, làm cách gì để giữ chân và không bị bạn "quỵt" tiền tạm ứng rồi không chịu đi biển cùng mình. Ông Nguyễn Nổi (68 tuổi), trú Tam Quan Nam (Hoài Nhơn, Bình Định)- hiện là chủ 2 con tàu: 1 vỏ thép, 1 vỏ gỗ chia sẻ nỗi niềm tìm người đi bạn: "Tui đóng tàu lớn để vươn khơi cho an toàn. Nhưng tìm người đi bạn bây giờ khó quá. Mỗi chuyến tàu vỏ thép ra khơi cần từ 12-14 người, đi 20- 25 ngày. Tỉ lệ ăn chia là 60-40 (đã trừ các khoản chi phí). Trước mỗi chuyến đi, bao giờ bạn cũng tạm ứng tiền để đưa cho gia đình. Muốn họ đi chung thủy với mình trong một năm, thường tui phải cho họ vay, tạm ứng từ 15-20 triệu đồng/năm. Có đợt bạn khan hiếm, mỗi chuyến vươn khơi, tui phải kiếm tiền để cho họ tạm ứng từ 5-6 triệu/người. Ngặt nỗi, có hồi nhận tiền tạm ứng xong, bạn bỏ đi một hơi. Mất tiền mà chẳng biết kêu ai.

Niềm vui của ngư dân miền Trung sau mỗi đợt vươn khơi, trúng vụ cá. Ảnh: Công Khanh

Ở Hoài Nhơn này, tàu nhiều nên bạn thiếu. Vừa rồi, tàu gỗ tui ra khơi, có chuyến mất 150 triệu đồng, 2 chuyến mất 300 triệu đồng. Xanh mặt luôn. Nói thiệt, nếu không có chủ trương hỗ trợ dầu 4 chuyến/năm của Nhà nước, mấy chủ tàu như tui chẳng dám ra khơi vì lỗ lã". Xác định lời chủ tàu Nguyễn Nổi, ông Ngô Thanh Thoại- chuyên viên Phòng kinh tế H.Hoài Nhơn- cho biết thêm, thực tế đang xảy ra ở Hoài Nhơn là một người đi bạn có thể cùng lúc tạm ứng tiền của cả hai, ba chủ tàu nhưng rồi lại không đi ai cả. Do giữa họ không làm hợp đồng giao kèo nên không có cơ sở, chế tài để xử lý. "Họ cần tìm người bạn nhưng lại không làm hợp đồng. Bởi nếu làm hợp đồng thì không ai chịu đi bạn với tàu họ cả"- ông Thoại giải thích thêm. Chuyện ông Nổi cũng là nỗi niềm của những chủ tàu ở Bình Châu (Quảng Ngãi). Hôm gặp thuyền trưởng Đặng Tằm đúng lúc ông chuẩn bị lên tàu ra Hoàng Sa. Cũng vừa lúc đó, có 2 người đi bạn vào nhà tạm ứng tiền. Đưa cho mỗi người tạm ứng 800 ngàn - 1 triệu đồng, vợ ông vừa than thở: "Nói thiệt với cô, mình không cho tạm ứng trước thì họ không đi với mình. Nhưng có người tạm ứng xong rồi nhưng không đi mà không trả cho mình. Nhiều chuyến đi về nếu không trúng cá, chia chác ra chẳng được bao nhiêu. Nhiều lúc lỗ chổng vó. Làm chủ tàu cực lắm chứ đâu giỡn chơi".

Qua tìm hiểu, được biết, có thời điểm quá khan hiếm trong việc tìm người đi bạn, một số chủ tàu miền Trung đã phải thuê người...miền núi về đi biển.

Phan Thủy

Kỳ tới: Phía sau những con tàu vỏ thép

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_190859_khat-vong-vuon-khoi-ky-2-ban-va-noi-niemtim-ban-.aspx