Khát vọng thịnh vượng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Chỉ phát biểu trong vòng vài phút ngắn ngủi ở thời điểm kết thúc Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2018, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không ít lần nhắc tới nguy cơ 'tụt hậu', 'bị bỏ lại phía sau' trước khi nói về những giải pháp đột phá và khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan trao đổi bên lề Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2018

Tránh bẫy thu nhập trung bình, thoát nguy cơ bị tụt lại phía sau

Phát biểu kết luận Diễn đàn,Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng khi Diễn đàn lại bắt đầu sang một trang mới với tên gọi Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF).

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, điều này cho thấy sau hơn 25 năm, đây là dấu mốc chuyển mình của Việt Nam, từ một nước nhận viện trợ, đã vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, năng động hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Đồng thời, cũng là quốc gia sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và tích cực giải quyết những vấn đề toàn cầu.

Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định: “Trong mỗi bước đi trên hành trình này, Việt Nam luôn nhận được sự đồng hành từ phía các đối tác, nhà tài trợ. Không chỉ viện trợ nguồn lực, mà niềm tin, sự khích lệ từ phía các quý vị cũng là động lực đối với sự phát triển của chúng tôi. Chính niềm tin đó cũng là thành quả của Việt Nam trên chặng đường hội nhập, phát triển.

Người Việt Nam thường nói có niềm tin là có tất cả, mất niềm tin là mất tất cả. Nhờ niềm tin vào con đường cải cách đã lựa chọn, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong 30 đổi mới”.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Kết quả, kinh tế tăng trưởng liên tục với mức cao, GDP đạt 6,6%/năm. Riêng năm 2018, GDP dự kiến khoảng 7%/năm. Thu nhập bình quân 2.450 USD/người. Song song với phát triển kinh tế, Việt Nam đã đạt được thành công trong việc giảm nghèo, tỷ lệ thu nhập dưới 1,9 USD/ngày giảm xuống 2% vào năm 2017.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để chuyển đổi thành công từ một quốc gia có trình độ phát triển thấp trở thành một nền kinh tế có thu nhập trung bình với tốc độ phát triển cao và ổn định là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế rằng một quốc gia như Việt Nam ngày nay có thể vượt thoát bẫy thu nhập trung bình trở thành nước có thu nhập trung bình cao sẽ càng là thử thách đầy khó khăn không kém.

“Nếu không làm được thì thành quả đổi mới của nhiều năm qua giảm đi rất nhiều”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận, Việt Nam vẫn đứng trước nhiều nguy cơ. Trong đó, nguy cơ bị bỏ lại, rơi vào bẫy thu nhập trung bình rất lớn.

“Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện 3 điểm nghẽn chiến lược cản trở sự phát triển là thể chế, cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực. Nhưng những kết quả này chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, cũng như chưa tương xứng với tốc độ phát triển mà Việt Nam kỳ vọng trong giai đoạn tới đây.

Với tinh thần đó, tôi mong muốn các bạn, các nhà tài trợ, tiếp tục gửi gắm niềm tin và đồng hành với chúng tôi trong thời gian tới, giúp Việt Nam tránh được bẫy thu nhập trung bình, thoát nguy cơ bị tụt lại phía sau trong thế giới toàn cầu hóa”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng tiếp tục lưu ý thách thức càng lớn hơn khi thế giới đang có nhiều biến động, cơ hội thách thức đan xen, kinh tế thế giới phục hồi nhưng còn thiếu vững chắc, cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều lo ngại về sự nổi lên của chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, xung đột căng thẳng tại một số quốc gia trên thế giới… Điều đó ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

“Việt Nam có tầm nhìn và khát vọng về một quốc gia thịnh vượng vào 2045 - mốc lịch sử 100 năm độc lập. Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 30 năm tới tương đương với 30 năm qua sẽ không hề dễ dàng, bởi vì khi đạt được mức tăng trưởng cao, để tăng trưởng cao hơn nữa sẽ rất thách thức. Tuy nhiên, Việt Nam luôn cháy mãi khát vọng thịnh vượng, với mục tiêu sẽ gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập cao trên thế giới và là thành viên có trách nhiệm, chia sẻ trở lại với cộng đồng quốc tế trong những thập niên tới.

Sự phát triển của Việt Nam được đặt trong tổng hòa của tính bền vững, bao trùm về kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường tự nhiên. Đó là một nền kinh tế dựa trên tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, và có khả năng chống chịu cao với biến đổi khí hậu, thiên tai và mọi người dân đều dược hưởng lợi từ thành quả phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ.

Có khát vọng, có niềm tin vào tương lai nhưng Việt Nam cũng nhận thức rõ con đường hiện thực hóa tầm nhìn và chiến lược phát triển của mình không bằng phẳng mà sẽ chông gai, nhiều thách thức. Những thách thức đến từ nội tại nền kinh tế cũng như từ môi trường quốc tế đầy cạnh tranh và bất ổn.

Với thể chế kinh tế xếp vị trí 94/140 quốc gia, Việt Nam đang ở thế bất lợi trong cạnh tranh toàn cầu. Việt Nam đã cải cách nhiều về thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, tạo kênh tương tác trực tiếp giữa người dân và chính quyền... Tập chung chuyển đổi số, ưu tiên khung pháp lý về số hóa, đổi mới cơ chế đánh giá cán bộ, tuyển dụng người tài. Trong đó, nhân lực là chìa khóa vàng cho thành công trong tương lai.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Hiện Việt Nam chỉ có 40% lực lượng lao động qua đào tạo và thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng trong Cách mạng công nghiệp 4.0. Chúng tôi luôn hiểu rằng, con người là trung tâm, vừa là động lực vừa là mục tiêu của sự phát triển. Con người và Công nghệ ví như chiếc chìa khóa và cái ổ khóa, phải tương thích với nhau. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ không còn khả thi nếu chúng ta thiếu vắng con người 4.0”.

Thủ tướng cũng cho biết, trong giai đoạn tới, Việt Nam ưu tiên đầu tư cho hạ tầng thông minh, hạ tầng công nghệ số để tăng khả năng kết nối các yếu tố và tài nguyên của nền kinh tế.

Không thực hiện đồng thời cải cách và phát triển, ngay lập tức sẽ bị tụt hậu

Trước đó, phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh Cách mạng 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới, làm thay đổi mạnh mẽ từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh đến cách thức tiêu dùng, cách thức giao tiếp, thậm chí làm thay đổi cả con người, chúng ta đang đứng trước yêu cầu lịch sử là phải đổi mới, cải cách mạnh mẽ, căn bản để tiếp tục phát triển, đi lên.

“Nếu không thực hiện đồng thời cải cách và phát triển, chúng ta sẽ ngay lập tức bị tụt hậu so với thời đại”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tặng tài liệu Khung chính sách kinh tế Việt Nam cho Ngân hàng Thế giới. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thành quả quan trọng nhất của 30 năm “Đổi mới” là đã làm thay đổi hẳn diện mạo kinh tế Việt Nam, đời sống người dân được cải thiện, tỷ lệ nghèo đói giảm mạnh. Đồng thời, tầm vóc, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế từng bước cải thiện.

Song câu hỏi lớn đặt ra hiện nay là làm thế nào để tận dụng triệt để được mọi cơ hội, nhất là cơ hội từ cuộc Cách mạng 4.0 vượt qua được các khó khăn, thách thức, làm rõ các động lực tăng trưởng mới với tầm nhìn phát triển trong kỷ nguyên mới.

Đây là thời điểm “vàng” bởi chúng ta đang đứng trước những cơ hội quý. Cơ hội về tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao, tỷ lệ qua đào tạo ngày càng tăng; cơ hội về hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định: “Thời gian và vận hội sẽ không chờ đợi chúng ta! Chúng ta không thể không không nắm bắt lấy những cơ hội quan trọng này. Chúng ta phải cải cách và phát triển với tất cả sự quyết tâm, với sức mạnh mà hơn 30 năm trước chúng ta đã làm được”.

Hoàng Nhật

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/khat-vong-thinh-vuong-cua-thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-936528.html