Khát vọng 'thay đổi chính mình'

Trước đây, ở Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đa số các tác động vào mạng lưới phải thực hiện vào ban đêm để giảm nguy cơ sự cố.

Việc phải khai báo thủ công hàng nghìn câu lệnh trong một đêm, vừa phải giữ liên lạc, phối hợp với đội ngũ kỹ sư ngoài thực địa khiến lực lượng kỹ sư khai thác dễ mắc sai sót và năng suất lao động cũng không cao, trung bình mất khoảng một giờ để tạo kịch bản và khai báo cho một trạm. Với lực lượng kỹ sư ngoài thực địa thì việc phải đi lại, phối hợp trong đêm cũng tiềm ẩn những nguy cơ về an toàn lao động.

Kỹ sư Nguyễn Đức Dũng.

Kỹ sư Nguyễn Đức Dũng.

Tuy nhiên, sau khi sáng kiến “Nền tảng tự động hóa mạng viễn thông Viettel” do kỹ sư Nguyễn Đức Dũng, nhân viên Trung tâm Kỹ thuật toàn cầu, Tổng công ty Mạng lưới Viettel, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội ra đời, đội ngũ cán bộ, nhân viên Viettel đã có thể “tự tin” tác động mạng lưới vào ban ngày mà không lo gặp phải sự cố. Ngoài ra, tất cả thao tác chỉ gói gọn trong một cái nhấp chuột và chỉ sau 5 phút, mọi thứ được hoàn thành với độ chính xác tuyệt đối. Việc giảm thời gian làm việc ban đêm cũng giúp cải thiện tinh thần, sức khỏe cho anh em. Chưa hết, sáng kiến này đã tạo ra kỳ tích 36.000 trạm 4G được tích hợp tự động toàn trình, khép kín trên hệ thống tự động hóa mạng IP trong thời gian 6 tháng, mà nếu làm theo cách cũ thì có lẽ phải mất cả năm 2017, Viettel mới có thể khai trương được dịch vụ.

Nguyễn Đức Dũng bộc bạch: “Trước đây tôi luôn tự hỏi, liệu mình có thể làm gì để giúp bản thân cũng như các đồng nghiệp giải phóng khỏi công việc gõ hàng nghìn câu lệnh bằng tay mỗi đêm? Bởi anh em làm công việc khai báo, tác động hệ thống vất vả ngày đêm nhưng chỉ cần một câu lệnh sai thì coi như công lao đổ sông đổ biển. Đặc biệt, từ cuối năm 2016, tập đoàn bắt đầu triển khai 4G và quan điểm là sẽ làm rất nhanh với số lượng trạm khổng lồ, nếu cứ làm bằng tay theo cách cũ thì không thể kịp. Trong khi cả tập đoàn rạo rực vì 4G, mình là kỹ sư khai thác, là người trong cuộc, phải thay đổi và thay đổi đó phải thực sự đột phá”.

Nhận một việc mới hoàn toàn, tư duy ban đầu của Nguyễn Đức Dũng và cả nhóm là đi học hỏi cách làm của các nhà cung cấp thiết bị trên thế giới đã có sẵn sản phẩm thương mại. Anh tham gia khóa đào tạo về sản phẩm tương tự của một nhà cung cấp thiết bị và giải pháp hàng đầu thế giới. Thế nhưng sản phẩm của đối tác lại không có tính tùy biến, không tương thích với hệ sinh thái trong mạng lưới Viettel. Nếu muốn áp dụng sản phẩm này, Viettel buộc phải đầu tư thêm thiết bị, nâng cấp hệ thống. Mức giá khảo sát sản phẩm của đối tác ngày đó đã là cả triệu đô-la. Và quyết định cuối cùng được lựa chọn là tự làm, tự xây dựng nên sản phẩm của riêng mình với một niềm tin rằng: “Mình hiểu mạng lưới của mình thì chắc chắn làm sẽ nhanh hơn và đặc biệt là phù hợp hơn”.

Sau hai tháng thầm lặng, miệt mài nghiên cứu và lập trình, một phiên bản thử nghiệm đã hình thành để báo cáo cấp trên, chứng minh hệ thống tương lai sẽ “chạy được”. Điều làm Dũng bất ngờ là Ban tổng giám đốc tổng công ty đã đánh giá đây là một sản phẩm thực sự chất lượng, có tính tổng quát và tiềm năng mở rộng, là nền tảng để tự động hóa toàn bộ mảng viễn thông cũng như công nghệ thông tin.

Kỹ sư Nguyễn Đức Dũng tâm sự: “Nền tảng tự động hóa chính là sản phẩm trong giấc mơ của tôi cũng như các kỹ sư IP ở Viettel, sau nhiều năm nay đã trở thành hiện thực. Đây thực sự là một cuộc cách mạng làm thay đổi phương thức vận hành khai thác của VTNet từ người làm sang máy làm”.

Bài và ảnh: HỒNG SÁNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/khat-vong-thay-doi-chinh-minh-652308