Khát vọng nâng tầm 'Cua biển Năm Căn'

Trên dải đất hình chữ S, có biết bao loài hải sản tươi ngon. Khi thưởng thức, thực khách sẽ không quên được mùi vị đặc trưng vốn có của nó. Trong số đó, có thể kể đến 'Cua biển Năm Căn' (Cà Mau) - một thương hiệu đã được Hợp tác xã Cua biển Năm Căn xây dựng khá thành công.

Cua ngon, chắc thịt, ăn một lần nhớ mãi

Năm Căn là huyện ven biển của tỉnh Cà Mau, có hệ sinh thái đa dạng, màu mỡ tạo được lượng thức ăn tự nhiên dồi dào cho con cua phát triển nhanh và chắc thịt. Để xây dựng nhãn hiệu tập thể con cua ngon và khắc phục điểm yếu về mua bán nhỏ lẻ theo từng nông hộ, từ tháng 12/2017, Hợp tác xã G.V.H.B cua biển Năm Căn đã được thành lập (tại khóm Cái Nai, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn) nhằm mở rộng vùng nuôi cua nguyên liệu với quy mô lớn.

Hợp tác xã có 18 thành viên, với số vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu là cung cấp cua thương phẩm, con giống, thuốc xử lý ao đầm và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Gần hai năm đi vào hoạt động, tuy còn mới và gặp không ít khó khăn, nhưng bước đầu Hợp tác xã đã tạo được uy tín và niềm tin nơi người tiêu dùng; đồng thời tạo được nhiều việc làm ổn định cho những lao động tại địa phương.

Trụ sở của Hợp tác xã cua biển Năm Căn – Cà Mau.

Trụ sở của Hợp tác xã cua biển Năm Căn – Cà Mau.

Ông Lê Quốc Việt, Giám đốc Hợp tác xã Cua biển Năm Căn cho biết: “Cua biển Năm Căn ngon là nhờ sống trong môi trường nước mặn cao, có lượng phù sa lớn nên thịt cua chắc và thơm ngon. Ngoài ra cũng cần nói rằng, Năm Căn có địa hình giáp biển, độ mặn cao quanh năm. Đặc biệt, có môi trường lý tưởng là rừng ngập mặn với hệ sinh thái cây đước, cây mắm phong phú tạo nhiều thức ăn cho cua. Cua nuôi tự nhiên không cho thức ăn, không có chất tăng trọng và không dùng thuốc trị bệnh nên cua sạch hoàn toàn”.

Cua biển Năm Căn chủ yếu được nuôi thâm canh theo hướng tự nhiên trong các vuông tôm hoặc kết hợp với rừng cùng các loài thủy sản khác trên diện tích 25,6 nghìn ha. Có thể nói, Cua Năm Căn là một loại đặc sản tuyệt vời của vùng đất cực Nam Tổ quốc - là quà tặng thiên nhiên mang đến cho con người.

Để giúp khách hàng phân biệt cua Năm Căn với cua nơi khác, ông Việt hướng dẫn: “Dùng ngón tay cái bóp mạnh bụng cua, nếu là cua Năm Căn bụng sẽ cứng dù cố sức. Thân cua sậm màu, vỏ chắc, không phải màu trắng, xanh đục như cua nuôi công nghiệp. Cua rất mạnh khỏe, chỉ cần cho uống nước cũng có thể sống thêm 3 - 5 ngày là bình thường. Cua được trói bằng loại dây thiết kế riêng nhỏ, mỏng, gần như không trọng lượng có in logo của Hợp tác xã ”.

Ông Lê Quốc Việt, Giám đốc Hợp tác xã cua biển Năm Căn (thứ tư từ trái sang) tham gia Hội chợ thủy sản tại Quảng Ninh.

Cua biển Năm Căn được nuôi và xuất bán theo nhu cầu của thị trường và được lựa chọn kỹ càng đảm bảo đầu ra chất lượng. Khách hàng của Hợp tác xã từ các tỉnh, thành trong nước và Trung Quốc đều khá hài lòng với chất lượng con cua. Việc nuôi và chăm sóc cua cũng khá đơn giản. Sau khi chọn được con giống tốt, người nuôi thả vào vuông khoảng 3 - 4 tháng là bắt đầu thu hoạch. Cua thơm ngon tự nhiên, thịt cua ngọt, thơm bùi và chắc thịt, còn gạch cua cái thì béo ngậy và rất thơm. Chính vì chất lượng luôn đảm bảo và dây trói mỏng nhẹ nên trên thị trường cua Năm Căn thường có giá cao hơn cua các vùng khác từ 20.000 - 30.000 đồng/kg.

Là khách hàng thường xuyên của Hợp tác xã cua Năm Căn, anh Giang Trung Thái, kinh doanh cua biển ở TP Hồ Chí Minh nói: “Tôi chọn mua cua Năm Căn vì cua ngon, thịt chắc, ngọt, gạch đầy nên chuyện giá cả không thành vấn đề”. Còn chị Phạm Thanh Phương (chuyên kinh doanh các mặt hàng thực phẩm an toàn đến từ các Hợp tác xã ở Hà Nội) cho rằng: “Cua Cốm của Hợp tác xã thịt nhiều, thơm bùi, cua thịt rất ngọt và chắc thịt, còn gạch cua thì béo ngậy. Tuy giá cao hơn cua các vùng khác nhưng người tiêu dùng quan tâm vẫn là chất lượng con cua”.

Xây dựng thương hiệu uy tín cho cua Năm Căn

Vì cua Năm Căn được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng nên hiện nay có không ít nơi mạo danh để trục lợi, bán cua không chất lượng nhằm thu lợi bất chính. Sẽ không khó để mua những con cua “mạo danh” trong các chợ tại Thành phố Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều nơi khác. Không những thế, nó còn được bày ra lề đường và được chào bán với giá rất rẻ, tuy nhiên chất lượng như thế nào thì chỉ khi “thượng đế” mua về và ăn rồi mới biết.

Cua được trói bằng loại dây nhẹ, mỏng có in logo của Hợp tác xã .

Từ thực tế đó, Hợp tác xã cua biển Năm Căn tiếp tục có kế hoạch quảng bá thương hiệu bằng nhiều hình thức như: xây dựng hình ảnh nhãn hiệu tập thể thông qua nhiều tờ báo uy tín; nâng cao chất lượng trang web: cuanamcan.com.vn trên mạng internet để tạo sức lan tỏa rộng rãi giúp khách hàng dễ dàng nhận biết cua Năm Căn. Từ đó giúp người tiêu dùng có sự lựa chọn đúng đắn khi mua cua.

Chia sẻ với chúng tôi về kế hoạch phát triển nhãn hiệu tập thể cua Năm Căn, ông Lê Quốc Việt, Giám đốc Hợp tác xã cua Năm Căn cho biết: “Hợp tác xã sẽ xây dựng phương án, kế hoạch nuôi cua phù hợp với yêu cầu của thị trường, đồng thời đẩy mạnh phát triển quy mô, dịch vụ nuôi trồng thủy sản khép kín, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh tạo dựng uy tín trên thị trường. Bên cạnh đó, thực hiện mô hình nuôi cua theo hướng an toàn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và sắp xếp bố trí lại sản xuất theo hướng qui mô lớn hơn nhằm giảm chi phí, công lao động và nâng cao thu nhập cho người nuôi, tiến lên sản xuất, kinh doanh theo mô hình liên kết quy mô lớn”.

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và sự quan tâm của chính quyền địa phương, hiện nay vùng nuôi của Hợp tác xã cua biển Năm Căn – Cà Mau đã được hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi. Bên cạnh đó, ngành chức năng của huyện còn quan tâm chuyển giao khoa học – kỹ thuật từ khâu sản xuất kinh doanh con giống đến hướng dẫn nông dân thực hiện mô hình nuôi theo hướng an toàn, giảm chi phí đã giúp Hợp tác xã từng bước xây dựng được thương hiệu, tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu ổn định lâu dài, định hướng phục vụ cho xuất khẩu.

Cua của Hợp tác xã được đóng thùng cẩn thận trước khi xuất bán.

Ông Tô Hoài Phương, Chủ tịch UBND huyện Năm Căn khẳng định: “Ở vai trò của chính quyền địa phương, chúng tôi sẽ hết sức cố gắng tạo những điều kiện thuận lợi nhất để Hợp tác xã cua biển Năm Căn phát triển thương hiệu, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh và nâng tầm uy tín trên thị thường cả trong nước và quốc tế”.

Thương hiệu “Cua biển Năm Căn” phát triển đã góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ nội địa được mở rộng, đồng thời lan tỏa thông điệp kêu gọi các doanh nghiệp trong nước sản xuất hàng hóa chất lượng cao để xuất khẩu. Việc khẳng định thương hiệu con cua biển Năm Căn thơm ngon, chắc thịt, gạch thơm béo hơn cua biển những vùng khác là một lợi thế để Hợp tác xã dịch vụ cua biển Năm Căn xây dựng thương hiệu phát triển bền vững, đưa con cua biển của Việt Nam vươn tầm xa thế giới.

Cua biển Năm Căn thơm ngon là thực phẩm giàu protein, khoáng chất cùng các dưỡng chất như axít béo omega-3 rất tốt cho não bộ và tim mạch, rất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Có thể chế biến cua thành nhiều món ăn ngon bổ dưỡng như: Cua hấp bia, cua luộc, cua rang me, cua rang muối, cua sốt mỡ hành, cua trộn gỏi rau càng dừa, cua nấu cà-ri, bánh canh cua, súp cua… Tuy có nhiều cách chế biến khác nhau, lựa chọn loại cua khác nhau (cua cốm, cua gạch, cua thịt) nhưng đều có chung vị thơm ngon khó cưỡng. Những ai đã từng ăn cua Năm Căn, nếm qua vị thịt cua sẽ cảm nhận được sự khác biệt so với các loại cua mua đại trà ở nơi khác.

Long Đỉnh - Hải Âu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nhip-song-hom-nay/khat-vong-nang-tam-cua-bien-nam-can-458397.html