Khát vọng làm giàu từ biển khơi

Dọc dải đất ven biển Phú Yên có hàng trăm gia đình nhiều đời nối nghiệp gắn bó với nghề biển. Với họ, biển là một phần sự sống, là nơi mưu sinh. Vì vậy, khát vọng vươn khơi, bám biển làm giàu cũng song hành với ý thức bảo vệ biển đảo.

Lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc là một phần không thể thiếu trên những con tàu của ngư dân đánh bắt cá ngừ TP Tuy Hòa trong mỗi chuyến vươn khơi.

Lấy biển làm nhà

Lão ngư Trần Người, ở làng biển Đông Tác có 4 người con trai nối nghiệp cha ra biển. Sản nghiệp của đại gia đình ông bây giờ là 5 chiếc tàu với tổng công suất trên 2.000CV. Những năm qua, nghề biển nhiều đận thăng trầm, song những con tàu của gia đình ông vẫn vươn khơi bám biển vững vàng, một năm tập đoàn đánh bắt từ 8 đến 9 chuyến biển.

Đặc biệt, người con trai lớn Trần Như được biết đến không chỉ là một chủ tàu, một thuyền trưởng trẻ, giỏi giang chuyện nghề, can trường với sóng gió, mà còn là một trong những tỉ phú hàng đầu của làng cá ngừ đại dương ở Đông Tác. Những nhọc nhằn, gian khó, hiểm nguy của cuộc mưu sinh trên các con tàu đánh bắt xa bờ, không có điều gì anh chưa nếm trải.

Có năm, đội tàu đang ở giữa biển thì gặp bão, không ai kịp đưa tàu vào đảo để trú ẩn. Sóng to, gió mạnh quá khiến cho con tàu ngả nghiêng như sắp bị đánh úp. Trần Như chỉ huy đội tàu gia đình và các anh em trong tập đoàn khu phố Đông Tác cố gắng dùng dây neo buộc, kết chặt các phương tiện lại với nhau như một cái bè lớn, nhờ vậy đã không bị gió bão nhấn chìm...

Để làm nghề đánh bắt xa bờ này, hiện nay, mỗi tàu cá của các con ông Người có chiều dài từ 15 đến 18m. Ngoài chiếc máy thủy với công suất 360 đến trên 500CV, trên tàu còn được lắp đặt nhiều máy móc hiện đại khác như: Máy dò cá, máy thông tin tầm xa HF, máy định vị, đàm dài, đàm ngắn... có cả ti vi để xem thời sự, tin tức, có máy hát với bộ loa thùng để lúc nghỉ ngơi, anh em nghe nhạc, ca hát giải tỏa nhọc nhằn.

"Cuộc sống giữa biển khơi không khác ngồi tại nhà. Nhờ tâm thế bám biển như vậy, mỗi năm, cả tập đoàn gia đình ông đã khai thác hàng trăm tấn cá ngừ, một lao động trên phương tiện được chia từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Con cháu tôi đứa nào cũng có nhà cửa khang trang, cuộc sống no đủ, sung túc" - Ông Người tự hào bộc bạch.

Giấc mơ vượt ao làng

Đến nay đã gần 20 năm, từ lúc ngư dân các làng biển TP Tuy Hòa nhập cuộc với nghề đánh bắt cá ngừ đại dương. Tuy chưa phải là khoảng thời gian dài để được định danh thành một làng nghề, nhưng những thành quả có được bây giờ đã phần nào khẳng định sự vững vàng từ công cuộc chinh phục biển khơi của bà con ngư dân nơi này.

Theo lão ngư Trần Kim Hoa, tay săn cá ngừ đại dương, một thời nổi tiếng ở làng biển phường 6, TP Tuy Hòa, đó là cả quá trình tích lũy kinh nghiệm, mày mò, học hỏi và luôn nỗ lực tìm kiếm phương cách để khai thác cá ngừ đại dương hiệu quả nhất.

Chỉ tay về phía những con tàu đang mở neo, chuẩn bị rời bến cảng, ông Hoa cho biết, hồi đầu hành nghề đánh bắt cá ngừ, chiếc tàu máy lớn nhất ở làng biển này cũng chỉ 90CV. Mỗi chuyến biển no chừng 3, 4 tạ cá. Bây giờ toàn bộ đội tàu kia đã nâng máy thủy lên trên 400 CV. "Chỉ có dám mạnh dạn vươn khơi, dám đầu tư tàu to, máy lớn thì mới có thể đổi đời, mới vươn lên mạnh mẽ, vững chắc như bây giờ. Mỗi chuyến ra khơi đem về có khi đến 5, 6 tấn cá".

Sở hữu 2 con tàu đánh bắt xa bờ trị giá hơn 4 tỷ đồng, ngư dân Lê Tấn Hồng vẫn không ngừng nỗ lực trên hành trình vươn khơi bám biển.

Tại hội nghị gặp mặt những ngư dân tiêu biểu tỉnh Phú Yên nhận hỗ trợ của chương trình "Vì những con tàu xa khơi" do BĐBP phát động, ngư dân Lê Tấn Hồng cho biết, dù đã sở hữu hai chiếc tàu công suất lớn trị giá gần 4 tỷ, anh vẫn đang xây dựng dự án tàu vỏ thép theo Nghị định 67. Cùng lúc, phương tiện sẽ làm hai nghề, vừa đánh bắt cá ngừ, vừa làm lưới rút vây, sẽ bám biển quanh năm.

Anh Hồng thổ lộ, "Cuộc đời gần 30 năm bám biển, tôi đã thông thuộc từng con nước, dòng chảy, mực thủy triều lên xuống, rành hết tất cả các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của đất nước, nhớ rành mạch tọa độ từng cảng biển, từ Đà Nẵng, qua suốt dọc vùng miền Trung đến tận cùng đất nước ở mũi Cà Mau.

Biển cả như một phần cuộc đời, tình yêu biển đã gắn liền với niềm đam mê vươn khơi, bám biển trong tôi. Tôi biết ơn Chính phủ, các cấp, ngành chức năng, nhất là BĐBP đã quan tâm đến công cuộc mưu sinh của ngư dân, đã tạo điều kiện cho ngư dân bám biển, làm giàu từ biển".

Đội tàu đánh bắt cá ngừ đại dương của gia đình lão ngư Trần Người ở làng biển Đông Tác đang chuẩn bị ra khơi trong mùa biển mới 2015.

Anh Hồng cũng cho biết, để có thể tiếp cận và vận hành được tàu vỏ sắt, anh đã tranh thủ giữa các chuyến nghỉ biển tham gia các lớp học về chương trình đánh bắt xa bờ do tỉnh tổ chức. Vào tận TP Hồ Chí Minh, anh tham quan, học tập, tìm hiểu về mô hình đóng tàu vỏ sắt, tập vận hành con tàu.

Mới đây, anh đã vận động anh em ngư dân trong địa bàn xây dựng tổ Hải Đăng gồm 30 chủ tàu cùng liên kết, hỗ trợ nhau làm ăn trên biển. Lê Tấn Hồng còn tiên phong trong việc liên doanh liên kết với doanh nghiệp thủy sản Bá Hải để tổ chức sản xuất cá ngừ đại dương theo mô hình chuỗi giá trị, đi đầu trong ứng dụng kỹ thuật khai thác tiên tiến của Nhật Bản để nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác.

"Điều quan trọng cốt lõi của người tham gia dự án là phải làm ăn đạt hiệu quả. Chỉ có thành công, đạt hiệu quả từ kinh tế mới có lực đẩy để chúng tôi tiếp tục bám biển làm ăn, thường xuyên hiện diện nơi đó để khẳng định chủ quyền Tổ quốc" - Anh Hồng nói.

"Khát vọng vươn khơi, bám biển đánh bắt trong bà con mình còn lớn hơn rất nhiều" - Lão ngư Phan Thuẩn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá TP Tuy Hòa khẳng định. Ông cho biết, từ khi Nghị định 67 của Chính phủ về Chính sách phát triển thủy sản được triển khai đến nay, hàng chục ngư dân các làng biển của tỉnh Phú Yên đang xây dựng những dự án phát triển, mở rộng nghề với mong muốn sở hữu những con tàu vỏ sắt, tàu gỗ dài hơn 20m, với sức máy đến 1.000 mã lực.

Phương Oanh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/khat-vong-lam-giau-tu-bien-khoi/