Khát vọng khởi nghiệp ở Sả Séng

Như bông hướng dương luôn hướng về phía mặt trời và lặng lẽ nở hết mình, có những đảng viên trẻ ở vùng cao biên cương Lào Cai luôn vẹn tròn một niềm tin yêu vào sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó có Thào A Bình - một chàng trai người dân tộc Mông đã khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng với khát vọng xây dựng quê hương mình bằng chính nhiệt huyết, đam mê của tuổi trẻ...

Thào A Bình chọn cách đầu tư trồng địa lan để khởi nghiệp. Ảnh: Thanh Cường

Thào A Bình chọn cách đầu tư trồng địa lan để khởi nghiệp. Ảnh: Thanh Cường

Làm ở Khách sạn Victoria Sa Pa hơn 4 năm, rồi trải qua gần 2 năm quân ngũ ở Yên Bái, với đảng viên trẻ Thào A Bình (tổ dân phố số 2, phường Sa Pả, thị xã Sa Pa), khi lựa chọn con đường lập thân, lập nghiệp trên chính mảnh đất vườn nhà là anh muốn khẳng định, dù làm bất cứ việc gì ở bất cứ đâu, chỉ cần có khát vọng vươn lên và có niềm tin là có thể thành công. Bình lập gia đình với cô gái Mông miền sơn cước và chọn con đường phát triển kinh tế gia đình ở chính mảnh đất Sả Séng nơi mình sinh ra... Năm 2016, năm đầu tiên Bình mạnh dạn vay 50 triệu đồng vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội Sa Pa để đầu tư mua giống địa lan về ươm trồng 20 chậu địa lan ở thôn Sả Séng, xã Sa Pả (nay là tổ dân phố số 2).

Những ngày đầu loay hoay với dự định khởi nghiệp với bao khó khăn, vất vả từ hai bàn tay trắng, Thào A Bình đã quyết tâm “bước trên đôi chân của mình, cứ đi rồi sẽ đến”... Nghĩ là làm, thời gian được tôi rèn trong quân ngũ đã giúp Bình có thêm nghị lực để vượt qua trở ngại. Không chỉ trồng địa lan, Thào A Bình đã cùng vợ chăm chỉ “vỡ” đất canh tác thêm các loại rau xanh: đậu hà lan, rau mùi, rau cải..., từ đó, có thêm nguồn thu nhập đáng kể trong khi vườn lan chưa được xuất bán. Năm 2019, Bình tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng tiền vốn để mở rộng vườn lan. Những chậu địa lan đã không phụ công Bình chăm sóc. Sau 3 năm, Bình xuất bán lứa lan đầu tiên, với 14 chậu, thu về hơn 50 triệu đồng. Hiện tại, vườn lan nhà Thào A Bình còn khoảng 60 chậu.

Đi đầu trong phong trào lập thân, lập nghiệp, sôi nổi tham gia các phong trào đoàn, phát triển kinh tế ở địa phương, năm 2017, Thào A Bình chính thức được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Vinh dự và tự hào càng nhen lên niềm tin và sức mạnh, để Bình thấy về quê “lập nghiệp” từ chính bàn tay lao động và khối óc của mình là lựa chọn đúng.

Thào A Bình Chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc lan với đoàn viên thanh niên địa phương. Ảnh: Thanh Cường

Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm trồng lan từ những người đã có thâm niên, nhưng Bình cũng không ngần ngại chia sẻ những bí quyết chăm sóc lan với những người khác trong tổ dân phố số 2. Thào A Bình chia sẻ: “Lựa chọn làm nông nghiệp là tôi biết trước mình chọn con đường khó, nhưng tôi thấy phù hợp với cách nghĩ của mình. Dù làm gì, thì cứ đam mê và đặt niềm tin vào công việc bằng sự nỗ lực, tôi tin mình sẽ gặt quả ngọt... Với trọng trách là người đảng viên, thì việc lập nghiệp để khẳng định mình còn là cách để tôi tuyên truyền vận động bà con trong thôn, trong xã làm theo”.

Rời hẻm núi Sả Séng khi trời vừa tắt nắng, chúng tôi cảm nhận được vầng dương của đam mê đã tỏa sáng nơi này, để những “hạt giống” gieo trên rẻo đất ấy lặng lẽ vượt qua những mưa sương, gió tuyết, đơm những mùa hoa với niềm tin và khát vọng chảy mãi trong trái tim người đảng viên trẻ 28 tuổi - Thào A Bình.

Thanh Cường

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khat-vong-khoi-nghiep-o-sa-seng-post438307.html