Khát vọng hùng cường, hóa rồng của đất nước

Việc UBND TP HCM đề xuất phát triển TP thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế nhận được nhiều sự đồng tình của giới chuyên môn.

GS-TS Trần Ngọc Thơ, ĐH Kinh tế TP HCM, nêu quan điểm cần nhanh chóng thành lập một khu vực tài chính "đặc biệt" tại TP HCM. Tại đây, áp dụng các chuẩn mực quốc tế và pháp luật quốc tế ở mức độ cao nhất, kể cả hệ thống tài phán và tranh chấp dân sự cũng phải được xử lý theo quy định của tòa án quốc tế. Khi đó, trung tâm này mới "bứt" ra khỏi hệ thống luật pháp chung của quốc gia, tận dụng cơ hội thu hút nhà đầu tư "cá mập" của thế giới.

Theo GS-TS Trần Ngọc Thơ, TP nên có những bước đi nhảy vọt, tạo nền tảng tốt nhất cho chiến lược của mình. Ông nhấn mạnh: "Nếu chính sách, luật pháp còn vá víu, TP còn phải xin trung ương được làm cái này, cái kia thì giấc mơ có một trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực, quốc tế sẽ vẫn mãi chỉ là giấc mơ và TP chỉ dừng lại ở vị trí trung tâm tài chính quốc gia. Bản thân TP cũng cần tỏ rõ năng lực bứt phá, vươn lên, tạo ra được "vụ nổ lớn" thay cho những phát súng lẻ tẻ thì mới biến giấc mơ thành hiện thực".

Bày tỏ tâm đắc với kiến nghị đưa chủ trương phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP HCM là nhiệm vụ trọng điểm, chiến lược quan trọng của quốc gia trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, GS-TS Trần Ngọc Thơ phân tích: "Thủ tướng nhiều lần nhắc đến khát vọng hùng cường của đất nước vào năm 2045, cũng là khát vọng về một đất nước phát triển. Do vậy, không có lý do gì không định hướng phát triển một trung tâm tài chính quốc tế bởi không có quốc gia phát triển nào không có trung tâm tài chính tầm quốc tế. Đây cũng là cách góp phần hiện thực hóa khát vọng hùng cường, khát vọng hóa rồng của đất nước".

GS-TS Trần Ngọc Thơ tin tưởng chỉ cần có được sự hỗ trợ từ phía trung ương, TP HCM chắc chắn sẽ nhanh chóng giải quyết được các bài toán kỹ thuật liên quan đến hình thành trung tâm tài chính, như: lựa chọn địa điểm, kết nối hạ tầng, thủ tục di chuyển lao động quốc tế…

Trong khi đó, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng chủ trương của Bộ Chính trị cũng như nhận thức của lãnh đạo TP các thời kỳ đều hướng đến mục tiêu làm thế nào để TP trở thành trung tâm tài chính của khu vực. Mục tiêu này phù hợp với vị trí, vai trò và thế mạnh của TP từ trước đến nay. "Phát triển TP HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực, quốc tế là vấn đề quốc gia chứ không phải vấn đề riêng của TP. Còn TP sẽ có vai trò trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển trên nền tảng thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế" - TS Trần Du Lịch nêu quan điểm.

Bày tỏ ủng hộ với đề xuất của TP HCM, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh góp ý TP cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hình thành lợi thế so sánh, củng cố thêm môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, xứng tầm với vị trí của một trung tâm tài chính quốc tế. Đặc biệt, kiến nghị trung ương tạo cơ chế để xây dựng khung pháp lý phù hợp với khung pháp lý của các tổ chức tài chính quốc tế. Trong đó, quan trọng nhất là những quy định bảo đảm cho các công ty, ngân hàng nước ngoài có thể hoạt động thuận lợi, dễ dàng, nhất là việc chuyển đổi tiền, giao dịch điện tử. Ngoài ra, xây dựng mạng lưới công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại, chất lượng cao, bảo mật tốt; xây dựng cơ sở hạ tầng - bất động sản… để thu hút các "ông lớn" tài chính thế giới dịch chuyển đến.

Phương Nhung

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/khat-vong-hung-cuong-hoa-rong-cua-dat-nuoc-20200822222717631.htm