Khát vọng giá trị trầm hương Việt

'Trong đau thương dó biến thành trầm' câu thơ nói về sự hình thành của trầm hương- một sản vật quý giá của đất trời khiến chúng ta suy nghĩ về lẽ sinh tồn, về sự vươn lên, mang khát vọng, tạo ra giá trị cho không chỉ riêng mình. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Trầm hương Khánh Hòa Nguyễn Văn Tưởng là một người như vậy.

“Khánh Hòa là xứ trầm hương/ Non cao biển rộng người thương đi về”. Câu ca dao nói về một sản vật quý có ở Khánh Hòa đó là trầm hương. Tương truyền Ponagar là bà mẹ của xứ trầm hương này. Ở TP. Nha Trang, Tháp bà Ponagar tọa lạc ngay cửa biển. Đứng trên đỉnh tháp nhìn ra xa, thủy triều từ biển chồm lên cuộn sóng, nối nhau chui qua cầu Xóm Bóng táp vào đôi bờ sông Ya Tran như muốn khoét sâu hơn những đoạn bờ kè - nơi từng bị cơn bão số 12 đánh bật nham nhở từ trước đó. Cơn bão đã gây ra vết thương lớn cho người dân Khánh Hòa- vốn là một nơi hầu như không có bão. Ông Tưởng bảo rằng, cơn bão lấy đi quá nhiều thứ, trong đó có hàng chục mạng người. Vết thương ấy đã ghim sâu vào trái tim Khánh Hòa. Nhưng mất mát hay đau khổ cũng là lẽ thường của cuộc sống, quan trọng là vượt lên trên lẽ thường đó như thế nào. Giống như cây dó bầu muốn thành trầm thì phải bị thương. Càng tổn thương càng mạnh mẽ. Càng gian khổ càng vươn lên.

Tôi thấy anh luôn mỉm cười...

- Vâng. Về một khía cạnh nào đó, nụ cười là sức mạnh của tôi. (cười)

Cũng là sức mạnh của một người “ngậm ngải tìm trầm”?

- “Ngậm ngải tìm trầm” là câu nói của người xưa để nói tới sự khắc nghiệt, gian lao của người đi tìm trầm trong những cánh rừng nguyên sinh. Trầm hương nghĩa là hương trời bay theo gió đáp vào chỗ bị thương trên cây dó bầu, qua năm tháng, được hun đúc bởi nắng gió và các điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt, trầm trở thành một phẩm vật quý. Trên thế giới chỉ có một số quốc gia có trầm đó là: Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia và Srilanka... nhưng trong đó có một mùi trầm vượt lên trên tất cả, mùi thơm tao nhã chính là trầm hương Khánh Hòa do khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất này tạo nên.

Nhưng khoan hãy bàn đến cái nhất đó, cũng khoan bàn đến những gian lao, vất vả mà người đi tìm trầm phải trải qua, bởi trong nghề trầm người ta lại nói: “trầm đi tìm người chứ không phải người đi tìm trầm”. Điều này có nghĩa là, trầm chỉ dành cho người thực sự hiểu giá trị của nó. Trong khi đó, chúng ta đang có trong tay một sản vật đầy giá trị nhưng lại không biết làm thế nào để giá trị ấy lan tỏa.

Anh đang nói về giá trị của trầm hương. Trong khi, đâu đó ngoài kia, tôi chắc rằng trong suy nghĩ của không ít người, nhắc tới trầm hương chỉ kịp nghĩ đến những nén nhang, nén hương dâng cúng tổ tiên?

- Hiểu thế không sai nhưng chưa đủ. Trầm hương là loại cây đặc biệt, được con người suy tôn, được ngợi ca, vinh danh như những điều đã làm nên sức mạnh, điểm tựa tinh thần cho con người, gắn với những tư tưởng dẫn dắt các tôn giáo trên thế giới từ Phật giáo, Hồi giáo, Thiên chúa giáo, đến Ấn độ giáo... Đức Phật từng nói, mùi vị của trầm hương khi được đốt lên là mùi của Niết bàn. Bởi trầm hương hiện diện trong mọi thời khắc trọng đại của Đức Phật. Đây cũng là mùi của vị thần Krishna- vị thần hiện thân của tình yêu, đại diện cho tri thức của nhân loại trong Ấn Độ giáo. Chất hương này cũng được đốt lên trong lễ tang của Chúa Jesus. Người Ai Cập cổ đại gọi trầm hương là kyphi - mùi hương linh thiêng nhất để “dụ dỗ” các vị thần đến với mình.

Còn nói theo khía cạnh khoa học, trong trầm có hơn 140 chất chứa dược tính, có tác dụng chữa bệnh. Trong những chất đấy người ta còn tìm thấy chất định hương - một chất thơm rất bền vững, vô cùng lôi cuốn được ví là “hương thơm của Chúa trời”.

Chất thơm ấy khi được đốt lên ở những nhiệt độ khác nhau, không gian khác nhau, thời khắc khác nhau và tư duy khác nhau chắc chắn sẽ làm cho người thưởng thức có cảm xúc ấp áp như đang được nuôi dưỡng, che chở, tâm hồn thư thái.

Tức là mỗi người sẽ có một cảm nhận khác nhau từ hương trầm?

- Ai trong chúng ta cũng đều có thể ngửi được trầm nhưng ngửi và hiểu lại là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

Câu chuyện của chúng tôi không chỉ là hương trầm dâng cúng thờ phụng. Chúng tôi đã có những sản phẩm như tinh dầu, đồ trang sức, mỹ nghệ, tới đây còn là rượu trầm, nước hoa trầm, đặc biệt là những loại thuốc có thể chữa bệnh từ trầm. Nhưng đó chưa phải đích cuối cùng.

Nếu hiểu “ăn ngon - mặc đẹp” là một nét văn hóa thì tôi luôn tự hỏi, tại sao chúng ta chỉ nghĩ tới ăn, tới mặc mà lại không nghĩ đến ngửi thơm? Việc ngửi và hiểu trầm chính là một cách để chúng ta quay trở lại với “Nghệ thuật thưởng trầm”.

Thế nào là nghệ thuật thưởng trầm, thưa anh?

- Từ xa xưa mùi trầm đã gắn với sự cao sang quyền quý chỉ có trong cung son điện ngọc. Trong các câu ca dao xưa thường nói đến “áo gấm xông hương” chính là những chiếc áo xông hương trầm của những người làm quan hoặc tao nhân mặc khách. Nghệ thuật thưởng trầm đã gắn bó với cha ông ta từ thuở xa xưa đó và bây giờ chúng tôi muốn lan tỏa nghệ thuật thưởng trầm mà cha ông đã để lại.

Trầm hương Khánh Hòa đã thiết kế và sản xuất những bộ thưởng trầm rất tiện ích, sang trọng, thân thiện với cuộc sống hiện đại có thể để trên bàn làm việc trong văn phòng, để trên bàn uống nước, để trên bàn ăn...

Nhiều gia đình đốt trầm trước khi ăn, dâng lên người lớn nhất trong bàn rồi cùng cầu nguyện, tri ân thánh thần đã ban cho họ một bữa ăn. Người ta cũng thưởng trầm trước khi ngủ, để có giấc ngủ ngon hay thưởng trầm trong những thời khắc thiêng liêng của cuộc đời. Tất cả cùng hòa chung trong bầu không khí ấy, làn khói thơm của trầm sẽ làm hành trang đưa mọi người đến với may mắn, thành công và hạnh phúc.

Do vậy, thưởng trầm nhất định phải có không gian, có cả tâm thế, chứ không phải là chuyện đốt lên và ngửi. Bởi mùi trầm làm cho con người thư thái đầu óc, thả lỏng cơ thể, lĩnh hội tâm thức chung sống hòa hợp giữa con người với con người, giữa con người với thế giới tự nhiên, tạo lòng tin tươi sáng vào cuộc đời. Mùi thơm ấy là dinh dưỡng ở dạng khí vào châu lưu khắp cơ thể, nuôi dưỡng cho cơ thể sống, tạo sức lực cho cơ thể hoạt động.

Ngoài những sản phẩm đã đến với mọi người như tôi đã nói ở trên thì phải xây dựng những không gian thưởng trầm.

Hiện nay chúng tôi đã xây dựng những không gian thưởng trầm tại Bảo tàng Trầm Hương ở Nha Trang và Hà Nội với mong muốn mang nghệ thuật thưởng trầm đậm chất văn hóa Việt để phục vụ nhu cầu thưởng thức tao nhã của người dân.

Trong tương lai gần là xây dựng Hầm rượu Trầm hương, Nhà hát Trầm hương. Ở đó, tôi nuôi khát vọng gắn việc thưởng trầm với bảo tồn các giá trị âm nhạc dân gian của Việt Nam như hát Chèo, ca bài Chòi và các làn điệu dân ca khác.

Tất cả những tác phẩm này phải tạo cho con người sự thăng hoa nhưng sự thăng hoa sẽ mang lại giá trị tinh thần, củng cố giá trị tinh thần thông qua giá trị tâm linh, để sáng tạo và làm những điều tốt đẹp. Tâm linh là thế chứ không phải tâm linh là một thứ xa vời với đời sống.

Từng bỏ rất nhiều tiền bạc, công sức xây dựng thành công Bảo tàng Trầm Hương, có bao giờ anh suy nghĩ về số tiền đã bỏ ra để đeo đuổi xây dựng và duy trì những không gian thưởng trầm tại Bảo tàng cũng như tới đây là Nhà hát Trầm hương?

- Tôi coi Bảo tàng hay Nhà hát trầm hương là một tác phẩm mà đã là một tác phẩm thì không tính toán về tiền bạc, thời gian... Đây là tác phẩm mở, liên tục bổ sung thậm chí được chỉnh sửa làm lại. Thế nên tôi không đo đếm giá trị về vật chất mà quan tâm xem việc mình làm đã mang lại những giá trị gì.

Tại sao văn hóa thưởng trầm lại được gắn liền với việc bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc như hát Chèo chẳng hạn, hơn nữa lại được bắt nguồn từ một doanh nhân như anh?

- Vì Nghệ thuật thưởng trầm hay Chèo cũng đều là những giá trị của Việt Nam, được hình thành tự nhiên trong lao động sản xuất và đấu tranh bảo vệ cuộc sống hòa bình của dân tộc Việt Nam. Những giá trị ấy luôn có mối liên hệ với nhau. Tôi chỉ là một doanh nhân yêu nước. Một trái tim nhỏ trong trái tim lớn, mong muốn gìn giữ, dẫn dắt và kết nối những giá trị ấy.

Để mang lại một giá trị lớn hơn?

- Giá trị dù lớn hay nhỏ cũng đều là giá trị. Quan trọng là thời điểm nào bước đi đó. Câu chuyện mà tôi vừa nói chính là câu chuyện phát triển một nền kinh tế trầm hương. Nếu chúng ta không làm, nếu như không có điểm xuất phát, không có người đi sẽ không bao giờ có con đường. Và nếu chúng ta cứ vùng miền, đố kị, cứ nhỏ nhen, kéo chân nhau xuống, còn lâu chúng ta mới làm được.

Ông Nguyễn Văn Tưởng.

Nền kinh tế trầm hương- mệnh đề này nghe rất mới. Theo anh để phát triển được nền kinh tế này nhà nước phải làm gì?

- Đối với chúng ta bây giờ là mới, nhưng đối với lịch sử thông thương không có gì mới cả. Hàng nghìn năm trước, trầm hương Việt Nam đã theo con đường tơ lụa đi ra với thế giới trên các lục địa từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên, rồi con đường tơ lụa trên biển từ hai cửa khẩu quan trọng là Hội An ở đàng trong và Phố Hiến ở đàng ngoài. Hiện nay, tại Hoàng cung ở Nhật Bản đang trưng bày khối Kỳ Nam có xuất xứ từ đất nước Việt Nam chúng ta được nước bạn coi là “Quốc bảo”.

Nhà bác học Lê Quý Đôn, trong cuốn Phủ Biên Tạp Lục từ cách đây gần 3 thế kỷ cũng đã đúc kết: Trầm hương là linh khí của đất trời.

Kể lại những câu chuyện này, tôi chỉ muốn nói rằng, nếu như chúng ta hiểu được ý nghĩa này sớm hơn thì chắc chắn ngành trầm của chúng ta đã phát triển. Đây là một loại cây đặc biệt - không chỉ để làm giàu. Chúng ta là một quốc gia có trầm, chúng ta đang có trong tay một sản vật vô cùng quý giá nhưng lại thiếu chính sách và hiểu biết về nó.

Chia sẻ với cảm xúc của anh. Nhưng cũng phải nói rằng, việc nhà nước phá bỏ lệnh cấm khai thác trầm đã là một bước tiến quan trọng để ngành trầm hương Việt Nam có cơ hội phát triển?

- Đó là một quyết định hoàn toàn đúng đắn. Có điều, nhà nước mới chỉ dỡ bỏ lệnh cấm khai thác trầm nhưng lại chưa hề có một chính sách cụ thể nào để phát triển trầm hương, đưa trầm hương trở thành một ngành kinh tế. Do đó, việc phát triển trầm vẫn mong manh. Nhất là những người trồng trầm, họ không có kiến thức, không được các chuyên gia, các nhà khoa học hướng dẫn một cách bài bản cho nên vẫn làm theo kinh nghiệm tuy có vài điểm độc đáo nhưng đa phần lạc hậu mất rồi. Cho nên ngành trầm ở nước ta vẫn yếu ớt so với chính giá trị thực mà mình đang có.

Được biết, hiện nay nhu cầu trầm hương trên thế giới ngày càng gia tăng nên lượng trầm tự nhiên gần như cạn kiệt. Trong khi đó, cây dó bầu- loại cây cho trầm có nguy cơ tuyệt chủng, cần được bảo tồn và phục hồi. Vậy theo anh, làm thế nào để giải quyết bài toán này?

- Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân. Lớn lên từ đồng đất quê mình dù có đi đâu làm gì, tôi vẫn luôn thương nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, nhớ từng đồng chiều, cuống rạ, nhớ những ngày còn gian khó, mẹ ươm từng mầm cây nhỏ sau những bài giáo án còn chưa kịp ráo mực khi bố ra chiến trường.

Có đi qua những tháng ngày đó mới hiểu hết giá trị của người trồng cây. Đất nước ta là đất nước nông nghiệp, trong đó có rất nhiều cây nông nghiệp và lâm nghiệp có giá trị. Nhưng phải thừa nhận rằng, con số đầu tư cho nông nghiệp là rất ít. Chưa kể, trong bối cảnh đó, chúng ta lại phải đối diện với hàng loạt những vấn đề của công nghệ sau thu hoạch, chế biến. Vất vả đã không chỉ là mưa nắng mà còn là chuyện thị trường được mùa mất giá.

Ở Việt Nam hiện nay cây dó bầu đang được nhân giống và trồng ở nhiều nơi, trong đó việc cấy tạo trầm cũng được nhiều địa phương thực hiện như Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Nai, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Quốc… Nhưng vẫn mạnh ai nấy làm.

Cho nên, điều tôi mong mỏi hơn cả là lúc này, nhà nước cần sớm vào cuộc, có chính sách, thành lập viện nghiên cứu để giúp bà con nông dân ta trồng trầm, tạo nên một phong trào trồng trầm, từ đó góp phần cho việc phát triển ngành kinh tế trầm hương ở Việt Nam.

Như anh vừa nói, hiện nay Nhà nước chưa hề có một Viện nghiên cứu nào về trầm hương? Nếu trong giai đoạn này nhà nước chưa làm...

- Nếu nhà nước chưa làm thì phải làm ngay. Còn nếu nhà nước không làm, chúng tôi sẽ vào cuộc. Trên thực tế chúng tôi đang vào cuộc rồi. Bằng cách tham gia và xây dựng Làng Hòa bình Sáng tạo ở Nha Trang, Khánh Hòa - nơi hội tụ của sự sáng tạo trên toàn thế giới, trong đó sẽ có những viện nghiên cứu mang tính đột phá để trầm hương Việt Nam vươn xa.

Điều gì khiến anh cho rằng mình phải có sứ mệnh này?

- Tôi là người Hưng Yên, trưởng thành từ môi trường quân đội và Đài tiếng nói Việt Nam, tạo nên thương hiệu Trầm hương ở Khánh Hòa và luôn dành một tình yêu thiêng liêng cho Hà Nội. Tôi cũng từng đi rất nhiều nước trên thế giới, thế giới cũng tìm tới tôi, tìm tới Trầm hương Khánh Hòa nhưng ở bất kỳ hoàn cảnh nào tôi luôn tự hào là người Việt Nam.

Ông cha ta đã dựng xây và bảo vệ dân tộc này bằng những trận thắng oanh liệt, đạp bằng mọi âm mưu xâm lược của các thế lực hùng mạnh để tạo ra giá trị Việt. Còn nhớ khi đất nước đổi mới, ai ai cũng khí thế hừng hực xây dựng tổ quốc quê hương với nhiều lý tưởng cao đẹp, trong sáng. Bây giờ chúng ta, nhất là thế hệ trẻ phải có cái tinh thần đó để làm ra những sản phẩm “Made in Vietnam”. Nhưng là “Made in Vietnam” với tiêu chí: Tốt, phải đủ nhiều và được thế giới đón nhận vì nó tốt thật.

Tại sao lại là “tốt, phải đủ nhiều”?

- Chỉ có tốt mà không đủ nhiều thì không thể làm giàu. Muốn đủ nhiều thì phải tư duy đa chiều, đa dạng về quản trị doanh nghiệp, về cách thức làm thị trường chạm tới trái tim khách hàng.

Khách hàng quốc tế khi đến Trầm hương Khánh Hòa đều có chung một câu hỏi với tôi: sản vật quốc gia của bạn là gì? Quả thật tôi chưa tìm được câu trả lời chuẩn xác nhất dù rằng chúng ta luôn tự hào có “rừng vàng biển bạc” và rất nhiều sản vật quý giá. Cho nên tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta có nhiều sản phẩm tốt, mang tính tiện ích cao phục vụ con người, chắc chắn sẽ được thế giới tin dùng, chắc chắn sẽ có nhiều người tìm đến.

Tìm ra trầm là một việc khó, làm ra trầm càng khó nhưng có lẽ vấn đề lúc này là làm thế nào để khách hàng Việt Nam biết và sử dụng trầm hương nhiều hơn? Bởi hiện tại giá một sản phẩm trầm hương không hề rẻ?

- Trầm hương không phải là bó nhang với mùn cưa và hóa chất. Đây là sản vật có giá trị hàng triệu đồng cho nên “trầm đi tìm người” là thế. Khách hàng của trầm hương luôn là những người khó tính nhất. Và việc làm thế nào để lấy được niềm tin của những người khó tính nhất lại là câu chuyện làm thị trường, là cái tâm của người bán hàng. Đó là một quá trình không khác gì “ngậm ngải tìm trầm”.

Hiện nay chúng ta đang rất yếu trong vấn đề làm thị trường. Cái gì cũng đi sau thế giới. Nhưng nếu đã đi sau thì thà làm cái tốt thật còn hơn làm những thứ hào nhoáng bên ngoài. Có nhiều doanh nghiệp họ xây nhà rất cao nhưng kiến trúc rất xấu. Tại sao không nghĩ rằng nên làm ngôi nhà đẹp trước khi làm một ngôi nhà to. Cho nên chúng tôi “tư duy” làm Trầm hương Khánh Hòa theo hướng đó, tức là phải tạo ra những sản phẩm thực sự tinh tế một cách tử tế thì mới mong lấy được niềm tin của khách hàng.

Sau 20 lăn lộn với thị trường, tôi vẫn học cách kinh doanh trong mỗi thị trường khác nhau. Và cho đến lúc này, tôi thực sự tự hào vì mình đã làm ra được những sản phẩm như thế, khách hàng tìm đến Trầm hương Khánh Hòa mỗi ngày một đông hơn. Cho nên, theo tôi đã đến lúc hàng Việt phải chinh phục người Việt chứ không còn nêu cao khẩu hiệu ủng hộ hàng Việt nữa.

Anh vừa nhắc tới câu chuyện tử tế của doanh nhân, hẳn anh cũng biết rằng hiện nay đã và đang tồn tại một thái độ xem thường người tiêu dùng, xem thường khách hàng của một số doanh nhân, doanh nghiệp Việt?

- Các doanh nhân cần phải biết đau lòng trước những điều không tử tế, trước những việc mà người ta làm được mà mình không làm được. Có nhiều cách để kinh doanh nhưng không thể lấy một thứ không phải của mình để dán lên đó “Made in Vietnam”. Chỉ cần một doanh nhân không tử tế như thế sẽ kéo theo sự sụp đổ niềm tin của biết bao người, trong đó có cả một thế hệ trẻ đang ấp ủ tinh thần khởi nghiệp. Những người như thế phải “tắt đi” để thành lập một thế hệ doanh nhân mới có tâm, có tài.

Khát vọng của anh lúc này là gì?

- Khát vọng của tôi là tạo ra giá trị Việt thông qua những sản phẩm giá trị. Đấy cũng chính là giá trị của hội nhập.

Cây trầm hút linh khí đất trời để tỏa hương và hương thơm ấy tạo nên giá trị cho người được thưởng. Còn anh tìm được gì ở trầm?

- Khi tôi bước tới những cánh rừng trầm hương, đối diện với sự tinh túy của đất trời và tôi luôn tự hỏi mình có thể học được gì ở đó. Sau những ngày tháng ấy, tôi hiểu ra một điều rằng, cứ sống đơn giản thôi, gần gũi thiên nhiên, bình tĩnh tự chủ để vượt lên trên lẽ thường, làm sao đừng để đến khi mình từ giã cõi đời này mới khám phá ra rằng mình chưa hề sống.

Trân trọng cảm ơn anh!

Hoàng Yến (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/khat-vong-gia-tri-tram-huong-viet-tintuc390697