Khát vọng đổi đời với cây sâm đương quy

Khi cây sâm đương quy được giới thiệu với người dân, có rất ít người mặn mà. Thế nhưng chỉ sau một năm trồng thử nghiệm, số người đăng ký trồng sâm đương quy đã lên đến hàng trăm hộ dân.

Trong năm 2019, chính quyền huyện Chư Păh đã chính thức giới thiệu cây sâm đương quy đến người dân hai xã Hà Tây và Chư Đăng Ya bằng cách cho trồng thí điểm. Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng của từng xã khác biệt sẽ là nền tảng cho cây sâm đương quy phát triển.

Người dân kiểm tra vườn sâm đương quy tại xã Hà Tây

Trước đây, người nông dân của hai xã này quanh năm với cây mì trên nương, cây lúa dưới nước. Đâu đó cũng có người nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng nhưng rồi lại chỉ là thành phần số ít. Nông nghiệp truyền thống vẫn được giữ lại cây lúa, cây mì. Chính vì thế một năm sản xuất cũng chỉ đủ ăn chứ không muốn nói đến đói nghèo.

Để thay đổi vận mệnh kinh tế cho người dân, UBND Chư Păh đã chính thức cho phép Công ty Cổ phần Điền An Gia Lai liên kết với người dân 2 xã Hà Tây, Chư Đăng Ya thực hiện dự án phát triển sâm đương quy gắn với tiêu thụ sản phẩm. Dự án này nhằm giúp người dân tiếp cận với mô hình sản xuất nông nghiệp mới.

UBND huyện cũng đã phê duyệt nguồn kinh phí hỗ trợ nông dân sản xuất trồng sâm từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2019 – 2020. Khi tham gia mô hình, người dân được Công ty CP Điền An đầu tư hạt giống, phân bón và vôi. Cùng các đợt tập huấn kỹ năng chăm sóc, quy trình sản xuất, cung cấp vật tư bao gồm cả phần nhà nước hỗ trợ cho người dân tối đa 7.500.000 đồng/1 hộ gia đình. Người dân chỉ cần có đất sản xuất và công lao động chăm sóc.

Vườn sâm đương quy đang phát triển được trồng thì điểm tại xã Hà Tây

Cuối năm 2019 xã Chư Đăng Ya có 18 hộ đăng ký tham gia dự án trồng sâm đương quy, đến năm 2020 tăng lên 62 hộ; xã Hà Tây có 8 hộ đăng ký. Vì là bước đầu tham gia, dự án đang thí điểm nên mỗi hộ nhận trồng 1 sào. Ông Phan Kưl (làng Kon Pơ Năng, xã Hà Tây) cho biết: "Qua công tác tuyên truyền của xã và công ty về quy trình trồng sâm đương quy, gia đình mình đã đăng ký tham gia. Ở vùng này đất đai cằn cỗi, khí hậu cũng khắc nghiệt nên bà con làm nhiều mà thu hoạch được rất ít, trồng cây gì cũng vậy. Nếu sau một thời gian trồng sâm đương quy mà có năng suất, hiệu quả cao thì gia đình mình sẽ tiếp tục mở rộng diện tích".

Sâm đương quy là loại cây trồng ưa mát, người dân cần xác định nguồn nước tưới mát cho sâm như giếng đào, nước suối, giếng khoan và phải đảm bảo chất lượng nước. Bên cạnh đó một trong sâm chỉ có thể thu hoạch sau 15 tháng đến 18 tháng. Vì vậy người dân cần tuân thủ quy trình canh tác, đặc biệt phải kỹ lưỡng từ khâu xử lý đất, chọn giống đến khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Với những thuận lợi trong sản xuất, mỗi sào sâm đương quy có thể cho năng suất từ 2 tấn đến 2,5 tấn sản phẩm đem lại lợi ích kinh tế rất lớn cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Nội - Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya có nhận xét ban đầu về cây sâm khi trồng tại địa phương: "Sâm đương quy cần khá nhiều nước, nhưng Gia Lai lại đang trong thời kỳ nắng nóng gay gắt, nên quá trình chăm sóc cũng gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, hiện tại các vườn sâm vẫn phát triển tốt, nếu thành công thì đây có thể xem là hướng đi đột phá về nông nghiệp của địa phương".

Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Chư Păh Đặng Anh Tuấn nêu lên một ý kiến "Hiện các vườn trồng sâm thí điểm vẫn đang phát triển, sinh trưởng tốt. Tuy nhiên do mô hình còn mới, người dân chưa có nhiều kinh nghiệm nên ngành nông nghiệp huyện và Công ty Điền An Gia Lai tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho người dân."

Hiện tại diện tích gieo trồng đăng ký mới của các họ dân đã được chuẩn bị xong, chờ mưa để xuống giống. Với giá hiện tại, hy vọng cây sâm đương quy sẽ là "cây kinh tế" thay thế dần cho những cây trồng kém hiệu quả. Đồng thời giúp người dân phát triển kinh tế thêm thuận lợi hơn.

VĂN MINH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/khat-vong-doi-doi-voi-cay-sam-duong-quy-2020052605253088.htm