Khát vọng của Viettel: Muốn tạo nên một mạng 5G do người Việt làm chủ công nghệ

Hiện nay, cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, 5G là nền tảng cho xã hội số, chuyển đổi số với những tính năng vượt trội về tốc độ lên tới 10Gpbs, gấp 10 mạng 4G LTE.

Viettel sẵn sàng hợp tác, đầu tư và chia sẻ kinh nghiệm khi phát triển dự án chip và thiết bị 5G với các đối tác của mình.

Viettel sẵn sàng hợp tác, đầu tư và chia sẻ kinh nghiệm khi phát triển dự án chip và thiết bị 5G với các đối tác của mình.

Cùng với đó, nhà mạng phải có mô hình kinh doanh mới cho 5G, cần tạo ra một hệ sinh thái số nhằm thúc đẩy việc ứng dụng các thành tựu của 5G vào đời sống. Vì công nghệ này không chỉ đáp ứng để kết nối smartphone mà là chìa khóa mở ra thế giới Internet của vạn vật, giảm thiểu đáng kể độ trễ trong lĩnh vực truyền dữ liệu trực tuyến... đây là mô hình kinh doanh các nhà mạng cần hướng tới.

Chính phủ cũng có những chính sách sớm để thúc đẩy phát triển 5G

Hiện Việt Nam có tỷ lệ người sử dụng thiết bị thông minh kết nối Internet cao so với mức trung bình của thế giới. Công nghệ 5G rất quan trọng với sự phát triển, bởi nó tạo ra nền tảng cho chuyển đổi số, ứng dụng vạn vật kết nối (IoT) để xây dựng các thành phố thông minh, xã hội thông minh.

Để hiện thực hóa, Chính phủ cũng có những chính sách sớm để thúc đẩy phát triển 5G. Việt Nam nằm trong những quốc gia đầu tiên có kế hoạch triển khai và đã có những bước để chuẩn bị cấp băng tần cho 5G. Cũng giống như nhiều quốc gia khác khi triển khai công nghệ mới này, thách thức lớn Việt Nam phải đối mặt đó là toàn bộ hệ sinh thái di động phải phối hợp hiệu quả với nhau. Từ chính sách của chính phủ cho tới các nhà mạng, nhà sản xuất thiết bị phải làm việc hiệu quả để triển khai 5G được đồng bộ về chiến lược.

Các chuyên gia cho rằng: Băng tần phải sẵn sàng, các nhà mạng phải có chiến lược thiết kế mạng lưới 5G phù hợp với mô hình kinh doanh, các nhà sản xuất thiết bị phải cung cấp được thiết bị phù hợp cho người dùng. Thực tế cho thấy, việc triển khai 5G băng tần cao rất cần thiết cho Việt Nam. Nếu muốn có sự đột phá về chất lượng dịch vụ băng rộng di động thì phải có băng tần cao, lên tới 5-6 Gbps.

Khi triển khai 5G, Việt Nam sẽ gặp thách thức là số người sử dụng thiết bị cũ 2G, 3G còn nhiều, nên khi triển khai 5G người dùng phải thay đổi thiết bị. Ngoài ra hạ tầng CNTT đang triển khai trong các doanh nghiệp cơ bản vẫn là công nghệ cũ, để có thể sẵn sàng cho công nghệ 5G, các doanh nghiệp phải thay đổi, hiện đại hóa hạ tầng CNTT.

Theo ước tính của Erisson cho thấy, nếu được tạo điều kiện thuận lợi tốt, 5G sẽ số hóa mọi ngành công nghiệp, doanh thu của các nhà mạng có thể tăng tới 36% trong vòng 7 năm tới nhờ sự ra mắt của 5G. Tuy nhiên, sự bất lợi của Việt Nam và một số nước khác trong khu vực đối với việc thương mại hóa dịch vụ 5G là doanh thu nhà mạng trên mỗi người dùng còn khiêm tốn. Tỷ lệ này của Việt Nam hiện chưa tới 5 USD, tại Indonesia là 9 USD, Malaysia là 10 USD. Trong khi đó, tại các nước phát triển, con số này là 48 USD với Nhật Bản, 23 USD với Đức và 49 USD với Mỹ.

Đây là một khó khăn rất lớn đối với Việt Nam và nhiều nước khác, nếu không xử lý được vấn đề này, các nhà mạng hay các công ty sản xuất thiết bị viễn thông sẽ phải đứng trước bài toán khó về việc lựa chọn giữa tối ưu hóa lợi nhuận hay tìm kiếm một lợi ích xa hơn từ việc phát triển mạng 5G. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai 5G, cần phải tạo ra một hệ sinh thái số nhằm thúc đẩy việc ứng dụng các thành tựu của 5G vào đời sống. Theo các chuyên gia, nếu không làm như vậy, sẽ không thể bù đắp được khoản chi phí đầu tư vô cùng lớn cho công nghệ này bởi khi đó 5G chỉ đơn thuần là phiên bản tốc độ nhanh hơn của 4G.

5G là trụ cột của cách mạng công nghiệp 4.0

Hiện nay, Viettel là nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam có giấy phép thử nghiệm mạng 5G với thời hạn một năm tại 2 thành phố Hà Nội và Tp.HCM. Ông Tào Đức Thắng, PTGĐ Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết: “Hiện Viettel đang làm việc với các đối tác để triển khai thiết bị 5G. Việc thử nghiệm này sẽ giúp Viettel đánh giá về băng tần, vùng phủ sóng, ứng dụng… trên 5G để sau đó đưa ra chiến lược triển khai cho phù hợp. Chúng tôi tính toán thời điểm quý 3/2019 Viettel cung cấp thử nghiệm 5G là phù hợp, bởi thời điểm đó sẽ có nhiều hãng sản xuất điện thoại tung ra các dòng smartphone hỗ trợ 5G. Nếu Viettel thử nghiệm dịch vụ 5G quá sớm sẽ khó khăn cho khách hàng vì chưa có nhiều dòng smartphone hỗ trợ 5G và giá các dòng máy này quá cao".

Trong đó, thế giới vẫn trong giai đoạn thử nghiệm 5G và chỉ triển khai chính thức vào năm sau. Do đó, nếu cố gắng hết sức để có thiết bị trong vòng 1-2 năm tới thì khi thế giới chuyển sang thương mại hóa dịch vụ 5G hoặc bùng nổ công nghệ này Viettel cũng sẽ có thiết bị 5G của riêng mình để sử dụng. 5G có điểm đặc biệt là nhà sản xuất nào muốn có thiết bị 5G thì phải sản xuất được chipset riêng của mình.

Theo đó, Viettel đã đầu tư 40 triệu USD phát triển chip 5G và đang làm song song phát triển các thiết bị với chip 5G mua của các nhà cung cấp khác và tự phát triển con chip 5G riêng của Viettel. Với công đoạn tự phát triển chip 5G Viettel vẫn tiếp tục tìm kiếm thêm sự hợp tác từ các chuyên gia, đối tác cả trong và ngoài nước với cách tiếp cận mới mẻ để có thể thực hiện thành công dự án này.

Đồng thời, Viettel sẵn sàng hợp tác, đầu tư và chia sẻ kinh nghiệm khi phát triển dự án chip và thiết bị 5G với các đối tác của mình. Khát vọng của Viettel muốn tạo nên một mạng 5G do người Việt hoàn toàn làm chủ và rất sẵn lòng thử nghiệm cách làm mới. Ở đây, cái khó nhất không phải là vấn đề công nghệ mà là bài toán thị trường. Đây cũng là vấn đề chung của ngành sản xuất thiết bị viễn thông. Bài toán bây giờ không phải là có làm được không mà là làm thế nào cho nhanh. Làm sao để làm cho kịp tiến độ đầu tư 5G của Viettel ở Việt Nam, và sau đó là đi ra thế giới.

Công nghệ 5G sẽ là trụ cột của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo ước tính đến năm 2020 có khoảng 20 tỷ thiết bị được gắn cảm biến và được điều khiển thông qua công nghệ NB-IoT, chiếm đến 74% tổng các thiết bị sử dụng trên toàn cầu. Đây là tiền đề để tạo nên một xã hội số đích thực trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc triển khai IoT là một minh chứng hiện thực hóa sứ mệnh ấy của Viettel, thể hiện cam kết, nỗ lực của Viettel vì một xã hội thông minh hơn, một Việt Nam hiện đại hơn. NB-IoT chính là công nghệ nâng cấp cho hạ tầng viễn thông hiện tại không chỉ Viettel mà tất cả các nhà mạng tại Việt Nam đều không thiết kế cho kịch bản kết nối vạn vật IoT.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và những lợi thế mà các doanh nghiệp viễn thông khác không có, Viettel đặt mục tiêu trong năm 2019 sẽ hoàn thành chế thử trạm phát sóng 5G phiên bản 1, thử nghiệm mạng lưới trạm 5G vào năm 2020 và sẵn sàng thương mại sản phẩm vào năm 2021. Mạng 5G sẽ tạo ra cuộc cách mạng về tốc độ, sự ổn định cho thiết bị di động, xóa nhòa khoảng cách giữa tốc độ băng thông không dây và cố định cũng như kích hoạt làn sóng công nghệ, ứng dụng mới chưa từng có, giải quyết các thách thức kết nối mọi lúc, mọi nơi, kết nối vạn vật.

Hiện tại Viettel đã tự chủ trong việc thiết kế và sản xuất trạm phát sóng 4G cũng như các thành phần quan trọng của mạng lõi 3G/4G: hệ thống tính cước, tổng đài, thiết bị truyền dẫn site router… triển khai tại Việt Nam và 10 thị trường của Viettel tại nước ngoài. Bên cạnh đó, Viettel cũng sẽ triển khai các nền tảng IoT, AI, Big data và Smartcity để triển khai các ứng dụng và chia sẻ với các đối tác, khách hàng.

Cũng tại Hội nghị ASEAN về phát triển mạng thông tin di động thứ năm (5G) mới đây. Với thông điệp “ASEAN cùng nhau làm, cùng nhau phát triển”, các nước ASEAN cần tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng số, hợp tác chặt chẽ hơn để nhanh chóng rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị mỗi nước ASEAN cần tích cực chủ trì triển khai một sáng kiến phù hợp và chia sẻ với các nước khác, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và phát huy được thế mạnh chung của ASEAN. Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực, phối hợp và hỗ trợ các nước ASEAN về các nội dung, lĩnh vực liên quan đến triển khai mạng 5G. ASEAN phải là khu vực đi đầu về ứng dụng 5G, đồng thời ASEAN phải liên kết chung thành khu vực đầu tiên của thế giới về kinh tế số.

Mai Lan

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/khat-vong-cua-viettel-muon-tao-nen-mot-mang-5g-do-nguoi-viet-lam-chu-cong-nghe-147881.html