Khát vọng của thế hệ phi công anh hùng

'Nhật ký phi công tiêm kích' là chìa khóa để giải mã về một con người, qua đó hiện ra cuộc đời, chiến công của thế hệ tuyệt đẹp mang khát vọng thiên thanh.

Nhật ký phi công tiêm kích của trung tướng Nguyễn Đức Soát - một cuốn nhật ký chiến tranh tưởng chừng sẽ nằm yên trong kho tư liệu gia đình - nay nhờ “duyên” lành đã đến được tay độc giả. Chữ “duyên” vốn chỉ dành cho những sự việc không định trước, lại như một tất yếu.

 Sách Nhật ký phi công tiêm kích. Ảnh: Y.N.

Sách Nhật ký phi công tiêm kích. Ảnh: Y.N.

Từ lâu, nhật ký được coi là thể loại văn học, được nhiều nhà văn sử dụng như một thủ pháp văn chương. Nhưng những cuốn nhật ký nổi tiếng nhất lại được viết ra một cách tự nhiên, không mang mục đích làm văn, không vay mượn đến bất cứ thủ pháp nào mà tự nó văn chương hơn cả văn chương, bởi mang đậm dấu ấn cá nhân đặc biệt, gắn với những câu chuyện, trạng thái hoặc sự kiện khác thường, bằng sự trung thực và tin cậy đến tận cùng làm lay động người đọc. Lẽ dĩ nhiên, còn bằng cả cái tài của người viết. Nhật ký phi công tiêm kích là một cuốn sách như thế.

Tác giả vốn là học sinh giỏi văn, nếu không có chiến tranh, chưa chắc ông đã trở thành phi công tiêm kích. Tâm hồn lãng mạn mang hơi hướm “tiểu tư sản” của một thanh niên - người lính va đập với giai đoạn lịch sử đầy biến động, hào hùng và khốc liệt của đất nước.

Phải chăng đó là khởi nguồn lý do ông đã ghi chép cần mẫn và da diết trong suốt quãng thời gian 7 năm (1966-1972), từ anh lính mới tò te bắt đầu học lái máy bay MiG-21 cho đến khi trở thành một trong những phi công có tài xạ kích giỏi nhất của Không quân Việt Nam, đã bắn hạ 6 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 27 tuổi.

Cuốn nhật ký đã được bảo đảm bằng sinh mạng của người viết. Nó đã cùng người phi công trẻ bay trên những chiếc tiêm kích MiG-21 dũng mãnh trong mỗi lần xuất kích, để nếu chẳng may chủ nhân không trở về thì nhật ký sẽ cùng anh tan vào “đại dương thứ năm”.

Cho nên, dù là ghi chép riêng tư nhưng tính cá biệt vẫn mang độ tin cậy rất cao. Chuyện của một người nhưng đọc lên sẽ thấy tinh thần, khí phách của một thế hệ thanh niên Việt Nam bước vào cuộc chiến đấu khốc liệt, không cân sức với Không quân Mỹ hùng mạnh; thấy được những chiến công oanh liệt cũng như tổn thất không gì bù đắp nổi của chiến tranh; thấy được cuộc sống, tình bạn, tình yêu, tình đồng chí thật đẹp mà có lẽ giờ đây chỉ còn trong hoài niệm...

Trung tướng Nguyễn Đức Soát (thứ ba từ trái sang) cùng các phi công tiêm kích Su-27 đầu tiên của Việt Nam. Nguồn ảnh: Petrotimes/Cục Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân.

Một thế giới quảng đại và rộng lớn, cao cả mà bình dị

Cha tôi, nhà văn Hữu Mai, là tác giả bộ tiểu thuyết Vùng trời. Từ lâu, các chiến sĩ Không quân đã coi cha tôi là người nhà và chúng tôi cũng tự coi mình là thành viên trong gia đình lớn ấy. Đó là lý do tôi may mắn được biết, được gặp “chú Soát” từ khi còn là một cậu học sinh phổ thông và ngưỡng mộ thần tượng của mình vô cùng sâu sắc.

Rồi đến thời sinh viên du học tại Liên Xô, tôi lại có cơ may gần ông khi ông sang Moskva học “trường tướng” - tức Học viện Bộ Tổng tham mưu Quân đội Liên Xô mang tên Nguyên soái Vorosilov. Tôi nhớ những đêm hai chú cháu nằm trò chuyện tới sáng...

Nhưng phải đến lúc này, khi hào hứng và hồi hộp đọc một mạch đến trang cuối cùng của cuốn nhật ký, tôi mới như được khám phá một thế giới khác, quảng đại và rộng lớn, cao cả mà bình dị hơn những gì mình từng biết về một con người, về thế giới của một phi công tiêm kích.

Ông sinh ra để bay lên. Nỗi buồn lớn nhất của ông là những ngày không được bay. Và niềm vui lớn nhất của ông là khi có lệnh cất cánh. Ông sinh ra để thuộc về bầu trời. Có lẽ đây chính là chìa khóa để giải mã về một phi công, một con người, qua đó hiện ra chiến công và cuộc đời đầy tự hào của một thế hệ tuyệt đẹp mang khát vọng thiên thanh.

Xin nhắc lại câu nói của Claude Debussy, nhà soạn nhạc nổi tiếng người Pháp: Tác phẩm nghệ thuật tạo nên những nguyên tắc, chứ nguyên tắc không tạo nên tác phẩm nghệ thuật. Trong cuốn sách này không chỉ thuần những dòng nhật ký của tác giả. Để bạn đọc tiếp cận văn bản thuận tiện hơn, Nguyễn Đức Soát đã viết thêm những dẫn nhập bối cảnh sự kiện, tương quan lực lượng ta - địch, số phận những nhân vật chính trong nhật ký, những hồi ức và những chiêm nghiệm khi đã có độ lùi lịch sử...

Người đọc sẽ thấy hai cuốn sách trong một cuốn sách. Nhưng đây là sự hòa quyện hợp lý của hai thể loại nhật ký và hồi ký, làm nên sự bổ sung hoàn hảo cho một tác phẩm văn học.

Không ai bắt nhà văn phải viết như thế nào cả. Cuốn sách này ra đời tự nhiên như cuộc sống đã tạo ra nó. Có lẽ là lần đầu tiên, bằng văn bản, cuốn nhật ký đã mở ra thế giới nội tâm của một phi công tiêm kích thành thật và thẳng thắn, riêng tư và xao xuyến, nghiệt ngã và ngời sáng.

Đó là thứ ánh sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong trắng, tận hiến tự-nhiên-ý-thức cho Tổ quốc, nhân dân, Đảng và quân đội, vượt lên mọi thử thách khắc nghiệt, mọi khổ đau và mất mát để đi đến ngày chiến thắng.

Nhà thơ Hữu Việt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khat-vong-cua-the-he-phi-cong-anh-hung-post1164753.html