'Khát' nước sạch ở miền Tây sông nước

Sự kiện ô nhiễm dòng sông Cái Lớn (Hậu Giang) những ngày qua càng làm tăng thêm nỗi lo của người dân địa phương về an toàn nguồn nước. Khi những dòng sông bắt đầu ô nhiễm, khi nước sạch nông thôn còn nhiều vấn đề về chất lượng, người dân lâm tình cảnh 'khát' nước sạch giữa bốn bề sông nước.

Khát nước sạch

Nằm ngay cạnh con sông lớn, bên hàng dừa xanh phủ bóng mát, nhà chị Dương Thị Tiến (xã Đông Phú, huyện Châu Thành, Hậu Giang) trữ nhiều chum nước mưa để sử dụng. Chị Tiến dùng gáo múc một ít nước mưa để vo gạo. Chị bảo, người dân ở địa phương đa phần đều sử dụng ba, bốn loại nước. Nhà nào cũng có nước mưa, nước sạch nông thôn theo đường ống dẫn về đến nhà, nước sông, nước đóng chai.

Sông Cái Lớn ô nhiễm trầm trọng, làm tăng lo ngại cho người dân Hậu Giang và các vùng lân cận

Sông Cái Lớn ô nhiễm trầm trọng, làm tăng lo ngại cho người dân Hậu Giang và các vùng lân cận

Trong các loại đó, nước mưa thường được tích trữ, ưu tiên cho việc nấu nướng, ăn uống, sinh hoạt. Nước sạch nông thôn theo đường ống về nhà chỉ để giặt quần áo, rửa bát, đôi khi còn không dám tắm vì “tắm xong bị nhớt, không sạch”. Nhiều khi nước còn ngả màu vàng, có mùi thuốc tẩy. Nhiều hộ dân trong vùng vẫn dùng nước sông, lọc qua phèn chua vì người dân từ xưa cũng đã quen sử dụng nước như vậy.

Cách nhà chị Tiến khoảng vài trăm mét, bà Châu Thị Bê (ấp Phú Thọ, xã Đông Phú) mang quần áo ra sông ven nhà giặt. Nhà bà Bê hiện chưa có đường ống nước sạch nông thôn dẫn về nhà. Mọi sinh hoạt đều sử dụng nước mưa, nước sông gần nhà. Nước mưa thì dùng để ăn uống, sinh hoạt, nấu ăn, còn nước sông thì tắm giặt, rửa chén bát...

Chia sẻ với phóng viên, bà Bê bảo, rất muốn có đường ống nước sạch dẫn về nhà, nhưng hiện tại chưa có. Theo bà, nước sạch phải đảm bảo đúng là nước sạch, có sử dụng cho tất cả các mục đích được, chứ không phải kiểu dùng ba bốn thứ nước một lúc.

Nằm cách nhà chị Tiến, bà Bê một con sông, những hộ dân khu vực quận Cái Răng (Cần Thơ) cũng lâm vào tình trạng một nhà ba bốn loại nước. Như nhà chị Nguyễn Thị Kim Liên cũng không dùng nước sạch nông thôn cho việc nấu nướng, ăn uống. Nhà chị Liên có nhiều chum hứng nước mưa. Bình thường, nước sạch nông thôn chỉ để rửa bát, giặt quần áo, còn mọi sinh hoạt còn lại đều dùng nước bình và nước mưa.

Chị Liên bảo, bây giờ có đường ống sẵn rồi, chỉ mong muốn có một đường ống nước sạch dẫn đến nhà, có thể sử dụng cho mọi mục đích sinh hoạt chứ không phải phân chia như hiện tại. “Nếu có nước sạch về đến nhà thì mình dùng ngay. Ở đây mọi người đều ý thức được nước sạch là rất cẩn thiết”, chị Liên nói.

Chung tình trạng, nhiều hộ dân khu vực này cho biết, họ không nấu ăn bằng nước sạch vì nước nhiều khi có mùi hóa chất, có màu vàng, nấu cơm không được thơm, ngon. Nếu tắm hay bị nhớt, không sạch. Nhiều hộ dân còn tin tưởng nước sông hơn nước sạch. “Đời ông cha đã dùng bao nhiêu năm rồi. Bây giờ thỉnh thoảng mình vẫn dùng”, bà Nguyễn Thị Út, sống ở quận Cái Răng (Cần Thơ) chia sẻ, dù biết, ngay bên cạnh đó, rác thải, túi nilon, xác động vật chết nhiều khi vẫn được vứt xuống sông.

Cố gắng đem nước sạch đến với dân

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Tống Hoàng Khôi, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành (Hậu Giang) cho biết, địa bàn huyện đã có hơn 95% người dân có nguồn nước hợp vệ sinh sử dụng nhưng vẫn còn nhiều hộ dân sử dụng nước mưa, nước sông thay cho nước máy. Theo ông Khôi, nước hợp vệ sinh trên địa bàn chủ yếu do 2 đơn vị là Công ty CP Cấp thoát nước - Công trình Đô thị Hậu Giang và Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hậu Giang cung cấp.

Nhiều người dân ở Hậu Giang vẫn sử dụng nước sông hàng ngày cho các nhu cầu sinh hoạt. Ảnh: HN

Được biết, nguồn nước này chủ yếu được khai thác từ nguồn nước ngầm trên địa bàn. Ông Khôi cũng thông tin, cuộc khảo sát mới đây ở một số xã trên địa bàn cho thấy, mặc dù được sử dụng nước từ các nhà máy cấp nước nhưng người dân vẫn có nhu cầu nước sạch. Cụ thể, xã Phú Hữu có khoảng hơn 2.600 hộ thì đã có hơn 2500 hộ có nhu cầu sử dụng nước sạch, xã Phú An 100% trên tổng số 1.052 hộ dân, xã Phú Tân có hơn 1.500/2.800 hộ, xã Đông Phú hơn 459/ 2450 hộ có nhu cầu.

Ông Khôi nhìn nhận, thực tế vẫn còn một số ít người dân chưa có nước sạch sử dụng, vẫn sử dụng nước sông nhưng tỉ lệ này là rất thấp. Sở dĩ phát sinh vấn đề này là do khả năng đầu tư của doanh nghiệp có giới hạn, nhu cầu nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng hết, hệ thống dẫn nước chưa bao phủ. Mặt khác, nhiều tuyến có khá ít hộ dân sinh sống, mặt khác các hộ dân sống cách khá xa khu dân cư do đó để đảm bảo 100% người dân có nước sạch sử dụng là rất khó.

“Để giải quyết khó khăn, đảm bảo nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân, phía các công ty cấp nước có hỗ trợ người dân khoan cây nước sử dụng, trường hợp hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, địa phương hỗ trợ bằng hình thức cho người dân vay vốn chính sách. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là các giải pháp tình thế. Về cơ bản, cần có những đơn vị đủ năng lực để đầu tư những dự án lớn nhằm đảm bảo việc cung cấp nước sách cho 100% người dân sử dụng”, ông Khôi nói.

Theo ông Khôi, trong thời gian tới, huyện sẽ kết hợp với Cty Cổ phần Nhà máy nước Aquaone đóng trên địa bàn để cung cấp nước cho người dân sử dụng, trước mắt công ty sẽ ưu tiên triển khai cung cấp nước cho người dân ở thị trấn Mái Dầm, sau đó là Phú An, Phú Hữu, Ngã Sáu... Phía công ty cam kết sẽ cố gắng cung cấp nước đảm bảo sạch cho các hộ dân ở địa phương.

Qua khảo sát của phóng viên Tiền Phong, một số khu vực dân cư tại địa bàn quận Cái Răng (Cần Thơ), Kế Sách (Sóc Trăng)... cũng gặp vấn đề về chất lượng nước hợp vệ sinh trên địa bàn. Có nơi không dám sử dụng cho mục đích ăn uống, có nơi thường hay mất nước trong giờ cao điểm, áp lực yếu. Hầu hết người dân đều mong muốn có một nguồn nước đảm bảo sạch, đủ dùng cho các nhu cầu sinh hoạt.

Hoàng Phong

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/ban-doc/khat-nuoc-sach-o-mien-tay-song-nuoc-1411973.tpo