'Khát nhân lực' giám sát viên an toàn

Ngày càng nhiều 'gương mặt' mới tham gia vào thị trường cũng như việc các hãng đề xuất nâng quy mô đội bay, áp lực bổ sung nhân lực giám sát viên bay đang được đặt ra cho ngành hàng không Việt Nam.

Việt Nam hiện có các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar Pacific, VASCO, Hải Âu, Bamboo Airways và mới đây đã có sự tham gia mạnh mẽ của các hãng bay đang xếp hàng chờ cơ hội cất cánh gồm Vietstar Airlines, Vinpearl Air, Vietravel Airlines và hãng hàng không Cánh Diều (KiteAir).

Cục Hàng không hiện có 49 giám sát viên an toàn hàng không đảm bảo giám sát 256 máy bay.

Cục Hàng không hiện có 49 giám sát viên an toàn hàng không đảm bảo giám sát 256 máy bay.

Cùng với đó, các hãng hàng không đang hoạt động cũng đều có kế hoạch nâng quy mô đội bay, điều này khiến việc bổ sung nhân lực giám sát viên bay là một nhiệm vụ cấp thiết.

Nhưng vấn đề là nếu có thêm hãng hàng không mới, giám sát viên cũng buộc phải tăng tương ứng. Trong khi đó, theo tìm hiểu, hiện 70% giám sát viên bay của Cục Hàng không là đi thuê.

Cục Hàng không hiện có tổng số giám sát viên an toàn hàng không là 49 người, bao gồm cả số giám sát viên bay và giám sát viên đủ điều kiện bay thuê theo hợp đồng, đảm bảo giám sát 256 máy bay.

Để đảm bảo đủ số lượng nhân lực này, Cục Hàng không đã sử dụng các giám sát viên an toàn chuyên trách và kiêm nhiệm từ các hãng hàng không, các tổ chức bảo dưỡng tàu bay. Tuy nhiên, chỉ tính riêng 2019, nếu muốn có đủ 10 giám sát viên bay thì cần thêm 4 giám sát chuyên trách và 19 giám sát kiêm nhiệm (vì các giám sát kiêm nhiệm chỉ đáp ứng được 30% công việc).

Cục đã có kế hoạch đến năm 2025 đảm bảo 70% giám sát viên bay thuộc biên chế của mình để đảm bảo yêu cầu của Cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA) trong việc duy trì chứng nhận đạt năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1), đó là đội ngũ giám sát viên bay phải là phi công độc lập với các hãng.

Ngoài giám sát viên an toàn, đội ngũ giám sát viên bay, theo tính toán, cũng tăng từ 7 lên 16 người từ năm 2019 - 2025. Nhưng đây chính là điểm khó bậc nhất. Bởi theo quy định, phi công làm giám sát viên bay phải có chứng chỉ giáo viên bay. Trong khi đó, phi công kiêm giáo viên bay của Vietnam Airlines hiện có thu nhập đến 300 triệu đồng/tháng nên cực khó đủ tiền để tuyển dụng.

“Có thể thấy, bổ sung giám sát viên an toàn hàng không (mà giám sát viên bay chỉ là một phần trong số này) là nhu cầu bức thiết nhất của ngành hàng không và là vấn đề về nhân lực chuyên ngành sẽ được ưu tiên giải quyết trong thời gian tới”, lãnh đạo Cục Hàng không nhìn nhận.

Đặc biệt, sự ra đời của các hãng hàng không mới Vinpearl Air, Viettravel Airlines hay Cánh Diều, tính toán tới năm 2020, Cục Hàng không sẽ cần 56 giám sát viên an toàn đáp ứng đội bay 295 chiếc.

Như vậy, để đảm bảo kế hoạch giám sát an toàn khai thác bay trong năm 2020, Cục Hàng không Việt Nam đang cần bổ sung thêm 7 giám sát viên an toàn để giám sát đội bay 295 chiếc.

Được biết, để đảm bảo năng lực giám sát viên an toàn hàng không cho đội máy bay 295 chiếc đến năm 2020, các hãng Vinpeal Air, Bamboo Airways, Viettravel Airlines và Cánh Diều mới đây đã cử giám sát viên bay hỗ trợ Cục hàng không.

Theo đó, Vinpeal Air cử 4 giám sát viên bay, Bamboo Airways cử 2 người, Viettravel Airlines cử 1 người và hãng Cánh Diều cử 1 giám sát viên bay hỗ trợ.

Cục Hàng không cho biết sẽ xem xét các tiêu chí để chấp thuận đề nghị từ các doanh nghiệp. Nếu 8 giám sát viên được đề cử đủ tiêu chuẩn đáp ứng theo quy định của Cục thì tổng lực lượng giám sát viên bay an toàn của Cục sẽ được nâng lên 12 người.

Tuy nhiên, điều đáng nói, đây chỉ là giải pháp mang tính tình thế. Dự kiến đến năm 2025, giám sát viên an toàn hàng không sẽ phải tăng từ 49 lên 86 người, như vậy là tăng 37 người để giám sát đội bay 384 máy bay khai thác vận chuyển hàng không và 65 máy bay kinh doanh hàng không chung.

Con số này được tính vừa khít với kế hoạch tăng trưởng đội bay của các hãng hiện đang hoạt động.

Cụ thể, Bamboo Airways đã được Chính phủ phê duyệt cho nâng quy mô đội bay từ 10 lên 30 máy bay ngay nửa đầu năm 2020 và đặt mục tiêu tiếp tục phát triển lên 100 máy bay vào năm 2024.

Trong khi đó, đội bay của Vietnam Airlines bao gồm cả VASCO dự kiến đạt 107 chiếc vào năm 2020, tăng lên 135 chiếc vào năm 2025. Đội máy bay của Jetstar Pacific đến năm 2020 là 22 chiếc và đến năm 2025 là 32 chiếc. Vietjet Air hiện đang xây dựng kế hoạch đạt 102 chiếc vào năm 2020, 200 chiếc vào năm 2025, tuy nhiên đang vấp phải khuyến nghị từ Cục Hàng không Việt Nam.

Như vậy, tình trạng thiếu cả giám sát viên bay, cùng với thiếu hụt phi công trước đó đang đưa vấn đề nhân lực hàng không vào tình trạng báo động.

Chia sẻ về vấn đề này, một chuyên gia cho rằng, để giảm chi phí trong tuyển dụng giám sát viên bay, Cục Hàng không có thể thuê các giáo viên bay đã nghỉ hưu, đào tạo thành thanh tra giám sát bay.

"Trường hợp ngân sách nhà nước không đủ trả lương, có thể yêu cầu các hãng hàng không và có thể cả nhà sản xuất máy bay góp tiền dựa theo tỉ lệ đầu máy bay của từng hãng. Đây là cách mà Pháp và một số nước đã thực hiện”, chuyên gia cho biết.

Anh Duy

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/khat-nhan-luc-giam-sat-vien-an-toan-159056.html