Khát khao khẳng định mình

Tuổi thơ cơ cực, không có điều kiện được ăn học đàng hoàng, nhiều vận động viên (VĐV) đã xem thể thao là hướng đi để thoát nghèo, là nơi thể hiện khát khao vươn lên và khẳng định mình.

“Xe đạp đã cho tôi nhiều thứ”, cua-rơ Đinh Thị Như Quỳnh mở đầu câu chuyện với chúng tôi. Là cô gái Mường sinh ra và lớn lên tại huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) trong một gia đình thuần nông, từ nhỏ, Quỳnh đã nghĩ cuộc đời mình sẽ gắn bó với vùng đất này. Hoàn cảnh khó khăn, Quỳnh phải làm đủ việc để đỡ đần cha mẹ, song cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám gia đình cô. Nhà Quỳnh trồng lúa và mía. Có ngày không bán được mía, cả nhà Quỳnh phải ăn mía... trừ bữa. Cái duyên trời định đã đưa Quỳnh đến với xe đạp và giúp cô đổi đời. Kể từ khi thi đấu cho Đội xe đạp Cấp thoát nước môi trường Bình Dương, mức lương của Quỳnh cũng tăng lên đáng kể. Trở về từ SEA Games 30 với thành tích giành Huy chương vàng (HCV), Quỳnh được CLB chủ quản tạo điều kiện cho mua một căn hộ chung cư thuộc dự án nhà ở xã hội. Tổng giá trị căn hộ là 800 triệu đồng, đã được vợ chồng Như Quỳnh trả trước 200 triệu đồng và số tiền còn lại sẽ được trả góp qua từng năm. Như Quỳnh tâm sự: “Nếu không có xe đạp, cuộc sống của tôi không biết giờ ra sao. Đó là đặc ân và cũng là món nợ mà tôi sẽ cố gắng để trả cho xe đạp trong phần còn lại của cuộc đời”.

 Kình ngư tài năng Trần Hưng Nguyên.Ảnh: MINH CHIẾN

Kình ngư tài năng Trần Hưng Nguyên.Ảnh: MINH CHIẾN

Cũng như nhiều VĐV khác sinh ra ở dải đất miền Trung, gia cảnh của kình ngư Trần Hưng Nguyên khá khó khăn. Năm 11 tuổi, cậu bé Hưng Nguyên đã theo người thân vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Hưng Nguyên đặt rõ mục tiêu là giúp gia đình thoát nghèo. Không phụ lòng các thầy và người thân, Nguyên sớm nổi lên như một “thần đồng” bơi lội. Năm 2018, Hưng Nguyên giành tới 20 huy chương, trong đó có 18 HCV tại giải trẻ Đông Nam Á. Đặc biệt, trong lần đầu tham dự SEA Games 2019, Nguyên đã xuất sắc giành 2 HCV. Thấu hiểu được sự khó khăn, vất vả của bố mẹ nên có bao nhiêu tiền thưởng, Nguyên đều gửi hết về để gia đình trang trải. “Mục tiêu của em là phải thi đấu tốt hơn nữa bởi điều đó cũng đồng nghĩa với việc gia đình sẽ sớm thoát nghèo”, Hưng Nguyên bộc bạch.

Trước khi tỏa sáng tại SEA Games 30, VĐV điền kinh Phạm Thị Thu Trang phải đi làm đủ thứ nghề để phụ giúp gia đình. Lúc 15 tuổi, Trang tham gia tổ chạy dài của đội tuyển điền kinh Hà Nội. Ba năm sau, cô bắt đầu tập môn đi bộ 10km nữ. Nhà có 4 chị em, sinh kế gia đình trông vào mấy sào ruộng của bố mẹ. Để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình, sau những giờ tập vất vả, Thu Trang còn chạy thêm xe ôm công nghệ, phụ bếp. Tiền lương và tiền làm thêm Trang chỉ giữ lại một ít tiêu vặt, còn lại cô đều đặn gửi về nhà cho bố mẹ. Thời gian qua, thành tích tập luyện, thi đấu của Thu Trang không ngừng được cải thiện. Trang chia sẻ: “Mục tiêu của em là giành vé dự Olympic 2021. Vẫn biết đây là nhiệm vụ không dễ dàng gì nhưng em sẽ cố gắng hết mình”.

Với cầu thủ Phạm Xuân Mạnh, bóng đá không chỉ là đam mê mà còn là mục tiêu để thoát nghèo. Khi mới 5 tuổi, Mạnh đã theo bố đi cày ruộng thuê kiếm tiền. Dù có tuổi thơ vất vả, phải phụ bố mẹ việc nhà, đồng áng nhưng Mạnh sớm bộc lộ năng khiếu bóng đá và nhanh chóng đầu quân cho Sông Lam Nghệ An. Đá giải trẻ kiếm được bao nhiêu tiền, Mạnh đều tiết kiệm, tích cóp để gửi về cho bố mẹ. Năm 2015, Mạnh đứng ra vay mượn tiền để xây mới ngôi nhà đã cũ, xuống cấp của gia đình. Hai năm trở lại đây, cuộc sống của Xuân Mạnh đã cải thiện nhiều. Ngoài tiền thưởng sau những thành tích của đội tuyển U.23, mức lương của Mạnh ở Sông Lam Nghệ An cũng tăng đáng kể. Dù vậy, lúc nào Mạnh cũng tự nhắc nhở bản thân không được quên những tháng ngày cơ cực, lấy đó là động lực để tiếp tục phấn đấu.

Và còn đó nhiều VĐV khác có hoàn cảnh khó khăn với nỗ lực tập luyện kiên trì “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, đang từng ngày khẳng định giá trị của mình trong làng thể thao và ước mơ về một cuộc sống ấm no hơn.

MINH NHẬT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/khat-khao-khang-dinh-minh-615375