Khát khao gieo hạnh phúc

Để xây dựng Trường học hạnh phúc với nhiệm vụ mới, hình thức giáo dục mới, nhà trường phải vừa là nơi ươm mầm, vừa là nơi kết nối và phát huy những giá trị hạnh phúc. Có thể nói, hạnh phúc bắt đầu từ chính khát khao gieo hạnh phúc của mỗi thầy cô.

Học sinh Trường THPT Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc)

Học sinh Trường THPT Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc)

Hạnh phúc khi đến trường

Cô Nguyễn Thị Mai Chang – Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) chia sẻ: “Trường học hạnh phúctheo tôi chỉ đơn giản là “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Theo đó, học sinh phải là những người được hưởng hạnh phúc khi đến trường. Các thầy cô không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn dạy đạo đức, lối sống, kĩ năng sống cho học sinh”.

Trường THPT Vĩnh Yên đã đặt ra tầm nhìn và sứ mệnh: “Tạo ra những thế hệ học sinh mạnh về thể chất, sáng về trí tuệ, giàu có về tâm hồn, có kỹ năng sống tốt, biết tự học và sáng tạo không ngừng”. Nhà trường chú trọng chất lượng giáo dục thực, không chạy theo thành tích, không tạo áp lực thành tích cho giáo viên và học sinh, nhìn vào sự tiến bộ của học sinh là tiêu chí đánh giá chất lượng của nhà trường.

Với mục tiêu giáo dục toàn diện và lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường tăng cường giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế, các hoạt động ngoại khóa, thành lập các câu lạc bộ môn học và hoạt động giải trí.

Nhà trường đã quan tâm đến việc tạo diễn đàn, cơ hội để lắng nghe học sinh. Định kỳ hàng năm, trường tổ chức lấy ý kiến đánh giá, tâm tư, nguyện vọng của học sinh về giáo viên chủ nhiệm. Qua đó, các em thể hiện được sự tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp, nói lên những đề xuất, kiến nghị của mình.

Cô Nguyễn Thị Mai Chang

Quan trọng hơn, đó là những nhiệm vụ mà hiệu trưởng và toàn thể thầy cô giáo, các tổ chức trong nhà trường phải hành động để đáp ứng những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của học sinh. Cho các em được quyền tiếp cận thông tin và tham gia, làm chủ các hoạt động, đó là cách để tạo ra những “chủ nhân” tích cực của Trường học hạnh phúc.

Song song với đó, nhà trường tổ chức các khóa học để giáo viên biết quản lý, chuyển hóa cảm xúc, lắng nghe và chia sẻ, kích thích và khuyến khích học sinh. Nhà trường đã tổ chức hoạt động tập huấn “Cách giáo dục học sinh tuổi 16 - 18” nhằm tăng cường sự phối hợp, hiểu biết lẫn nhau giữa giáo viên với phụ huynh.

Nhà trường luôn khuyến khích học sinh trồng và chăm sóc cây xanh, tạo thêm những không gian xanh trong lớp học, trường học, vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn - thân thiện.

Dũng khí và khát vọng của hiệu trưởng

Theo cô Chang, hiệu trưởng là người có vai trò quan trọng trong quá trình thay đổi để xây dựng Trường học hạnh phúc nhờ dũng khí và khát vọng. Dũng khí là tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Còn khát vọng chính là không ngừng tâm huyết và đổi mới để xây dựng nhà trường phát triển vươn lên tầm cao mới.

Trên thực tế, việc triển khai các nhiệm vụ giáo dục trong nhà trường hiện nay gặp rất nhiều khó khăn về cơ chế chính sách, văn bản, quy định, quy chuẩn của các cấp vừa nhiều về số lượng, vừa chồng chéo. Nếu như hiệu trưởng không có dũng khí, không nhiệt huyết thì thật khó để triển khai được bất cứ việc gì.

Bởi vậy, để hiệu trưởng hạnh phúc thì ít nhất, họ có thể làm những điều cảm thấy đam mê, tâm đắc và mang lại niềm vinh dự của một nhà giáo chân chính. Bản thân hiệu trưởng phải là người biết yêu thương và lan tỏa được yêu thương, phải là người hạnh phúc và lan tỏa hạnh phúc.

Hiệu trưởng phải là huấn luyện viên về khơi dậy hạnh phúc từ bên trong và kết nối được trái tim của tất cả các thầy cô giáo, của học trò, các phụ huynh học sinh và sự chung tay của cả xã hội. Tất cả các hoạt động của nhà trường phải hướng đến mục tiêu: Vì sự tiến bộ và phát triển của học sinh, làm cho học sinh vui, có tri thức và dần trưởng thành.

Để mô hình Trường học hạnh phúc trở nên thiết thực, hiệu quả, cần có giải pháp và cách làm đồng bộ, có hệ thống. Đối với học sinh, cần đổi mới chương trình học và thi cử, hình thức kiểm tra đánh giá theo hướng giảm tải cả về độ khó và sức nặng, có nhiều quỹ thời gian cho các hoạt động giáo dục khác.

Đối với giáo viên, cần có giải pháp nâng cao đời sống vật chất tinh thần, để giúp họ yên tâm và chuyên tâm vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tương xứng với đề bài là tạo ra các thế hệ học sinh là “công dân toàn cầu”.

Đối với nhà trường, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cần được đầu tư đúng hướng, trọng tâm, trọng điểm, trong đó, nhà vệ sinh đủ và hiện đại là điều không thể thiếu. Đối với hiệu trưởng, cần một hệ thống văn bản chuẩn gọn và khoa học hơn, như tích hợp đánh giá xếp loại viên chức với đánh giá, xếp loại chuẩn nghề nghiệp và tiêu chí “Trường học hạnh phúc”.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/khat-khao-gieo-hanh-phuc-4056189-b.html